Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả nước có hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó số người lao động làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp được cho là thuộc nhóm được thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Lao động thương binh và xã hội, cho đến nay chỉ có 418 người lao động ở nhóm đối tượng này được thụ hưởng. Đây là con số quá ít ỏi! Vậy nguyên nhân vì sao chỉ có chừng đó người lao động được thụ hưởng gói hỗ trợ này, trong khi hàng ngàn lao động tại các khu công nghiệp trên cả nước vẫn đang có cuộc sống hết sức khó khăn?
Chiều xuống Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, từng tốp công nhân hối hả tan ca về những khu trọ lụp xụp. Chị Nguyễn Thị Hoài, Công nhân Công ty Canon Việt Nam cho biết, thời điểm tháng 3, tháng 4, công nhân nhà máy được nghỉ cách nhật, đầu tuần đi làm, cuối tuần nghỉ nên thu nhập giảm sút, cuộc sống đã khó khăn lại thêm phần vất vả.
"Mấy ngày công ty hết linh kiện nên cho nghỉ. Một tuần nghỉ mấy ngày. Nghỉ thì được 70% lương. Cuộc sống vất vả nên tôi phải đi chợ kiếm thêm mới đủ sống"- chị Hoài chia sẻ.
(Ảnh minh họa) |
Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Dung - cũng là công nhân ở khu nhà trọ kế bên cũng không mấy sáng sủa. Dù vẫn phải nghỉ dứt bữa nhưng cũng không đủ đợt nghỉ liền mạch một tháng như quy định của Chính phủ nên chị Dung cũng không thể được nhận gói hỗ trợ.
"Công ty chưa bố trí việc làm cho công nhân nên một số người phải nghỉ. Trước đó, chúng tôi cũng đã phải ký hợp đồng tạm thời nghỉ không lương và công ty thông báo khi nào sắp xếp được việc cho công nhân thì sẽ gọi. Tôi chỉ bị nghỉ 20 ngày và hưởng theo lương tối thiểu vùng"- chị Dung nói.
May mắn hơn những lao động ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nhưng một lao động đề nghị không nêu tên tại Khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên Hà Nội tới giờ vẫn chưa thể nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ, dù kinh tế gia đình gặp khá nhiều khó khăn.
"Công ty thông báo tôi nằm trong diện được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ, công ty cũng làm thủ tục nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nhận được đồng nào cả"- một công nhân chia sẻ.
Đây là những nỗi lòng của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Họ bị nghỉ việc, mất việc, giảm lương… nhưng dường như rất ít người lao động đủ điều kiện được thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến 4/6, đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên, đã có 94 doanh nghiệp nộp hồ sơ với 1.881 người lao động thế nhưng hiện mới có quyết định chi trả cho 4 doanh nghiệp với 50 lao động đủ điều kiện. So với gần 2.000 lao động của 94 doanh nghiệp đề nghị hưởng hỗ trợ là quá khiêm tốn.
Theo phản ánh của một số chủ doanh nghiệp và người lao động, vướng mắc nằm ở chỗ để được hưởng gói hỗ trợ này, người lao động phải có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ 1 tháng trở lên và họ phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu đủ các điều kiện vừa nêu, người lao động có thể nhận mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng với khoảng thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Với điều kiện ngặt nghèo đó, nhiều người lao động khó đủ điều kiện được bởi mặc dù nhiều doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lại là nghỉ xen kẽ trong tháng chứ không nghỉ cả tháng. Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, theo quy định, nếu doanh nghiệp gửi báo cáo tài chính về cho thấy vẫn còn doanh thu, vẫn còn nguồn để trả lương cho người lao động thì người lao động của doanh nghiệp đó sẽ không được hỗ trợ.
"Đây là một trong những tiêu chí quy định, nên rất khó vì trên thực tế có những doanh nghiệp họ gặp khó khăn do dịch Covid-19 chỉ có thể hỗ trợ khoảng 30% người lao động nghỉ việc, rõ ràng người lao động nghỉ việc nhưng còn 70% họ vẫn tiếp tục hoạt động. Như vậy trong doanh nghiệp đó vẫn có doanh thu. Vì vậy, 30% lao động nghỉ việc vì một số điều kiện nên họ không được hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ, vì mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ cho người lao động bị khó khăn nghỉ việc thực sự"- ông Dân cho biết.
Mặc dù hàng chục nghìn người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, mất việc hàng tháng trời, nhưng với quy định người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động không lương từ tháng 4, 5, 6 mới được hỗ trợ, những lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động trước ngày 1/4 sẽ không được hưởng gói hỗ trợ này. Đây cũng là rào cản khiến số người lao động đủ điều kiện là rất ít.
Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội: Nghị quyết 42 và nghị quyết 15 của Chính phủ quy định nếu doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, thì bản thân người lao động không được hưởng gói hỗ trợ do hoãn hợp đồng và nghỉ việc không lương. Như vậy, doanh nghiệp cũng chỉ được hưởng 1 trong 2 gói hỗ trợ này. Ngay đối tượng bị mất việc, việc chi trả lại càng khó khăn, ông Tạ Văn Dưỡng cho biết: Đây là nhóm đối tượng không chịu quản lý của doanh nghiệp mà tạm trú, thường trú tại các địa phương, tổ dân phố và họ tự khai báo, nộp hồ sơ cho các cấp chính quyền theo Nghị quyết 15.
"Khó khăn hiện nay là nếu người lao động đang tạm trú tại Hà Nội, muốn nhận gói hỗ trợ mất việc làm tại Hà Nội phải chứng minh và có xác nhận của nơi thường trú là không nhận gói hỗ trợ tại địa phương để được nhận gói hỗ trợ này tại Hà Nội và ngược lại. Điều này khiến nhiều lao động gặp khó khăn, ngại không làm hồ sơ"- ông Dưỡng cho biết.
Trả lời câu hỏi liệu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có biết thực trạng này hay không, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Cơ quan này đã nhận thấy những tồn tại trong các điều kiện mà người lao động cần có để được hưởng gói hỗ trợ và đã tham gia ý kiến với Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đồng thời, tiếp tục tập hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai gói hỗ trợ tới người lao động để có giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã trích từ kinh phí công đoàn 500 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hiện, các công đoàn cơ sở đang lên danh sách người lao động được thụ hưởng chính sách này của Công đoàn Việt Nam./.
Phương Thoa/VOV1