Việt Nam đang kỳ vọng sớm đưa ra thị trường vắc xin Covid-19. |
Về vấn đề này ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH)- Bộ Y tế cho rằng, vắc xin đầu tiên trên thế giới được Nga tự công bố và lưu hành nhưng các kết quả nghiên cứu chưa được công bố về mặt khoa học.
"Cũng trong lĩnh vực nghiên cứu vắc xin nhưng nghiên cứu của các nước Anh, Mỹ được công bố nhiều hơn. Vì vậy chúng tôi có thể tham khảo được nhờ vào các số liệu nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, những nghiên cứu về mặt khoa học của loại vắc xin Covid-19 của Nga chưa được công bố, vì vậy, không có số liệu để tham khảo và đánh giá”, ông Đạt nói.
Cũng theo chuyên gia này, bất kỳ một vắc xin nào cũng phải trải qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đề nghị phía Nga công bố số liệu và các nghiên cứu liên quan đến loại vắc xin này, từ đó mới có cơ sở khẳng định vắc xin của Nga có an toàn hay không.
Với băn khoăn liệu chúng ta có tính tới phương án NK vắc xin của Nga hay không Chủ tịch VABIOTECH cho rằng, đối với một loại vắc xin, chúng ta bắt buộc phải hiểu loại vắc xin đó như thế nào rồi mới có thể đưa ra quyết định có nhập khẩu hay không?
Liên quan đến quá trình nghiên cứu vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, ông Đỗ Tuấn Đạt cho hay, vắc xin Covid-19 của VABIOTECH đã thử nghiệm trên chuột với 2 liều tiêm và có hiệu quả sinh kháng thể.
“Khi có được vắc xin đáp ứng trên động vật sẽ tiến hành các bước tiếp theo. DN đang nỗ lực để có thể thử nghiệm trên người với vắc xin Covid-19 vào đầu năm 2021”, ông Đạt nêu.
Tuy nhiên, theo đại diện VABIOTECH, quá trình sản xuất vắc xin thật sự còn có nhiều khó khăn nhất định, không hề dễ dàng vì vắc xin đòi hỏi tính ổn định, tính hiệu suất cao, chất lượng phải đảm bảo.
Ngoài dự án VABIOTECH, hiện vắc xin Covid-19 của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã gửi mẫu vắc xin ngừa Covid-19 sang Mỹ để đánh giá bước đầu.
Theo TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện của IVAC, nếu phản hồi từ Mỹ tích cực, IVAC sẽ chuẩn bị các bước tiếp theo để thử nghiệm lâm sàng trên người.
Nếu kết quả tốt, dự kiến cuối năm 2021 có thể sản xuất vắc xin ngừa Covid-19. “Quá trình để nghiên cứu thành công một loại vắc xin thông thường phải mất từ 7-10 năm. Nhưng trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp nên Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cũng có các chính sách để rút ngắn một số giai đoạn. Dù vậy vấn đề chất lượng luôn phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình nghiên cứu”, ông Thái cho biết thêm.
Ngoài hai dự án nêu trên, Việt Nam cũng có 2 nhà sản xuất vắc xin Việt Nam tham gia cuộc đua vắc xin Covid-19.
HQOL