Theo giáo sư Hứa Lợi Bình, việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos mùa Hè hai năm liên tiếp tại Trung Quốc đã thể hiện đầy đủ vai trò quan trọng của Việt Nam đối với diễn đàn này, đồng thời cũng cho thấy vị thế ưu tiên nổi bật đối với Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Ông khẳng định: “Hai điểm này đã thể hiện đầy đủ vai trò dẫn dắt hết sức quan trọng của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Bởi chúng ta đều biết đây là Hội nghị thường niên các nhà tiên phong. Nói cách khác, xét ở một mức độ nào đó, Việt Nam đóng vai trò của một nhà tiên phong trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới”.
Theo ông Hứa Lợi Bình, kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 5% năm 2023 và dự kiến đạt 6%-6,5% trong năm nay là điều rất đáng ghi nhận. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, cho thấy tiềm năng và động lực phát triển của Việt Nam trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi như hiện nay, tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam đã tạo thêm niềm tin cho sự hồi phục chung của kinh tế thế giới.
Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính hai năm liên tiếp được mời tham dự Diễn đàn Davos mùa Hè đã phản ánh đầy đủ sự đóng góp và vai trò không thể thiếu của kinh tế Việt Nam đối với sự tăng trưởng của kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.
Về bài phát biểu đặc biệt của Thủ tướng tại Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (WEF Đại Liên) 2024, ông Hứa Lợi Bình đánh giá: “Đây là bài phát biểu rất phong phú về nội dung và rất tích cực về tổng thể. Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đem lại niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp và chính giới tham gia diễn đàn lần này. Điều này rất đáng ghi nhận”.
Theo ông, 3 yếu tố tác động đến phát triển kinh tế toàn cầu mà Thủ tướng nêu ra là những nhận định rất chính xác của lãnh đạo Việt Nam về sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Đó là sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và tác động của quá trình phi toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, ông Hứa Lợi Bình cho rằng, các đề xuất về 3 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong gồm phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đem đến cho thế giới những giải pháp phát triển rất tốt của Việt Nam.
Giáo sư Hứa Lợi Bình cũng đánh giá cao các kiến nghị của Việt Nam đối với WEF, các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp để phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hỗ trợ các nước đang phát triển. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia là điều hết sức quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi, bởi để phát triển cần phá bỏ các trở ngại và có những đổi mới về thể chế.
Ngoài ra, theo ông, các kiến nghị về hỗ trợ nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trong đó có cả hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra, đều là những lĩnh vực rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế… phù hợp với yêu cầu thực tế và xu thế phát triển hiện nay.
Trong khi đó, kiến nghị về chuyển giao công nghệ tiên tiến và ưu tiên cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng được giáo sư Hứa Lợi Bình đánh giá là mang tính xây dựng và có ý nghĩa tích cực, đặc biệt đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Ông Hứa Lợi Bình đồng thời đánh giá rất cao sự ghi nhận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những đóng góp của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo ông, điều này cho thấy mức độ tin cậy chiến lược cao giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc.