Hai bên đã có nhiều trao đổi về quản lý bảo hiểm xã hội tại cấp trung ương và địa phương. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)
Ngày 13/6, đoàn công tác của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu dẫn đầu đã có buổi làm việc với Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Nam Phi tại thủ đô Pretoria nhằm trao đổi thông tin và kinh nghiệm quản lý trong các chương trình bảo hiểm xã hội và phúc lợi tại hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, chia sẻ với các đối tác tại Nam Phi, ông Trần Đình Liệu giới thiệu về cơ cấu tổ chức, lịch sử phát triển, chiến lược phát triển cũng như những nỗ lực và thành tựu trong việc mở rộng độ bao phủ của các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đến mọi người dân, mọi đối tượng trên khắp mọi miền đất nước tại Việt Nam.
Cụ thể, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ra đời từ năm 1995, là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế và của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Theo số liệu mới nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Cho đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội lên đến hơn 17,4 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Về bảo hiểm y tế, ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,69 triệu người, tăng 4,43 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Đình Liệu cho biết Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tích cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và các đơn vị trong việc thực hiện các chế độ bảo hiểm.
Ông cho biết Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của cơ quan Nam Phi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Chào mừng đoàn công tác Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến thăm và làm việc tại Nam Phi, bà Busisiwe Memela-Khambula, Giám đốc điều hành Cơ quan bảo hiểm xã hội Nam Phi (SASSA) giới thiệu về chương trình an sinh xã hội toàn diện của Nam Phi bao gồm 3 trụ cột là chương trình hỗ trợ xã hội, Bảo hiểm xã hội, và Bảo hiểm tư nhân.
SASSA chịu trách nhiệm về trụ cột đầu tiên là chương trình trợ giúp xã hội, được thực hiện thay mặt cho Bộ Phát triển Xã hội Nam Phi.
Bà Khambula cho biết chương trình trợ giúp xã hội là một trong những chương trình giảm nghèo lớn nhất được thực hiện và tài trợ hoàn toàn bởi chính phủ Nam Phi với hơn 40% dân số được SASSA hỗ trợ hàng tháng.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu với bà Busisiwe Memela-Khambula, Giám đốc điều hành Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Nam Phi. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)
Theo bà Khambula, hiện mỗi tháng SASSA cung cấp hỗ trợ thu nhập hàng tháng cho hơn 18,8 triệu người Nam Phi bao gồm cả người già người khuyết tật, cựu chiến binh, trẻ em và những người gặp hoạn nạn.
Ngoài ra còn có khoảng 8 triệu người thụ hưởng phụ thuộc vào khoản cứu trợ đặc biệt R350 (khoảng 19 USD) hàng tháng dành cho những người phải chịu hậu quả về kinh tế-xã hội do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Bày tỏ sự ngưỡng mộ với những thành tựu trong công tác phát triển bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, bà Khambula cho biết SASSA rất mong muốn học hỏi kinh nghiệm quản lý và phát triển nhân sự từ phía Việt Nam đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm xã hội tại Nam Phi.
Tại buổi làm việc, hai bên đã có nhiều trao đổi về quản lý bảo hiểm xã hội tại cấp trung ương và địa phương.
Việt Nam cũng đã có chia sẻ về quản lý việc thu-chi bảo hiểm xã hội, chăm sóc khách hàng và các đối tượng thụ hưởng tại Việt Nam.
Trong khi đó, Nam Phi cũng đã có những chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng mạng xã hội trong việc thông tin và khuyến khích người dân đăng ký các khoản hỗ trợ và viện trợ xã hội đặc biệt./.
Hồng Minh (TTXVN/Vietnam+)