Là tổ chức quốc tế lớn thứ hai sau Liên hiệp quốc, Phong trào không liên kết (NAM) đã có nhiều đóng góp cho độc lập dân tộc, hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội. Sau 45 năm gia nhập, Việt Nam tham gia ngày càng tích cực và đã có nhiều đóng góp vào quá trình thực hiện những mục tiêu của Phong trào không liên kết
Phong trào không liên kết
Phong trào không liên kết (Non-Aligned Movement: NAM) ra đời ngày 1/9/1961 tại Beograd (Nam Tư trước đây) trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đang diễn ra gay gắt cùng với sự phát triển rộng khắp của cao trào giải phóng dân tộc, khẳng định mạnh mẽ xu thế tập hợp lực lượng của các quốc gia độc lập non trẻ. NAM là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân.
Tiền thân của NAM là Hội nghị cấp cao Á - Phi họp ở Bandung (Indonesia) từ ngày 18 đến ngày 24/4/1955, với sự tham dự của lãnh đạo 29 các nước Á - Phi, trong đó có Việt Nam.
Tôn chỉ mục đích hoạt động của NAM là đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân cũ và mới[1] theo năm nguyên tắc chỉ đạo để chung sống hòa bình: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; (2) không xâm lược lẫn nhau; (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (4) bình đẳng và cùng có lợi; (5) cùng tồn tại hòa bình.
Phần lớn thành viên của NAM là các quốc gia nằm ở châu Phi và châu Á, chiếm gần 2/3 thành viên Liên hiệp quốc và 55% dân số thế giới. Đến nay, NAM có 120 nước thành viên, 18 nước quan sát viên và trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, NAM đã có những đóng góp quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập của các quốc gia, đấu tranh cho một trật tự kinh tế, chính trị công bằng, dân chủ và bình đẳng.
Hiện nay, Phong trào không chỉ tập trung vào những tôn chỉ hoạt động ban đầu mà còn hướng đến việc tái cấu trúc trật tự kinh tế quốc tế, và tập trung vào các thách thức kinh tế xã hội đối với các quốc gia thành viên, đặc biệt là sự bất bình đẳng trong thời kỳ toàn cầu hóa. NAM cũng xác định kinh tế kém phát triển, nghèo đói và mất công bằng xã hội là những mối đe dọa ngày càng tăng đối với hòa bình và an ninh thế giới ngày nay.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh phong trào không liên kết ngày 25/10/2019. (Ảnh tư liệu)
Đặc biệt, để chung tay chống đại dịch COVID-19, NAM tổ chức Hội nghị cấp cao trực tuyến với chủ đề "Đoàn kết ứng phó đại dịch COVID-19" (5/2020)). Hội nghị kêu gọi tăng cường sự hợp tác quốc tế, lên án và kêu gọi xóa bỏ các hành động cấm vận đơn phương vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm luật pháp quốc tế nhằm vào một số thành viên Phong trào, đồng thời nhất trí thành lập nhóm Đặc trách Không liên kết để xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các nước thành viên Phong trào trong phòng, chống đại dịch.
Tháng 7/2021, NAM tổ chức Hội nghị Bộ trưởng với chủ đề “Không liên kết, trung tâm của nỗ lực quốc tế ứng phó với các thách thức toàn cầu” bằng hình thức trực tuyến, nhấn mạnh vai trò của Phong trào Không liên kết trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển; đồng thời là diễn đàn để tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, nổi bật là đại dịch COVID-19.
Phong trào Không liên kết ra đời vào đầu những năm 1960 của thế kỷ XX đã trở thành một lực lượng chính trị lớn nhất của các nước đang phát triển, có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy các mục tiêu vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển, dân chủ hóa quan hệ quốc tế.
Việt Nam tích cực đóng góp cho Phong trào Không liên kết
Việt Nam tham dự Hội nghị Á-Phi năm 1955 tại Indonesia, tiền thân của NAM. Tại Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo hoạt động của NAM.
Trong những năm 1960-1970, tuy chưa là thành viên chính thức của Phong trào, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước không liên kết và đang phát triển bằng việc đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống đế quốc.
Ngày 26/8/1976 tại Hội nghị cấp cao V (Colombo, Sri Lanca), Việt Nam trở thành thành viên chính thức của NAM.
Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia của mình vào NAM, coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của mình.
Từ khi tham gia NAM, Việt Nam luôn tích cực phối hợp chặt chẽ các nỗ lực tăng cường đoàn kết của Phong trào, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của Phong trào vì các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội và phát triển, thể hiện tiếng nói của Việt Nam qua các Hội nghị, tiêu biểu Hội nghị cấp cao trực tuyến với chủ đề "Đoàn kết ứng phó đại dịch COVID-19" (5/2020). Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ mối quan ngại chung và nhấn mạnh tình hình hiện nay đòi hỏi Phong trào Không liên kết cần củng cố và khẳng định tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua lịch sử 6 thập kỉ hoạt động của mình, coi đây là kim chỉ nam giúp chuyển “nguy” thành “cơ”, vượt qua thách thức và chiến thắng đại dịch. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nước Không liên kết tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên tất cả các cấp độ và lĩnh vực; có chiến lược hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; ủng hộ việc tăng cường chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và kiên trì thực hiện các cam kết đa phương then chốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao trực tuyến Phong trào Không liên kết
ngày 4/5/2020 (Ảnh: Thống Nhât/ TTXVN)
Vì vậy, NAM cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật và dân chủ hóa quan hệ quốc tế, phản đối các hành vi chính trị cường quyền và thúc đẩy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương, hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc để duy trì một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định.
Đồng thời, Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm, đạt được những kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch có được là nhờ sự đồng lòng nhập cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội theo phương châm “chống dịch như chống giặc”; khẳng định Chính phủ Việt Nam nỗ lực tối đa vừa chống dịch vừa ổn định phát triển, đảm bảo an sinh xã hội để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cũng đề cập những nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để kiểm soát hiệu quả đại dịch, cũng như các đóng góp của Việt Nam về tài chính, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu sản xuất tại Việt Nam đối với một số nước chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Sự tham dự và chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị cấp cao trực tuyến lần này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò của Việt Nam tại Phong trào Không liên kết nói riêng và nỗ lực hợp tác của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nói chung trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khẳng định vị thế và hình ảnh về một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp để ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Tại Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến (7/2021) nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Phong trào Không liên kết, Việt Nam khẳng định tinh thần đoàn kết và các nguyên tắc của Phong trào chính là nguồn sức mạnh để Phong trào có thể vượt qua với những khó khăn, thách thức ngày nay, tương tự như chặng đường 60 năm qua, khi Phong trào Không liên kết ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc và Chiến tranh lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới.
Là thành viên tích cực của Phong trào không liên kết, Việt Nam đề cao các nguyên tắc cốt lõi của Không liên kết; trong đó có tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, nhất là trong nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Từ khi chính thức tham gia Phong trào không liên kết (26/8/1976), Việt Nam đã tích cực đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào. Việt Nam tham dự tất cả các Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; tích cực tham gia các hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị; đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nâng cao vai trò của Phong trào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.
Nhật Anh
[1] Theo Tuyên bố Havana 1979