Tham vọng tạo nên bước tiến mới
Thử tưởng tượng một thế giới mà chúng ta có thể trò chuyện vui vẻ trên cùng một chiếc ghế với người bạn sống cách đó hàng nghìn km. Hoặc chúng ta có thể tham dự một cuộc họp quan trọng tại văn phòng ngay trên bãi biển.
Đó chính là vũ trụ ảo “metaverse”, tương lai của Internet mà con người đang hướng đến. Những gã khổng lồ công nghệ như Facebook đặt niềm tin metaverse sẽ là bước nhảy vọt tiếp theo của sự phát triển Internet.
Metaverse là thuật ngữ trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng, do tác giả người Mỹ Neal Stephenson sáng tạo ra trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash năm 1992. Nội dung cuốn sách lấy bối cảnh con người có thể sử dụng kính thực tế ảo để tương tác trong thế giới kỹ thuật số giống trò chơi.
Mô phỏng hoạt động trong không gian ảo. Ảnh: TechXplore
Từ lâu, Snow Crash đã được nhiều doanh nhân ở Thung lũng Silicon yêu thích. Tuy nhiên trong vài tháng trở lại đây, metaverse đã trở thành một trong những từ thông dụng, phổ biến trong lĩnh vực công nghệ. Các công ty đang đổ hàng triệu USD vào phát triển thuật ngữ này.
Ngày 26/7, Facebook thông báo thành lập nhóm chuyên gia đến từ các chuyên ngành như phần cứng, trò chơi, thực tế ảo để hiện thực hóa metaverse. Dự án được CEO Mark Zuckerberg đánh giá là trọng tâm phát triển trong tương lai của Facebook. Ông dự đoán trong vòng 5 năm tới, Facebook sẽ chuyển từ công ty truyền thông xã hội sang công ty vũ trụ ảo.
Trước đó, Facebook đã tung ra thị trường những công cụ tiếp cận môi trường thực tế ảo như màn hình thông minh Portal, kính thực tế ảo Oculus. Để có thể đạt mục tiêu xây dựng mạng vũ trụ ảo rộng lớn như metaverse, Facebook cần liên kết các sản phẩm này và xây dựng không gian giữa chúng.
Giống như nhiều thuật ngữ công nghệ mới, định nghĩa về metaverse phụ thuộc vào từng đối tượng sử dụng. Nhưng nhìn chung, tính chất của metaverse là sự hiện diện, tức cảm giác con người được ở bên cạnh, được tương tác với mọi người dù trong không gian ảo.
Nó pha trộn thế giới thực với thế giới kỹ thuật số. Với sự trợ giúp của các thiết bị tăng cường thực tế ảo, metaverse cho phép người cập nhật thông tin về tình trạng giao thông, tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố như thể họ đang đi dạo ngoài đường.
Không chỉ vậy, những người đam mê metaverse hướng đến một tương lai mở rộng hơn, cho phép con người di chuyển đến những môi trường kỹ thuật số tạo cảm giác như thật. Chẳng hạn, bạn có thể ngồi nhà và tận hưởng cảm giác đi quán bar hoặc leo núi.
Khi người lao động ngày càng mệt mỏi với việc họp online kéo dài vì Covid-19, Facebook đặc biệt hào hứng trước ý tưởng mọi người có thể tập trung trong phòng họp ảo. Họ sẽ có cảm giác như thể đang được đối mặt và trao đổi tập trung.
Sòng bạc và thời trang kỹ thuật số
Các trò chơi điện tử cho phép người dùng nhập vai ảo đã mang đến cái nhìn thoáng qua về metaverse, nơi giải trí ảo có thể hoạt động trong thời gian thực. Từ đầu những năm 2000, trò chơi điện tử Second Life cho phép mọi người xây dựng hình ảnh đại diện ảo, tương tác và mua sắm bằng tiền thật.
Đến thời gian gần đây, những mảnh đất trong Decentraland, trò chơi thế giới ảo cho phép người chơi xem hòa nhạc, tham quan các phòng trưng bày, đánh bạc, được bán với giá hàng trăm nghìn USD. Việc giao dịch cũng được thông qua một loại tiền điện tử tên là Mana.
Đầu năm 2021, Công ty trò chơi điện tử Epic Games, “cha đẻ” của game ăn khách Fortnite, cũng thông báo đã huy động 1 tỷ USD tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển metaverse.
Kính thực tế ảo. Ảnh: TechXplore
Trong thời kỳ đại dịch, Epic Games chứng kiến số lượng người tham gia trò chơi điện tử tăng vọt. Vì vậy, họ muốn mở rộng việc kinh doanh sang không gian ảo, nơi con người không chỉ chơi game mà được trò chuyện, hợp tác hay tụ tập cùng bạn bè vượt giới hạn địa lý.
Trên nền tảng trò chơi dành cho trẻ em Roblox, mô hình kỹ thuật số của một chiếc túi đến từ nhãn hiệu thời trang Gucci được bán với giá hơn 4.000 USD, đắt hơn chiếc túi thật.
Bà Cathy Hackl, nhà tư vấn công nghệ cho các công ty metaverse, cho biết, thế hệ trẻ cảm thấy thoải mái với ý tưởng gắn ý nghĩa thực với các trải nghiệm và đối tượng ảo. Bằng chứng là dù được tổ chức ảo, các buổi biểu diễn ca nhạc vẫn thu hút không ít khán giả với sức nóng không kém cạnh những chương trình thực tế.
Tuy nhiên, trong Snow Crash, metaverse mang ý nghĩa khá tiêu cực khi ẩn dụ rằng, con người chọn metaverse để trốn tránh khỏi hiện thực khó khăn. Bà Hackl đánh giá rằng, metaverse sẽ không khiến con người đóng cửa với hàng xóm xung quanh, chỉ ngày ngày ở bên các thiết bị ảo.
Metaverse là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực Internet mang theo hy vọng của không ít người yêu thích công nghệ. Nhưng ngay cả Zuckerberg cũng phải thừa nhận rằng, những sáng tạo hiện nay về thực tế ảo có phần rắc rối. Để mang lại trải nghiệm metaverse như mong muốn, đòi hỏi các chuyên gia công nghệ phải phát triển và sáng tạo hơn nữa.
Ông Michael Pachter, chuyên gia phân tích công nghệ làm việc tại Wedbush, thừa nhận rất khó để dự đoán liệu Facebook có thực sự chuyển đổi thành công ty vũ trụ ảo trong 5 năm hay không.
“Nhưng họ có lợi thế rất lớn là có một tỷ người trên thế giới truy cập mỗi ngày. Nếu cung cấp các dịch vụ giải trí, Facebook sẽ được rất nhiều người đón nhận”, ông Pachter cho biết./.
Theo Giáo dục và Thời đại