Thế giới đã ghi nhận 137.218.311 ca nhiễm nCoV và 2.957.223 ca tử vong, tăng lần lượt 608.718 và 8.642, trong khi 110.323.952 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
"Chúng ta hiện trong thời điểm quan trọng của đại dịch. Quỹ đạo của đại dịch đang phát triển theo cấp số nhân", Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Covid-19, hôm 12/4 cho biết.
"Đây không phải là tình huống chúng tôi chờ đợi trong 16 tháng kể từ khi đại bùng phát, dù chúng tôi đã chứng minh được các biện pháp kiểm soát", bà nói thêm. "Đây là lúc mọi người phải xem xét tình huống cẩn thận và kiểm tra thực tế xem chúng ta cần phải làm gì. Vaccine và tiêm chủng đang có sẵn, nhưng không phải ở mọi nơi trên thế giới".
Bà Kerkhove cho biết ca Covid-19 tăng 9% trên toàn cầu, đánh dấu tuần tăng thứ bảy liên tiếp, trong khi ca tử vong tăng 5%. Bà kêu gọi các chính phủ hỗ trợ công dân của họ thực hiện biện pháp an toàn trong đại dịch.
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp y tế của WHO, nói rằng virus này đang "mạnh hơn, nhanh hơn" với sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây lan hơn và gây tử vong cao hơn so với chủng virus ban đầu . "Tất cả chúng ta đều đang phải vật lộn với và chán nản với những biện pháp phong tỏa, hạn chế", ông nói.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.981.587 ca nhiễm và 576.273 ca tử vong do nCoV, tăng 50.274 ca nhiễm và 435 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Gần 175 triệu liều vaccine đã được tiêm tại Mỹ từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu tháng 12 năm ngoái. Hơn 112 triệu người Mỹ, tức hơn một phần ba dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19.
Tính tới ngày 8/4, gần 20% người Mỹ đã nhận đủ hai mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tập đoàn Pfizer ngày 9/4 cho biết đang xin chính phủ Mỹ cấp phép tiêm vaccine cho trẻ 12-15 tuổi và có kế hoạch đưa ra đè xuất tương tự với các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới trong những ngày tới.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.525.364 ca nhiễm và 170.209 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 169.899 và 904 ca.
Đợt bùng phát dịch thứ hai có tốc độ lây lan nhanh hơn so với đợt dịch đầu tiên hồi giữa năm ngoái, buộc nhiều bang áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo. Maharashtra, bang giàu có nhất của Ấn Độ và hiện là tâm dịch, đã áp đặt chế độ phong tỏa cuối tuần và lệnh giới nghiêm ban đêm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi chưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc vì lo ngại thiệt hại kinh tế quá lớn.
Chính phủ Ấn Độ cho rằng dịch bùng phát trở lại do tình trạng tập trung đông người và không đeo khẩu trang kể từ khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại từ tháng 2. Nhiều bang đã lên tiếng về tình trạng thiếu vaccine, dù chương trình tiêm chủng hiện nay chỉ áp dụng cho khoảng 400 triệu trong tổng số 1,35 tỷ người dân Ấn Độ.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.517.808 ca nhiễm và 354.617 ca tử vong, tăng lần lượt 35.265 và 1.324.
Brazil đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, khiến các bệnh viện trên cả nước đều sắp bị quá tải. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho dân số 212 triệu người.
Bất chấp ca nhiễm gia tăng, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng. Tòa án Tối cao Brazil hôm 8/4 yêu cầu Thượng viện mở cuộc điều tra cách chính phủ Bolsonaro xử lý đại dịch. Tổng thống Brazil sau đó lên tiếng phê phán cuộc điều tra, cho rằng đây là nỗ lực làm suy yếu chính phủ.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới và lớn nhất châu Âu, ghi nhận 5.067.216 ca nhiễm và 99.135 ca tử vong.
Tất cả các nhà hàng và quán cà phê ở Pháp đã bị đóng cửa 5 tháng qua. Pháp tuần này bắt đầu một đợt phong tỏa, hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó tình trạng ca Covid-19 gia tăng.
Việc mở rộng triển khai vaccine đã mang lại sự lạc quan cho những người dân đã mệt mỏi vì phong tỏa. Tất cả người trên 55 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm vaccine.
Anh, báo cáo 4.373.343 người nhiễm và 127.100 người chết, tăng lần lượt 3.568 và 13 trường hợp.
Các nhà khoa học tại trường University College London (UCL) dự báo Anh có thể đạt ngưỡng quan trọng khi tỷ lệ người "an toàn" trước virus nhờ tiêm chủng, từng bị nhiễm hoặc miễn dịch tự nhiên đạt 73,4% vào ngày 12/4.
Anh, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, vẫn có tia hy vọng khi hôm 12/4, các quán rượu và nhà hàng được phép phục vụ ngoài trời. "Thật tuyệt khi gặp lại mọi người và gặp lại tất cả người dân địa phương", Louise Porter, chủ quán ở Askrigg, miền bắc nước Anh, nói. "Cuộc sống của chúng tôi vừa bị đảo lộn, giống như mọi người khác".
Các tiệm làm tóc, phòng tập thể hình và bể bơi của Anh cũng được bật đèn xanh để mở cửa trở lại.
Từng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, Anh đã khởi động một chiến dịch tiêm chủng thành công cùng với các biện pháp ngăn chặn, giúp giảm 95% ca tử vong và 90% ca bệnh từ tháng 1.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.571.824 ca nhiễm, tăng 4.829, trong đó 42.656 người chết, tăng 126.
Jakarta cảnh báo 100 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể không được chuyển giao cho Indonesia đúng hạn, do những hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ. Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca.
Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 13,5 triệu liều. Khoảng 4,43 triệu người, chiếm 1,6% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 876.225 ca nhiễm và 15.149 ca tử vong, tăng lần lượt 11.378 và 204 ca.
Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau các báo cáo về tình trạng đông máu ở nhiều nước, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.
Philippines đã nhận được khoảng 2,5 triệu liều vaccine Covid-19, phần lớn từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Họ cũng nhận được 525.600 liều AstraZeneca thông qua chương trình Covax, hầu hết đã được tiêm. Nước này dự kiến nhận thêm ba triệu liều AstraZeneca trong những tháng tới.
Campuchia ghi nhận thêm 277 ca nhiễm nCoV và một ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 4.515, trong đó 30 người đã tử vong. Phần lớn ca nhiễm gần đây ở Campuchia là công nhân may mặc và tiểu thương ở chợ.
Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan cảnh báo nước này đang "đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia" do Covid-19. "Ca nhiễm mới được ghi nhận hàng ngày và chúng tôi đang chạy đua với virus. Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát", bà cho hay.
Ca nhiễm tại Campuchia tăng mạnh từ cuối tháng 2 khi một ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc ở nước này. Các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh sắp quá tải và giới chức đang chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị cho những bệnh nhân gặp triệu chứng nhẹ.
Nguồn VnExpress