Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 30/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay, số ca mắc mới Covid-19 đã tăng 80% ở hầu hết các khu vực trên thế giới trong 4 tuần qua. Số ca tử vong ở châu Phi, nơi chỉ mới 1,5% dân số được tiêm chủng, cũng tăng 80%.
Reuters dẫn lời ông Ghebreyesus nói, thực tế khiến hệ thống y tế ở nhiều nước đang bị quá tải.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm xét nghiệm dã chiến ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo WHO, cho đến nay, biến thể Delta được phát hiện ở 132 quốc gia, trở thành chủng virus thống trị toàn cầu.
Maria van Kerkhove, chuyên gia phụ trách kỹ thuật của WHO trong cuộc chiến chống Covid-19 nói, biến thể Delta phát tán dễ dàng nhất, với khả năng lây lan cao hơn 50% so với chủng SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019. Bà Kerkhove lưu ý, một số nước báo cáo số ca nhập viện tăng nhưng số trường hợp tử vong vì biến thể Delta không tăng.
"Các vắc xin đang được WHO phê duyệt lưu hành mang tới khả năng bảo vệ đáng kể trước việc phát bệnh nặng và phải nhập viện điều trị vì mọi biến thể, kể cả Delta", Mike Ryan, chuyên gia phụ trách các tình huống khẩn cấp của WHO nói.
Trước đó, báo Washington Post trích dẫn một báo cáo nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Mỹ (CDC) hé lộ, cơ quan này mô tả biến thể Delta có khả năng lây truyền như bệnh thủy đậu và gây ra những ca bệnh nặng. CDC nhấn mạnh, cuộc chiến chống dịch đã thay đổi vì biến thể nguy hiểm này.
Châu Á tăng cường biện pháp khống chế dịch
Nhiều quốc gia ở châu Á đang phải đối mặt với đợt bùng dịch mới đặc biệt nghiêm trọng trong vài tuần trở lại đây. Với mong muốn tránh hậu quả tồi tệ như các quốc gia phương Tây từng phải hứng chịu năm ngoái, nhiều chính phủ trong châu lục đã công bố các biện pháp hạn chế mới, nghiêm ngặt hơn trước đây.
Chính phủ Nhật hôm 30/7 quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế ra 4 tỉnh, bao gồm cả 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo là Chiba, Kanagawa và Saitama, và tỉnh Osaka ở phía Tây. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tokyo ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục giữa lúc Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra.
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp dự kiến sẽ có hiệu lực ở 4 tỉnh trên từ ngày 2 - 31/8. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng quyết định gia hạn áp dụng biện pháp này ở thủ đô và tỉnh Okinawa tới ngày 31/8, dài hơn 9 ngày so với kế hoạch ban đầu.
Cùng ngày 30/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp phong tỏa ở khu vực thủ đô Manila nhằm cố gắng ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta cũng như bảo vệ hệ thống y tế quốc gia.
Theo quyết định mới, khu vực thủ đô Manila, bao gồm 16 thành phố và là nơi cư trú của hơn 13 triệu dân, sẽ bị áp những biện pháp hạn chế hà khắc nhất từ ngày 6 - 20/8. Mọi người dân sẽ không được rời khỏi nhà, ngoại trừ đi mua sắm nhu yếu phẩm. Các nhà hàng bị cấm phục vụ khách tại chỗ.
"Đây là một quyết định đau đớn nhưng vì những gì tốt đẹp nhất cho tất cả", phát ngôn viên của Tổng thống Duterte phát biểu trên truyền hình.
Là ổ dịch lớn thứ 2 Đông Nam Á, cho đến nay, Philippines ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc, trong đó 27.722 bệnh nhân tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 8.562 ca mắc mới, mức tăng cao nhất trong 2 tháng qua với 145 bệnh nhân không qua khỏi.
Chính quyền cũng thông báo kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 10 quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) tới ngày 15/8.
Tại Indonesia, dịch chưa có dấu hiệu giảm bớt. Số ca mắc mới và ca tử vong vì virus đang tăng vọt. Hôm 30/7, quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới và số ca tử vong cao nhất châu Á, chiếm tới hơn 50% số người chết của toàn châu lục.
Indonesia hiện là tâm dịch của thế giới, với gần 3,4 triệu ca mắc và 92.311 bệnh nhân không qua khỏi. Nhà chức trách đã áp lệnh bán phong tỏa ở hầu khắp các điểm nóng vì dịch từ đầu tháng 7 với hy vọng chặn đứng làn sóng lây nhiễm mới.
Tại Malaysia, diễn biến dịch khá phức tạp khi số ca mắc mới theo ngày không ngừng tăng suốt nhiều tuần qua và số trường hợp tử vong cũng ở mức đáng báo động. Quốc gia này đã áp lệnh phong tỏa kể từ tháng 1 và sắc lệnh dự kiến hết hiệu lực vào ngày 1/8. Trong dư luận hiện có nhiều đề xuất chính phủ cần mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Cho đến nay, tổng số ca mắc ở Malaysia là gần 1,1 triệu, bao gồm 8.859 trường hợp thiệt mạng.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 31/7 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 198 triệu người, hơn 4,2 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 178,9 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 35,7 triệu ca mắc và 628.930 bệnh nhân không qua khỏi. Trong bối cảnh chiến dịch chủng ngừa quốc gia đang chững lại, sau nhiều tháng khuyến khích không hiệu quả, hàng loạt công ty Mỹ, bao gồm cả Google, Facebook... bắt đầu cứng rắn hơn và lệnh cho các nhân viên phải đi tiêm phòng Covid-19.
- Các chuyên gia virus và dịch tễ học Anh tuyên bố, nước này cần triển khai chiến dịch chủng ngừa đại trà trong nhiều năm tới vì khả năng bảo vệ của vắc xin "rất có thể suy yếu theo thời gian".
- Theo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), một thử nghiệm ở Azerbaijan hồi tháng 2 cho thấy, việc tiêm trộn 2 vắc xin ngừa Covid-19 gồm AstraZeneca và Sputnik V không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Hãng sản xuất Nga đã cho ra đời phiên bản vắc xin đơn liều của Sputnik V là Sputnik Light. RDIF quả quyết, vắc xin mới có thể được dùng tiêm trộn để tăng khả năng bảo vệ trước virus, kể cả các biến thể mới.
- Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cảnh báo Đức đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4 do sự hoành hành của biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.598 ca mắc mới và 30 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 3,8 triệu, trong đó 92.161 bệnh nhân tử vong.
Theo Vietnamnet