“Thành công ấn tượng”
Bộ Y tế cho biết, đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm tổng cộng 147.271.054 liều vaccine, trong đó tiêm mũi 1 là 77.262.656 liều, tiêm mũi 2 là 66.866.022 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 3.142.376 liều.
Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, “Chia sẻ vaccine” là một thành công chưa từng có khi thế giới đã nghiên cứu và phát triển thành công các loại vaccine chống COVID-19 trong vòng một năm và đã có hơn 8,6 tỷ liều vaccine đã được tiêm trong một năm qua.
“Việt Nam đã có thành công ấn tượng khi huy động được hơn 160 triệu liều vaccine và đã tiêm được hơn 147 triệu liều cho người dân có đủ điều kiện trong một thời gian ngắn. Để đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, cơ chế COVAX đã chuyển hơn 800 triệu liều vaccine tới 144 nền kinh tế thành viên, trong đó, 46 triệu liều đã về đến Việt Nam”, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nói.
Trả lời câu hỏi của phóng VOV.VN về sự phối hợp giữa WHO và Việt Nam, cũng như đánh giá tổng thể cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong hai năm qua, Trưởng đại diện WHO khẳng định, WHO và khối Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong nâng cao năng lực chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, như là một phần cốt lõi trong nhiệm vụ, nhằm hướng tới một thế giới khỏe mạnh hơn và đạt được “Các mục tiêu phát triển bền vững”.
Ông Kidong Park nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, theo đó, Việt Nam cần tiếp tục năng lực đáp ứng với dịch bệnh thông qua tiêm phòng vaccine, cùng với điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng, xã hội và quản lý lâm sàng hiệu quả.
“Để chống dịch thành công, Việt Nam cần hoàn thiện càng sớm càng tốt chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng ưu tiên và giảm thiểu mọi rủi ro trong nhóm đối tượng này”, TS Kidong Park nhấn mạnh.
“Không ai an toàn, cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn”
Ứng phó với đại dịch COVID-19 bùng phát phức tạp trên toàn thế giới, ngay từ thời gian đầu, cùng với những nỗ lực vượt bậc trong kiểm soát dịch bệnh trong nước, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt đã thực hiện tiếp cận các nguồn vaccine COVID-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, “ngoại giao vaccine” với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà WHO đề ra đến hết năm 2021 là 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tốc độ tiêm chủng cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt tới mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác “ngoại giao vaccine” và tiếp cận được nhiều vaccine hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021.
“Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Với vai trò là tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao cùng Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan đã thực hiện thành công công tác “ngoại giao vaccine”, đem về số lượng vaccine vượt qua con số mong đợi trong năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chia sẻ, được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao coi đây là trọng tâm của ngành. Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò của mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng với sự phối hợp của Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai một cách quyết liệt, toàn diện và hiệu quả công tác vận động các bạn bè, đối tác quốc tế hỗ trợ các nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, nhất là về vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế, kết nối, thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine và thuốc điều trị; tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phòng chống dịch bệnh và các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để cùng các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác “ngoại giao vaccine đã đạt kết quả rất quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 như Nghị quyết 128 của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Thay mặt Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới các lực lượng tuyến đầu trong phòng chống COVID-19; sự cảm ơn chân thành tới các bạn bè và đối tác quốc tế đã hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và COVID-19 nói riêng.
“Sự hợp tác và đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh. Chia sẻ vaccine sẽ giúp cứu sống nhiều người và giúp phục hồi các nền kinh tế trên thế giới, như đã nêu trong chủ đề các hoạt động kỷ niệm năm nay”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả công tác “ngoại giao vaccine”.
Thông qua, đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực chung toàn cầu, thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh. Đặc biệt, thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine và điều trị COVID-19, cùng nhau chấm dứt đại dịch và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mỗi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
Thiên Bình/VOV.VN