Thế giới và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp. Sự phát triển đa dạng các thiết bị kết nối, nền tảng xã hội và ứng dụng di động đã tạo nên thay đổi lớn trong thói quen của con người, trong đó có cả trẻ em. Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với những rủi ro về bắt nạt, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, nguy cơ trẻ bị nghiện internet, nghiện game, thậm chí là xâm hại tình dục ngày càng cao.
Một báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, ước tính trên thế giới hiện có khoảng 4,1 tỷ người sử dụng internet, trong đó 1/3 là trẻ em, mỗi ngày có khoảng 1,8 tỷ các hình ảnh được đăng tải, thì có đến 720.000 là các hình ảnh phi pháp về trẻ em.
Ngày càng nhiều các hình thức xâm hại trẻ em qua mạng. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Tại Anh, 25% trẻ em ở độ tuổi dưới 18 đã tạo ra những sản phẩm có nội dung tình dục về chính bản thân các em và gửi cho người khác.
Tại ASEAN, trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng là hiện trạng nhức nhối. Theo thống kê từ đường dây Cyber Tip của NCMEC gửi đến các quốc gia, năm 2018 Indonesia có 1.219.680 vụ việc được báo cáo qua đường dây, Philipines là 640.210 vụ việc, Thái Lan là 356.571 vụ, Việt Nam là 706.435 vụ... Với con số này, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực các nước Đông Nam Á về số vụ xâm hại trẻ em trên mạng.
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho rằng, nếu như trước đây, thường chỉ nói đến xâm hại trên đời thực, nhưng hiện nay, vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi hình thức xâm hại trên mạng chưa được biết đến một cách cặn kẽ, có muôn hình vạn trạng, tỷ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ.
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD). |
“Gần đây chúng ta vẫn nghe thấy những chuyện như group chat kín liên quan đến xâm hại trẻ em, lưu truyền hình ảnh trẻ em trên mạng, thậm chí có nhiều em trực tiếp tham gia vào các group chat này, một vài các trào lưu trên mạng khuyến khích trẻ em tự tử và lôi kéo người khác cùng thực hiện hành vi này như “cá voi xanh”. Đã đến lúc chúng ta cần thực sự quan tâm và tìm giải pháp ngăn ngừa vấn đề xâm hại trẻ em trên mạng”.
Bà Linh cho biết thêm, trong thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và Phát triển bền vững (MSD) đã phối hợp với Cục Trẻ em thực hiện chương trình “Gia đình vui, đẩy lùi Covid”. Theo kết quả khảo sát của MSD khi thực hiện chương trình này, thời gian nghỉ học ở nhà, tần suất sử dụng Internet của học sinh tăng vọt.
“Nếu như trước đây, thời gian sử dụng mạng của trẻ em trung bình khoảng 2 tiếng/ngày, nhưng khi cách ly xã hội do dịch, thời gian trẻ sử dụng mạng trung bình của trẻ tăng vọt từ 4-5 tiếng, thậm chí là 7 tiếng/ngày. Nhiều trẻ bị lệ thuộc vào Internet, bố mẹ cũng không đủ thời gian cho con, hoặc không đủ kiên nhẫn để chơi với trẻ cả ngày.
Thống kê của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy, những cuộc gọi liên quan đến sử dụng Internet không an toàn tăng vọt. Độ tuổi sử dụng mạng không chỉ từ 10-12 tuổi, mà nhiều trẻ mầm non, tiều học đã bắt đầu dùng mạng, các em học trực tuyến trên internet. Rõ ràng độ tuổi sử dụng Internet đang ngày một thấp hơn”, bà Linh cho biết.
Không chỉ gặp nguy hiểm khi truy cập vào những nội dung độc hại, nhiều hacker đang xâm nhập vào chính những ứng dụng tưởng chừng an toàn cho trẻ. Đơn cử như việc phần mềm học trực tuyến zoom bị hacker xâm nhập, khiến Bộ GD-ĐT phải đưa ra khuyến cáo về bảo mật thông tin của trẻ khi học trực tuyến.
Trước những nguy hại tiềm ẩn, bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, cần có những giải pháp tổng thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. “Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào giải pháp của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi môi trường mạng đã thành cuộc sống, thực tế, không còn là thế giới ảo và tất cả mọi người đều cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em”, bà Linh nhấn mạnh.
Giám đốc MSD cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách, lập pháp hay thiết chế có thể bảo vệ trẻ em an toàn hơn trên môi trường mạng. Nhưng quan trọng hơn, gia đình và nhà trường- những người tiếp xúc hàng ngày với trẻ, cần hiểu rằng không thể cấm đoán, dò xét hay áp đặt trẻ mà hãy trở thành người bạn của con, cùng con khám phá internet, cùng trao đổi cách thức để sử dụng Internet an toàn. Bố mẹ, thầy cô cần hướng dẫn cho trẻ cách xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Đó là cách để trẻ tự tạo ra “vaccine” kháng lại những nguy hiểm trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, bà Linh cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp về công nghệ thông tin trong việc tạo ra các nền tảng công nghệ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.
“Công nghệ luôn phát triển và thay đổi theo từng ngày, nếu mãi chạy theo giải quyết đơn lẻ từng sự vụ để ngăn chặn, thì việc giải quyết vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng sẽ rất khó. Cùng lúc với những công nghệ tích cực, hàng ngày trên thế giới đều đang có những đối tượng dùng công nghệ nhằm xâm hại trẻ em, phục vụ những mục đích xấu. Do đó, bên cạnh những giải pháp công nghệ, nên có khuyến khích giới trẻ làm start up đưa ra nhiều sáng kiến mới hơn nữa về công nghệ”, bà Linh khuyến nghị.
Cùng trao đổi về vấn đề này, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam) cho rằng, trước nhiều hình thức xâm hại tình dục trẻ em trên mạng như gạ gẫm, tán tỉnh, lôi kéo trẻ em vào các quan hệ tình dục trực tiếp, yêu cầu trẻ phô bày các bộ phận trên cơ thể rồi phát livestream.... cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn hiểm họa này.
Bà Loan cho rằng, biện pháp quan trọng nhất đến từ chính trẻ em, các em cần được trang bị kiến thức về sử dụng internet an toàn. Về phía nhà trường, bên cạnh việc phổ cập giáo dục tin học, cũng nên đưa nội dung sử dụng internet an toàn vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông. Bên cạnh đó nhà trường cần có những hình thức khác thông qua nhiều kênh khác nhau để học sinh có thể tìm hiểu thông tin./.
Nguyễn Trang/VOV.VN