Theo ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về người Việt ở nước ngoài để các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác. Thông tin được ông chia sẻ tại hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước" hôm 23/3.
Ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó người có trình độ đại học trở lên chiếm hơn 10%, tương đương khoảng 600.000 người. Đây là những trí thức ra nước ngoài học tập, làm việc và con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại.
Ông Hùng cho hay, chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về số lượng chuyên gia, trí thức đầu ngành, điểm mạnh, ưu thế từng người, từng lĩnh vực. Khi không có mạng lưới kết nối với nhau, các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài không được cập nhật đầy đủ và kịp thời "đặt hàng" từ trong nước, thông tin về các nhiệm vụ đang triển khai cần có hoặc phù hợp với sự tham gia của họ. Các nhà khoa học cũng gặp khó khi muốn kết nối, trao đổi và chia sẻ những góp ý, sáng kiến.
Ông kiến nghị, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu trí thức người Việt tại nước ngoài để nắm bắt và thu hút trí thức theo "diện rộng và điểm", nhằm tạo thuận lợi cho các kiều bào có thể đóng góp từ xa và hỗ trợ tìm kiếm nhanh chuyên gia trí thức đầu ngành giỏi. "Mạng lưới kết nối sẽ giúp quy tụ, hướng dẫn kiều bào về thủ tục, hành động để thuận lợi cho việc quay trở lại cống hiến cho đất nước", ông nói.
TS Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất có nền tảng thống kê cơ sở dữ liệu về trí thức kiều bào người địa phương, xây dựng chương trình hợp tác cụ thể với chuyên gia, nhà khoa học trên từng lĩnh vực, đặc biệt các trí thức trẻ có thể tham gia các hoạt động kinh tế, khoa học công nghệ phát triển đất nước.
Theo TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần được xác định theo các chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn, thành tựu nghiên cứu, khả năng hợp tác của từng chuyên gia, nhà khoa học. Bên cạnh đó cần nêu rõ tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài để chọn được những cá nhân xuất sắc, giao đúng người đúng việc.
Ông cũng gợi ý hình thành cơ quan điều phối, có thể giao cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam làm đầu mối mạng lưới kết nối đội ngũ trí thức để kịp thời nắm bắt và cập nhật thông tin.
Là địa phương thành công trong thu hút trí thức kiều bào, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM cho biết đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại TP HCM và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, các bệnh viện... Hiện có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở ngành của thành phố, đầu tư nhiều dự án lớn, tiêu biểu, như dự án in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam...
Ông đánh giá, các kiều bào có nhiều phương thức đóng góp, không nhất thiết phải trở về nước hay làm việc ở trong nước mới là cống hiến. Nhiều trí thức trẻ người Việt sống và làm việc ở nhiều quốc gia nhưng vẫn cống hiến rất hiệu quả cho đất nước, đặc biệt ở những lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, blockchain, chuyển đổi số, kinh tế số.
Theo GS Phước, các đầu mối trong nước có thể đưa ra những đặt hàng cụ thể để các trí thức biết cần phải làm gì, họ cũng có thể đóng góp qua hình thức online. "Quan trọng hơn cả cần đánh giá đúng tiềm lực và vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích họ tham gia đóng góp".