Một góc trung tâm quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Thành phố Hà Nội đang trong những năm đầu bắt tay thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, thành phố tập trung đánh giá những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp phát triển Thủ đô trước mắt cũng như lâu dài, tập trung cao độ xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch với khối lượng công việc đồ sộ.
Nhận rõ tồn tại để khắc phục
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, kinh tế Thủ đô thời gian qua duy trì tăng trưởng khá, chống chịu tốt trước những tác động từ bên ngoài, nhất là đại dịch COVID-19, tuy nhiên chưa hoàn thành mục tiêu đề ra các nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020.
GRDP bình quân đầu người của Hà Nội hiện chỉ bằng khoảng 90% của Thành phố Hồ Chí Minh, 73% của Quảng Ninh, 84% của Hải Phòng, 82% của Bắc Ninh và thấp hơn nhiều so với một số thủ đô trong khu vực Đông Nam Á: Bằng 8% của Singapore, 17% của Kuala Lumpur, 26% của Bangkok, 27% của Jakarta, 57% của vùng đô thị Manila, 86% của Vientiane...
Các thị trường nguồn lực đầu vào cho phát triển Thủ đô chưa đồng bộ. Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu tiên phong, đi đầu trong đổi mới kinh tế.
Ngân sách Thủ đô mặc dù có nguồn thu lớn nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư phát triển trong thời gian qua và những năm tới.
Việc giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố (giai đoạn 2009-2010 là 45%, giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2021 giảm còn 35%, giai đoạn 2022-2025 giảm còn 32%).
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung còn thấp, quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng, giá trị chưa cao; cơ cấu sản xuất chưa bền vững, chưa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện phát triển tại một đô thị đặc biệt.
Công tác xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tích cực, tuy nhiên các tiêu chí đạt còn chưa bền vững; điều kiện sống ở khu vực nông thôn còn có khoảng cách với thành thị. Thu nhập và đời sống của nông dân tuy đã được cải thiện nhưng nhìn chung còn thấp.
Quá trình triển khai công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến không đủ điều kiện triển khai, không đảm bảo mục tiêu đã đề ra…
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có quy mô còn nhỏ (76,6% vốn dưới 5 tỷ đồng). Sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã còn yếu; mô hình liên hiệp hợp tác xã hiệu quả chưa cao. Năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất của nhiều hợp tác xã còn hạn chế.
Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Chưa có nhiều các dự án đầu tư FDI trong các ngành có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao. Mức độ chuyển giao công nghệ còn chậm. Việc liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp. Hầu hết vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chế biến và chế tạo.
Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh (PCI), thủ tục hành chính và dịch vụ công cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tuy có cải thiện nhưng chưa tạo ra sự vượt trội so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước; vẫn còn những rào cản như chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chỉ số PCI có xu hướng giảm và ở vị trí thấp.
Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ, còn gặp nhiều vướng mắc; việc bố trí khu vực phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại chưa hợp lý, thiếu đồng bộ về chất lượng chung giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội tại cùng một khu vực.
Phát triển đô thị chưa đồng đều, thiếu đồng bộ và chưa tương xứng với tiềm năng. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ đề ra; tỷ lệ đô thị hóa thấp (dưới 50%).
Ùn tắc giao thông vẫn là nguy cơ thường trực; tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị rất chậm; tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng thấp (dưới 20%). Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; xây dựng hạ tầng giao thông chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa và chưa đồng đều.
Ô nhiễm môi trường ở một số mặt còn gia tăng, đáng báo động (ô nhiễm không khí, nguồn nước). Công tác bảo vệ môi trường không theo kịp sự phát triển nhanh về kinh tế, tăng dân số ở Thủ đô. Việc đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, huy động nguồn lực đầu tư xã hội còn khiêm tốn. Tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường nông thôn.
Tình trạng xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường vào các sông, ao, hồ, kênh mương còn diễn biến phức tạp; chất lượng môi trường nước mặt sông Tô Lịch, một số đoạn sông Nhuệ-Đáy, Cầu Bây... ô nhiễm nghiêm trọng; chậm xử lý ô nhiễm, khơi thông dòng chảy các con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Nhuệ, Đáy. Úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra.
Giải pháp mang tầm chiến lược
Thành phố đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án để triển khai thực hiện các chiến lược, Quy hoạch Tổng thể Phát triển Kinh tế Xã hội, Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thành phố đang nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn thành phố.
Thành phố tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: khu nội đô lịch sử; khu vực di sản quốc tế, quốc gia như trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Cổ Loa, Văn Miếu, Quốc Tử Giám; hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và khu vực phụ cận.
Sản xuất gốm sứ tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Đồng thời, thành phố đang tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.
Ủy ban Nhân dân thành phố nêu cao quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô “Xanh-Văn hiến-Thông minh-Hiện đại,” là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, thành phố kết nối toàn cầu, thành phố sáng tạo.
Hà Nội xác định phải phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Thành phố cơ cấu lại ngân sách, theo hướng ổn định, lâu dài, để tạo nguồn lực phát triển. Hình thành các mô hình mới huy động nguồn lực hiệu quả như PPP, TOD và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, con người và quy hoạch để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ-sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; không ngừng nâng cao mức đóng góp của TFP và kinh tế số trong GRDP.
Hà Nội xây dựng một số ngành-chuỗi sản phẩm công nghiệp, dịch vụ hiện đại đặc trưng, với sự dẫn dắt của các tập đoàn doanh nghiệp mạnh, thành những trụ cột phát triển của kinh tế Thủ đô; ưu tiên phát triển một số chuỗi sản xuất công nghiệp-công nghệ cao, dịch vụ tài chính-ngân hàng, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Thành phố đề ra kế hoạch triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.
Đồng thời, thành phố quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành phục vụ việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành.
Thành phố Hà Nội phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai (đầu tư khép kín 07 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5) nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hoá các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô; phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe.
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.
Thành phố đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Cùng với đó, thành phố đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển thủ đô: thành phố, thị xã, quận, huyện, hành lang xanh-nông thôn; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô, tạo ra chùm đô thị với các thành phố, thị xã trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị làm đối trọng và giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Thời gian tới, thành phố đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Đồng thời, thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình,” “Thành phố sáng tạo,” để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô./.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)