PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, Việt Nam đang sử dụng 2 cách để xét nghiệm Covid-19: Xác định trực tiếp sự tồn tại của virus trong mẫu bệnh phẩm và tìm kháng thể hoặc kháng nguyên đặc hiệu kháng virus trong mẫu máu của người nghi nhiễm.
Công nghệ xét nghiệm Covid-19 được triển khai ở một số cơ sở y tế lớn ở nước ta
1. Phương pháp xét nghiệm qua kit thử nhanh
Để sàng lọc nhanh, Việt Nam đã đặt mua và sử dụng loại kit phát hiện nhanh Covid-19 của Hàn Quốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau khi phát hiện dương tính bằng kit thử nhanh thì lại cho kết quả âm tính khi dùng bộ sinh phẩm Realtime RT-PCR. Đây là hai phương pháp có bản chất hoàn toàn khác nhau và cho các thông tin khác nhau, độ chính xác cũng vì thế mà khác nhau.
Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, kết quả khác biệt như trên là bình thường. Không thể dựa vào đó để kết luận test thử nhanh cho kết quả sai hay độ chính xác thấp. Kit thử nhanh Covid-19 sử dụng mẫu máu của người nghi nhiễm bệnh để phát hiện ra kháng thể của virus có trong máu. Theo cơ chế, khi bị nhiễm virus, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể để chống lại virus.
Kit thử nhanh phát hiện kháng thể ICM hoặc kháng thể IGG. Khi nhiễm một loại virus hay vi khuẩn nào đó, trong cơ thể sẽ tổ hợp kháng thể. Sau khi nhiễm virus, nhanh nhất cũng phải 3 - 4 ngày mới xuất hiện kháng thể nhưng cá biệt có những người luôn có sẵn kháng thể trong người, do đó khi test nhanh thì sẽ dương tính, dù không mắc Covid-19.
2. Phương pháp Realtime
RT-PCR được sử dụng phổ biến trên thế giới và Việt Nam hiện nay có nguồn gốc kỹ thuật hạt nhân, dùng để phát hiện một cách trực tiếp sự hiện diện của vật liệu di truyền đặc trưng từ nhiều mầm bệnh khác nhau, bao gồm cả virus. Với kỹ thuật này, kết quả xét nghiệm gần như được trình diễn một cách tức thời trên màn hình máy tính khi quá trình phân tích đang diễn ra, vì vậy được gọi là RT-PCR thời gian thực. Đầu tiên, mẫu bệnh phẩm được thu thập ở nơi virus Corona tập trung nhiều, chẳng hạn như trong họng hoặc mũi. Sau đó, mẫu được xử lý bằng hóa chất để loại bỏ một số protein và chất béo, chỉ giữ lại ARN có trong mẫu. ARN được phiên mã ngược thành DNA bằng cách sử dụng một enzim đặc biệt gọi là Taq Polymerase.
Khi các bản sao DNA của virus được tạo ra, ánh sáng huỳnh quang phát ra từ các chất đánh dấu gắn vào các chuỗi DNA được đo và biểu diễn theo thời gian thực trên màn hình. Máy tính theo dõi lượng ánh sáng trong mẫu sau mỗi chu kỳ. Nếu lượng ánh sáng đo được vượt qua một ngưỡng nhất định, điều đó đồng nghĩa với việc có virus tồn tại trong mẫu. Số chu kỳ cần thiết để lượng ánh sáng đạt ngưỡng cũng được ghi nhận để ước tính mức độ nhiễm virus: Số chu kỳ càng nhỏ, mức độ nhiễm càng nghiêm trọng.
3. Muốn phát hiện chính xác, quan trọng là thông tin dịch tễ học
PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay, phương pháp Realtime RT-PCR mất khoảng 3 tiếng, trong khi kit thử nhanh thì chỉ khoảng vài phút là cho kết quả. Các xét nghiệm nhằm thu thập thông tin về dịch tễ học, các nhà khoa học từ đó đưa ra các phương án chống dịch, khuyến cáo khác nhau. Mỗi thông tin cung cấp một khía cạnh khác nhau, và đều có ích hết, không thể nói phương pháp nào sai hay đúng. Test nhanh cho thông tin về kháng thể, còn Realtime RT-PCR cho thông tin về vật liệu di truyền của tác nhân gây bệnh. Người ta phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như sinh học phân tử, huyết thanh học, phân lập virus… để tìm ra các thông tin dịch tễ học quan trọng của bệnh.
So với các phương pháp phân lập virus khác, RT-PCR thời gian thực có độ nhạy cao, cho kết quả chính xác chỉ trong khoảng 3 giờ. Phương pháp này có độ tạp nhiễm và sai số thấp vì toàn bộ quá trình phân tích có thể được thực hiện trong một ống nghiệm kín. RT-PCR thời gian thực tiếp tục khẳng định là phương pháp chính xác nhất trong phát hiện virus Corona. Kỹ thuật này cũng được sử dụng để chẩn đoán các bệnh khác như Ebola, Zika, MERS-CoV, SARS-CoV-1 và các bệnh lây nhiễm cho người từ động vật và bệnh trên động vật khác.
Một số virus như Covid-19 chỉ chứa ARN. Do đó, để tồn tại và nhân lên, chúng phải xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh. Khi đã ở trong tế bào, virus sử dụng mã di truyền của nó với virus Corona là ARN để nhân lên. Để phát hiện một loại virus như virus Corona sử dụng RT-PCR thời gian thực, các nhà khoa học cần phải chuyển đổi RNA của virus thành DNA và thực hiện theo trình tự nêu trên.
Trong phòng chống dịch, khâu xét nghiệm chỉ là một mắt xích trong quá trình thu thập thông tin dịch tễ. Việc người nhiễm từng tiếp xúc với ai, đi đến những đâu… để khoanh vùng, dập dịch, theo dõi sức khỏe những người liên quan rất quan trọng. Những thông tin dịch tễ học chính xác là điều kiện căn bản để phòng chống dịch. Đó là tất cả những thông tin liên quan đến người nhiễm bệnh để từ đó có phương pháp phòng chống dịch. Các phương pháp xét nghiệm cho ra kết quả dù âm tính hay dương tính, cũng đều là cơ sở cần thiết để các chuyên gia y tế nắm bắt, đưa ra các phương án.
BKT