Cán bộ tận tâm, Làng Tốt nay đã hơn xưa
Việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu tồn tại lâu đời trong đồng bào vùng cao là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với thực tế và nhận thức của bà con. Trên hành trình xóa bỏ những hủ tục, xây dựng nếp sống minh đã xuất hiện những tấm gương dám vượt qua sự phản đối của dân làng, từ bỏ những tập tục lỗi thời.
Ông Phạm Văn Thình, Chủ tịch UBND xã Ba Lế với bà con H’Re nơi tận cùng của huyện vùng cao Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên có những cuộc nói chuyện thân tình với dân. Cán bộ với dân gần gũi như người thân trong gia đình. Thấy bà con Làng Tốt sống yên vui như vậy, không ai nghĩ rằng, hơn 3 năm trước, nơi đây đã từng xảy ra vụ giết người phi tang do nghi kỵ cầm đồ thuốc độc làm 1 người chết, 3 người vào tù, nhiều gia đình ly tán.
Anh Phạm Văn Nú, Trưởng thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, Huyện Ba Tơ nhớ lại: “Hồi đó, do nghi ông Phạm Văn Lối cầm đồ thuốc độc, Phạm Văn Soi cùng Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề đã sát hại ông Lối rồi vứt xác xuống sông Liên. Lúc đó cả làng ai cũng lo sợ, ngồi đâu cũng bàn tán, không còn tâm trạng đâu để làm ăn nữa. Cũng chẳng ai dám qua lại, hỏi han nhau, không khí u ám lắm! Sau khi vụ việc xảy ra cả Phạm Văn Soi, Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề đã bị phạt tù” - Trưởng thôn Phạm Văn Nú kể về Làng Tốt những năm trước.
Làng Tốt là thôn xa xôi khó khăn nhất ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Thôn này có 16 ngôi nhà sàn đơn sơ của đồng bào H’Re nằm rải rác trên sườn núi cao, cuộc sống dân làng gần như khép kín. Xa trung tâm xã, sông suối cách trở, để tới được Làng Tốt, mọi người phải vượt nhiều đèo dốc quanh co, khúc khuỷu, băng sông sông, lội suối. Vậy mà mỗi tuần ít nhất một ngày, ông Chủ tịch xã Phạm Văn Thình trở về Làng Tốt để cùng ăn, cùng ở, cùng chuyện trò thâu đêm suốt sáng với bà con dân bản.
Từ chỗ xa lạ, dè chừng cán bộ, giờ đây bà con Làng Tốt yêu thương ông Chủ tịch xã như người thân trong nhà. Họ không ngại nói hết những tâm tư, lo lắng của mình. Làng Tốt giờ không còn hủ tục “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc”, bà con đùm bọc, giúp nhau tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Ông Phạm Văn Thình, Chủ tịch UBND xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi nói chắc nịch, Làng Tốt giờ đã tốt lắm rồi: “Trước đây làng thì tốt mà đường thì xấu, bây giờ đường cũng được rồi, bà con bây giờ rất vui, phấn khởi. Tôi lên trên này tôi nói bà con là bây giờ lo làm ăn đi, cố gắng làm ăn, kinh tế cho nó tốt, đừng có uống rượu rồi không đi làm, uống rượu rồi đánh lộn, rồi nghi kị với nhau là không được. Mình đã xảy ra một vụ rồi, đừng để lần sau bị nữa. Bây giờ nói chung Làng Tốt là tốt”.
Những người đương đầu với hủ tục
Nhắc lại tục “chôn sống con theo mẹ” của đồng bào Giẻ Triêng, ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn không thể tin hủ tục này len lỏi sâu trong đời sống đồng bào nơi đây. Là người Giẻ Triêng nên anh hiểu rõ chuyện “phép vua thua lệ làng”. Khi chứng kiến những cái chết đau lòng do hủ tục “chôn sống con theo mẹ” ấy, ông Thọ đã dám vượt qua luật tục, chấp nhận chịu tội với thần linh, giữ lấy đứa trẻ sơ sinh khi nó sắp bị chôn sống theo mẹ trước sự giận dữ của bà con dân làng.
“Hồi đó tôi mang đứa con này về tôi phải đi mượn tiền mua 1 con heo, 20 lít rượu gạo đem lên cho làng đó cúng mới được bồng về. Một, hai năm đầu tôi run rẩy mất ăn, mất ngủ lo ngại lỡ dân làng có rủi ro chuyện gì là mình phải chịu trách nhiệm. Nhưng sau thời gian không thấy vấn đề gì, thằng cu lớn lên khỏe mạnh bình thường, người dân thấy vậy mới tin. Bây giờ tục đó không còn nữa” - ông Thọ hồi tưởng.
Đứa trẻ ấy được vợ chồng anh Thọ chăm sóc, thương yêu như con đẻ nay đã lớn khôn và trở thành một cán bộ địa chính của huyện, tính tình cương trực, được bà con hết mực tin yêu.
“Bây giờ con tui đi đo đạc đất đai, mấy người hồi trước đòi chôn sống hắn, giờ hắn đến đo đạc đất đai cho họ, làm hồ sơ đất rẫy, đất rừng cho họ, họ nói thằng ni ngày xưa mình chuẩn bị đi chôn đây, chừ hắn khỏe, to mập rứa đó” - ông Nguyễn Thế Thọ tự hào về người con của mình.
Câu chuyện vượt qua hủ tục của anh Nguyễn Thế Thọ đã góp phần thay đổi đáng kể trong nhận thức của đồng bào Giẻ Triêng nơi đây. Còn ở tận vùng cao biên giới tỉnh Quảng Bình, chuyện bà Hồ Thị Con, người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên dám từ bỏ hủ tục “nối dây” cũng thường được bà con bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nhắc đến.
Bà Hồ Thị Con nhớ lại, năm 1974 bà mới 16 tuổi đã lấy chồng là Hồ Văn Cu, người cùng bản. 6 đứa con lần lượt ra đời. Năm 2001, chồng bị bệnh nặng rồi qua đời khi bà mới bước qua tuổi 43. Theo tục “nối dây” của đồng bào Vân Kiều, 2 năm sau ngày chồng mất, bà Con phải về làm vợ thứ hai cho em chồng mình là Hồ Văn Th., người kém bà hơn chục tuổi. Dân làng bảo, đó là “luật của làng”, nếu bà không nghe theo, con ma núi sẽ về bắt dân bản, gây ra bệnh tật, thiên tai, đói nghèo, lúc đó bà sẽ bị dân làng phạt nặng, thậm chí đuổi về nhà bố mẹ đẻ với đôi bàn tay trắng. Sau nhiều đêm trằn trọc, bà quyết định xin bố chồng cho ra khỏi nhà chồng, một mình ở vậy thờ chồng, nuôi con.
“Có người hỏi đây là tục hồi xưa sao không làm. Tôi nói, không làm là vì tôi biết người xưa sai. Bây giờ là nam nữ bình quyền. Nếu lấy thì chỉ lấy người mình yêu, mình yêu là thành vợ thành chồng, mình không yêu mà ép thì bản thân của mình thêm khổ. Bản thân là đại biểu HĐND tỉnh, vừa làm Chủ tịch Mặt trận xã nên tôi không chấp nhận. Tôi nói đây là hủ tục lạc hậu bà con nên bỏ đi”.
Tục “nối dây” trong đồng bào B’ru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Nình, tỉnh Quảng Bình giờ đã giảm hẳn. Ông Hồ Văn Nguyên, Trưởng bản Bến Đường cho biết: “Dân bản hồi trước là ít học, bây giờ có ăn có học rồi nên mọi việc cúng đều giảm. Trước cúng con trâu, bữa nay cúng bằng con heo, trước cúng con heo thì nay cúng bằng con gà. Tục nối dây ngày nay đã giảm đi nhiều rồi”.
Kiên trì vận động đồng bào xoá bỏ hủ tục
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, những hủ tục giảm dần theo thời gian chính là nhờ công sức của những cán bộ, đảng viên và người dân địa phương “dám nghĩ, dám làm”: “Hiện nay, nhiều hủ tục lạc hậu cũng đã dần được xóa bỏ. Có được kết quả đó trước hết có thể khẳng định là cùng với việc tuyên truyền đồng vận động bà con xóa bỏ, đồng thời, phải tập trung phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống củ bà con. Để làm được việc này tôi cho rằng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng thôn phải gương mẫu”.
Dù đã có nhiều tiến bộ trên hành trình xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh nhưng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục nối dây, thách cưới, cúng bái khi trong nhà có người đau ốm…vẫn còn thấp thoáng ở nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm khó, cần phải kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với cuộc sống và tâm lý, nhận thức của đồng bào. Điều quan trọng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, lấy công tác vận động, tuyên truyền là chính nhưng cũng phải xây dựng chế tài xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội./.
Nhóm phóng viên/VOV-Miền Trung