Tên sách: Xoay trục - Tương lai và nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ ở châu Á
Tác Giả: Kurt M. Campbell
Năm Xuất Bản: 2017
Số Trang: 492
Nhà Xuất bản: NXB Trẻ
Kurt M. Campbell là một nhà ngoại giao, từng giữ chức vụ Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương thời Tổng thống Barack Obama. “Xoay trục” là một trong 6 quyển sách của ông về ngoại giao và là cuốn sách duy nhất tập trung viết về châu Á sau bốn năm nỗ lực cùng với các cộng sự. Đây là “kết quả của các cuộc gặp gỡ cá nhân và kinh nghiệm ngoại giao ở châu Á của ông” (Vinh Phạm. p.13).
Vì sao là châu Á? Vì “lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, văn hóa, sức mạnh quân sự, ngoại giao” hay vì “đối trọng Trung Quốc” đang thách thức vai trò của Mỹ trong khu vực này? (Tuấn, Đinh. Nghiên cứu biển Đông). Hay vì “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là chúng ta đã đầu tư quá mức vào các cuộc chiến tranh và mưu đồ ở Trung Đông. Chúng ta đã can dự ở đó do hậu quả và do vai trò của chúng ta là cần thiết và thiết yếu, nhưng chúng ta cần tìm ra phương hướng của chúng ta và cần hướng nhiều hơn vào tương lai. Châu Á là tương lai và ngoại giao của chúng ta phải phản ánh điều này một cách cơ bản hơn.” (Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton nói khi trao đổi phỏng vấn tuyển dụng Campbell vào vị trí trợ lý về Đông Á - Thái Bình Dương, trích nội dung sách) Theo Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh thì nguồn gốc của chiến lược này “không phải là một chính sách nhất thời, mà xuất phát từ những tiếp xúc đầu tiên giữa Mỹ với châu Á từ hơn hai trăm năm về trước trên con tàu của Đại tá hải quân Perry tới châu Á… Đây là một di sản từ lâu đời. Mỹ đã tìm cách đạt được các mục tiêu trên, song hành với đảm bảo rằng khu vực này không bị độc tôn chi phối bởi một cường quốc, như Anh trong thế kỷ 19, Nhật Bản trong thế kỷ 20, và đang xử lý sự nổi lên mạnh mẽ “chưa từng có trong lịch sử” hiện nay của Trung Quốc.” (Vinh, P. p. 13)
Nội dung quyển sách xoay quanh về chiến lược Xoay trục của Mỹ, về định nghĩa, thuật ngữ làm rõ chiến lược Xoay trục và Tái cân bằng; về bối cảnh, những thách thức của châu Á trên các lĩnh vực vận tải, quốc phòng, công nghệ, phim ảnh, nghệ thuật; về 8 xu thế lâu bền trong sự can dự của Mỹ là sự khắc nghiệt của khoảng cách, nguy cơ bị hiểu lầm, mục tiêu thương mại, tầm quan trọng của niềm tin, phí tổn của chiến tranh, sự tái diện xao lãng, sự thiếu nguồn lực và sự mưu cầu dân chủ; về các đặc điểm chính trong chiến lược của Mỹ ngăn chặn bá quyền đặc biệt trong bối cảnh di sản và truyền thống quan hệ của Mỹ với khu vực này; về xu thế của khu vực này với những cường quốc mới nổi, với những mâu thuẫn và xung đột phức tạp.
Dù rằng chiến lược ngoại giao của Mỹ thay đổi qua từng thời kỳ, từng nhiệm kỳ Tổng thống, nhưng dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu về quan hệ đối ngoại của Mỹ với khu vực châu Á, quyển sách vẫn mang lại giá trị cho tương lai, khi “quá khứ được sử dụng làm lập luận mở đề cho một đường lối can dự mạnh mẽ hơn… Một phần kể lại lịch sử, một phần là kể lại hành trình, vừa căng thẳng, vừa hài hước, với một số hồi tưởng, nhưng tập trung nhiều hơn vào phân tích tương lai, cuốn sách giải thích các bước cờ ẩn trong ván cờ khác thường của Mỹ trên trường quốc tế.” (Kurt M. Campbell)
Tổng hợp từ Internet