Ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán nhưng thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật. Thực hiện chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu lần thứ II (2/1951), ngày 3/3/1951, tại Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, Đảng Lao động Việt Nam chính thức ra hoạt động công khai, gánh vác sứ mệnh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi cuối cùng.
Tuyên bố tự giải tán để tránh thế bất lợi, quy tụ sức mạnh dân tộc
Sau Cách mạng Tháng Tám, các lực lượng đồng minh kéo vào nước ta. Theo thoả thuận tại Hội nghị Pôxđam (7/1945), từ cuối tháng 8/1945, các đơn vị đầu tiên của quân đội Trung Hoa dân quốc bắt đầu kéo quân vào miền Bắc Việt Nam với danh nghĩa Đồng Minh vào làm nhiệm vụ tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật. Quân đội Trung Hoa dân quốc vào Việt Nam với âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ”, lật đổ Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu, giúp lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội lật đổ chính quyền cách mạng, lập nên một chính phủ thân Quốc dân đảng Trung Hoa ở Việt Nam.
Ở phía Nam vĩ tuyến 16, với danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp vũ khí phát xít Nhật, quân đội Anh kéo vào nước ta. Đi theo quân Anh còn có một đại đội thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5e RIC) là tiền trạm cho đạo quân viễn chinh Pháp. Được sự che chở, dung túng của quân Anh, thực dân Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc tái chiếm Việt Nam.
Đồng thời, các thế lực phản động trong nước và ngoài nước ra sức phá hoại chính quyền non trẻ. Hàng chục tổ chức chính trị, đảng phái được thành lập. Đặc biệt, có hai đảng phái chính trị từ nước ngoài trở về theo đội quân Trung Hoa dân quốc là Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) ra mặt chống phá chính quyền cách mạng.
Chính vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ trương đưa Đảng rút vào bí mật để tránh mũi nhọn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Chủ trương Đảng rút vào hoạt động bí mật còn nhằm đoàn kết dân tộc, xây dựng chính quyền liên hiệp rộng rãi. Ngay từ trước cách mạng tháng Tám, Ủy ban dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời, được thành lập tại Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thể hiện điều đó. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, trong thành phần Chính quyền từ cấp Xứ đến cấp tỉnh, nhất là tại Hà Nội, đã quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức thuộc các giai cấp, tầng lớp khác nhau, thể hiện chính quyền là đại diện của các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị… Tuy nhiên, để thành lập Chính phủ Trung ương chính thức, cần nhiều nhân sĩ trí thức có lòng yêu nước tham gia Chính phủ để mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc.
Báo Nhân Dân nói về sự ra đời Đảng Lao động Việt Nam (Ảnh Tư liệu)
Có thể nói, một Đảng vừa lãnh đạo nhân dân cả nước giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tuyên bố giải tán sẽ có những tác động đến tư tưởng, nhận thức, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả nguy cơ mất tư cách pháp nhân Đảng cầm quyền.
Trên thực tế, trong giai đoạn đầu sau khi Đảng tuyên bố giải tán, chủ trương phát triển Đảng bị chững lại tại một số địa phương. Một số địa phương hiểu không đúng chủ trương giải tán Đảng, tuy có tiến hành thành lập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, nhưng nhiều mặt của công tác Đảng bị đình trệ, nhất là công tác phát triển Đảng, vì vậy cuối năm 1945, đầu năm 1946, mặc dù thanh thế của Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương lên rất cao, nhưng số lượng đảng viên tăng rất chậm, nhiều đảng bộ tỉnh chỉ phát triển được vài đảng viên trong một tháng.
Ngoài ra, sau chiến thắng Biên Giới năm 1950, quan hệ giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa được mở ra, nhưng sự giúp đỡ và ủng hộ cách mạng Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ. Hơn nữa, mặc dù đã rất nỗ lực và thiện chí, nhưng do bản chất cố hữu của lực lượng Đồng Minh nên Việt Nam không nhận được sự ủng hộ của Đồng Minh sau Cách mạng tháng Tám.
Bên cạnh những tác động bất lợi, việc giải tán Đảng trong bối cảnh lịch sử đặc biệt đó có ý nghĩa to lớn là đã xây dựng được Chính phủ liên hiệp, quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức có trình độ và uy tín trong và ngoài nước. Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập ngày 2-3-1946, thành phần không đảng phái và các đảng phái chính trị khác chiếm tới 3/4 Chính phủ. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công du Pháp về, nhiều trí thức tại Pháp đã theo Người về nước tham gia chính quyền, tham gia kháng chiến đóng góp cho đất nước, tiêu biểu là Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân…
Với tuyên bố giải tán Đảng, ta đã tránh được mũi nhọn của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch, nhất là các Đảng phái phản động thân Trung Hoa dân quốc không còn cớ để hô hào chống phá chính quyền mới được thành lập do thành quả đấu tranh cách mạng của những người cộng sản mà có.
Thực chất có phải Đảng Cộng sản Đông Dương giải tán không
Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng , Hồ Chí Minh nói rõ Đảng rút vào hoạt động bí mật: Lúc này, Đảng ta không thể do dự, Đảng phải quyết đoán mau lẹ, phải sử dụng những biện pháp, dù là biện pháp đau đớn để cứu vãn tình thế. Ngày 11-11-1945, Đảng ta tuyên bố "tự giáỉ tán". Vì muốn hoàn thành nhiệm vụ vĩ đại giải phóng dân tộc, thì sự đoàn kết nhất trí của toàn dân không phân biệt giai cấp, đảng phái là điều kiện cốt yếu. Việc Đảng ta tuyên bố "tự giác tán", thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác chỉ là sách lược, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo trong thời kỳ đất nước đang diễn ra cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp vô cùng quyết liệt.
Tuyên bố tự giải tán, nhưng thực chất không giải tán nên tháng 3 năm 1951 không thành lập Đảng Cộng sản mới mà Đảng Cộng sản Đông Dương ra công khai với tên mới Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 3-1951, Đảng ra công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt.
Thực chất Đảng rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục hoạt động dưới vỏ bọc Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác tại Đông Dương. Đảng không hề từ bỏ vai trò lãnh đạo cách mạng mà dân tộc và giai cấp giao phó, mà vẫn bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Trong thời gian 1946-1950, Đảng tồn tại dưới tên "Hội", "Đoàn thể".
Lúc thì tạm hòa hoãn với Trung Hoa Dân quốc trên miền Bắc để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp ở miền Nam, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi nhanh hai mươi vạn quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa ra khỏi đất nước và quét sạch bọn phản động tay sai của chúng. Chủ trương hòa hoãn đã tranh thủ được thời gian để xây dựng và phát triển lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố giải tán, mặc dù có những ảnh hưởng không mong muốn nhất định nhưng thực tế đã cho thấy sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh khó khăn sau Cách mạng tháng Tám nghìn cân treo sợi tóc.
Báo cứu Quốc nói về Đảng Lao động Việt Nam ra công khai (Ảnh Tư liệu)
Đảng ra công khai lãnh đạo kháng chiến
Ngày 3/3/1951, tại Hội nghị thống nhất Việt Minh-Liên Việt, Đảng Lao động Việt Nam chính thức ra mắt quốc dân, công khai lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Tại buổi lễ, đồng chí Trường Chinh, thay mặt Trung ương Đảng, trình bày mục đích, tôn chỉ và Chính cương mới của Đảng. Đồng chí nhấn mạnh: Đảng Lao động Việt Nam đứng trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nguyện đoàn kết chặt chẽ, cộng tác thân mật với các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ yêu nước để kháng chiến và kiến quốc.
Phát biểu kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: tóm lại mục đích của Đảng là "Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc", nhiệm vụ của Đảng là "Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”; chính sách của Đảng là làm cho Việt Nam "Độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường"[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm, về vấn đề tôn giáo và đối với các đảng phái: Đảng hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người; đối với các đảng phái, các đoàn thể trong Mặt trận dân tộc, Đảng chủ trương “Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại bản chất giai cấp của Đảng “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đối với kẻ địch, “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy”, nhưng đối với nhân dân, “Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.
Người cũng cho rằng Đảng Lao động Việt Nam trong quá trình lãnh đạo khó tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm, vì vậy “Đảng Lao động Việt Nam mong mỏi và hoan nghênh sự phê bình thật thà của các đảng phái và đoàn thể bạn, của các nhân sĩ và của toàn thể đồng bào để cho Đảng tiến bộ mãi”[3].
Việc Đảng rút vào bí mật và ra công khai thể kiện sự linh hoạt, sáng tạo, khéo léo, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ được Đảng, quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khi thời điểm chín muồi, ra công khai lãnh đạo kháng chiến.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 49.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 50.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 50-51.
Quỳnh Chi