Bản Tuyên ngôn độc lập của thế kỷ XX
Sức mạnh yêu nước đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách
Trong lịch sử nước ta có 03 tuyên ngôn độc lập (hoặc mang ý nghĩa tuyên ngôn độc lập), đó là:
1- “Nam quốc sơn hà” ở thế kỷ XI tuyên bố hùng hồn: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (dịch thơ: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời[1].
2- “Bình Ngô đại cáo” ở thế kỷ XV khẳng định đanh thép: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Nước non bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác… Muôn thuở nên thái bình vững chắc”[2].
3- “Tuyên ngôn độc lập” ở thế kỷ XX khẳng định điều hiển nhiên: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[3].
Đặt Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945 vào tiến trình lịch sử Việt Nam nhằm khắc sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt biết gìn giữ non sông gấm vóc, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, xây đắp tương lai tươi đẹp, phát triển vươn lên cùng văn minh nhân loại. Đó là sức sống, chiều sâu văn hóa chống giặc ngoại xâm và nhờ sức mạnh khôn lường ấy, dân tộc Việt Nam không hề bị đồng hoá bởi các chính sách nô dịch của kẻ thù xâm lược. Bởi vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[4].
Nhờ sức mạnh vô biên của lòng yêu nước mà suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đều vượt qua nhiều thách thức khủng khiếp: hơn 1000 năm Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc, tiếp đến gần 1000 năm thường xuyên phải chống lại nhiều cuộc xâm lăng của phong kiến phương Bắc, đặc biệt là ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông; gần 100 năm chống ách thống trị thực dân kiểu cũ và chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp cùng sự thống trị của phát xít Nhật và can thiệp Mỹ; 21 năm chống ách thống trị thực dân kiểu mới và chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai.
Giá trị, ý nghĩa của Tuyên ngôn độc lập là không thể phủ nhận
Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Véc-xây mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết năm 1919 và Chương trình Việt Minh Người viết năm 1941; đây là kết quả của những bản tuyên ngôn khác và tinh hoa của tiền bối như các cụ Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác; là kết quả của bao nhiêu sách báo, truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước Việt Nam từ hơn 80 năm trước; là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường; là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ[5].
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là áng hùng văn tuyên bố về một thời đại mới, đánh dấu nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc đời với quyền tự quyết vận mệnh của mình; mở ra giai đoạn xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn độc lập khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh. Vì thế, Tuyên ngôn độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” được khẳng định và lan tỏa cùng thời đại.
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Tuyên ngôn độc lập đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần giải phóng dân tộc các nước trên thế giới.
Tinh thần Tuyên ngôn độc lập được phát huy trong quá trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1945 đến nay, đem đến những thắng lợi vĩ đại, đưa nước Việt Nam phát triển, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đánh tan thực dân, phát xít Pháp - Nhật xâm lược; đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, thống nhất giang san từ Bắc chí Nam về một mối; làm tròn nghĩa vụ quốc tế với Lào và Campuchia; đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang phát huy giá trị của Tuyên ngôn độc lập, kiên định lập trường đấu tranh bảo vệ chủ quyền, với 3 ý nghĩa liên tiếp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: 1- Dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập; 2- Dân tộc Việt Nam đã trở thành một quốc gia tự do và độc lập; 3- Dân tộc Việt Nam quyết hy sinh để bảo vệ quyền tự do và độc lập.
Các thế hệ người con nước Việt luôn đề cao cảnh giác, hun đúc ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nhất quyết bảo vệ từng tấc đất, giữ vẹn lãnh thổ, biên cương mà ông cha đã dày công gây dựng, bồi đắp, gìn giữ, trao truyền qua mấy nghìn năm lịch sử để có hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc hôm nay.
Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 “là hoa, là quả của sự đổ máu và hy sinh tính mạng”.
Đó là kết luận của tác giả Trần Dân Tiên trong tác phẩm“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”như một lời nhắn nhủ đến các thế hệ người con Việt Nam luôn biết trân trọng giá trị của độc lập, tự do; trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư, không một phút đắn đo khi lấy máu xương của mình để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc; bảo vệ từng tấc đất, giữ vẹn lãnh thổ, biên cương mà ông cha đã dày công gây dựng, bồi đắp, gìn giữ qua mấy nghìn năm lịch sử trong điều kiện chiến tranh nối tiếp chiến tranh.
Trên thực tế, để có bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước đồng bào quốc dân và nhân dân thế giới ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, dân tộc Việt Nam phải dùng sức mạnh của mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để chiến đấu kiên cường suốt 87 năm kể từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng ngày 1/9/1858. Khi khí thế Tổng khởi nghĩa đang hừng hực diễn ra, cũng là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chắp bút viết Tuyên ngôn độc lập. Ngày 27/8/1945, Thường vụ Trung ương họp, rồi Hội đồng Chính phủ lâm thời họp, bàn nhiều việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945, còn Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.
Người viết Tuyên ngôn độc lập trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, ở vào thời khắc gấp rút của cách mạng, trong thời gian chỉ 3 ngày, tại căn phòng tầng 2 nhà ông Trịnh Văn Bô - bà Hoàng Thị Minh Hồ (số 48 phố Hàng Ngang)- một gia đình doanh nhân giàu lòng yêu nước. Suốt 3 ngày ấy, với sự tập trung cao độ về tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh của một vị lãnh tụ cách mạng luôn canh cánh nỗi lòng vì độc lập cho dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; từng trải qua hoạt động từ Đông sang Tây, với chiếc máy đánh chữ đã cũ được sử dụng từ hồi ở căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 30/8/1945. Đó cũng là ngày vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị trước đông đảo nhân dân tại Ngọ Môn kinh đô Huế và nộp ấn kiếm cho Chính phủ cách mạng lâm thời.
Hôm naygiữa mùa thu Hà Nội vẫn vang vọng khí phách Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử; bởi vì sông núiđã khắc ghi chân lý ngàn đời: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[6].
Những câu, chữ của Tuyên ngôn độc lập chứa đựng hồn non sông nước Việt ấy là sản phẩm quá trình phát triển của lịch sử dân tộc có tinh hoa văn minh nhân loại; là hơi thở, tâm hồn của Tổ quốc Việt Nam anh hùng, bắt nguồn từ những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt 34 năm (1911-1945), đồng thời là kết quả 15 năm sáng tạo, lãnh đạo của Đảng ta. Chính vì vậy mà ngày 30/8/1945, “sau khi đọc bản thảo cho những người cộng tác thân cận nghe và hỏi ý kiến họ”, Bác Hồ đã không dấu nổi sự sung sướng: Trong đời tôi, tôi đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy.
Sung sướng vì đây không chỉ là kết quả lao động tinh thần của Người mà chính “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”; là “kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”lúc bấy giờ[7].
Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 là sự thực lịch sử rất minh tường, thu phục được nhân tâm yêu nước, phát tỏa hào quang ra thế giới, được người người ca tụng, trân kính. Vậy nên, kẻ nào xuyên tạc, phủ nhận Tuyên ngôn này chính là “tự húc đầu vào đá!
Lê Mật