Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Plei Piơm, thị trấn Đăk Đoa huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, ngay từ khi còn nhỏ, Y Byen đã biết phụ giúp cha mẹ lao động. Cô bé người dân tộc Bana ấy đã sớm có sự thấu cảm về cuộc sống con người, về muông thú và núi rừng nơi cô được sinh ra. Nếu thuận lẽ thường, người con gái xinh đẹp ấy sẽ như bao người phụ nữ khác, lớn lên lập gia đình và sinh ra những đứa con… Nhưng đến năm 16 tuổi, cuộc đời cô gái đã rẽ sang một trang mới, cô trở thành người mẹ đơn thân dẫu chưa một lần sinh nở.
Tình yêu thương vượt qua hủ tục
Tự hứa với lòng mình, có dịp lên Gia Lai tôi sẽ tới thăm gia đình em để được chia sẻ và tận mắt chứng kiến một câu chuyện cổ tích giữa đời thường sau khi xem chương trình “Hát mãi ước mơ” phát trên sóng VTV vào hồi tháng 3/2018. Chương trình nói về một cô gái trẻ hết sức đặc biệt, gây ấn tượng mạnh cho người xem truyền hình, cô gái ấy có cái tên rất đỗi thân thương - Y Byen.
Đến tận buôn làng nơi gia đình em đang sinh sống, mặc dù đã hẹn trước nhưng tiếc là em lại kẹt công việc không về được, 2 con lại đang đi học, tôi đành quay lại thành phố nán chờ để được gặp em. Thật mừng vui và xúc động vì em gái Y Byen ngày nào giờ đã là cô ca sỹ 30 tuổi xinh đẹp với khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt trong trẻo, nụ cười rạng rỡ, đang công tác tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku.
Y Beyn cùng hai con: cháu lớn Y Song mang ý nghĩa “chúa trời cho” và cháu nhỏ là Y Sơn nghĩa là “đứa con của núi rừng”
Được nghe em nói cười, được nghe em kể chuyện, trong lòng tôi trào lên những cảm xúc thật khó diễn tả bằng lời. Giữa cuộc sống đời thường này, những việc em làm như một câu chuyện cổ tích, chẳng khác nào một nguồn nước mát ngọt, trong lành từ sâu thẳm đại ngàn chất chứa yêu thương, chảy vào trái tim của mỗi người để tô thắm thêm những điều tử tế, tốt đẹp.
Em kể lạị: ngày em 16 tuổi còn là học sinh trung học, trong một lần đi theo bố mẹ đến buôn làng xa, hôm đó ở làng có người mẹ sinh con, không có điều kiện vào viện mà chỉ có chồng đỡ đẻ nên người mẹ không qua khỏi. Đứa bé chào đời lúc 5 giờ sáng thì đến 12 giờ bị người làng đặt trong hòm cùng mẹ để đem đi chôn theo hủ tục. Nghe tin vậy em chỉ kịp liếc nhìn bố mẹ vài giây rồi chạy nhanh đến cầu xin được đem đứa bé về nuôi, nó chẳng có tội tình gì, nếu Giàng phạt thì em sẽ gánh hết. Sau một thời gian thuyết phục, người làng đồng ý cho Y Byen nhận đứa trẻ về nuôi. Bố mẹ em lúc đó phải bỏ lại hết đồ đạc, lội ngược hơn 100km đưa hai mẹ con trở về nhà.
Nuôi một đứa trẻ sơ sinh lúc 16 tuổi đã làm thay đổi cuộc đời Y Byen. Gia đình nghèo khổ, bản thân em đã sống thiếu thốn hơn bạn bè, buổi sáng nhờ mẹ trông con em đi học, buổi chiều về ẵm con. Buổi tối đi mót mủ cao su để kiếm tiền mua sữa cho con, rồi bồng con đi xin bú nhờ. Không có điều kiện để mua sữa, mua quần áo cho con đầy đủ nên mỗi dịp cuối tuần, em đành phải ẵm con đi chăn bò thuê với tiền công 10.000 đồng/ buổi để mua sữa bò cho con uống, tranh thủ thời gian mò cua, bắt ốc về nấu cháo cho con đỡ xanh xao… Bạn bè hỏi: Y Byen không xấu hổ à? Hàng ngày các bạn đi học, đi hát múa còn Y Byen cứ quanh quẩn chăn bò, mót mủ, nuôi con…? Ngày đó các bạn đi học thường mua kẹo ăn, em cũng thèm lắm, để đỡ ngượng với bạn bè em thường nhặt sỏi nhỏ bỏ vào miệng mút ý như mình cũng đang được mút kẹo vậy… Cứ thế, ngày lại ngày trôi qua em cũng quen dần với cuộc sống của một người mẹ nuôi con nhỏ. Mình nghèo, mình lại càng phải cố gắng làm việc, lao động để có cái mà nuôi sống bản thân, gia đình và chăm sóc cho con.
Làm mẹ đơn thân nuôi hai đứa trẻ dù chưa một lần sinh nở
Nghe câu chuyện từ Y Byen mà lòng tôi dấy lên những cảm xúc khó diễn tả thành lời, thật sự không biết mình sẽ phải làm sao nếu đặt vào vị trí của em lúc đó? Cô bé dân tộc Ba Na nghèo khổ - 16 tuổi đã can đảm, dám giằng xin bằng được đứa trẻ sơ sinh sắp bị chôn sống vì hủ tục lạc hậu để đem về nuôi, và rồi lại thêm một bất ngờ, khi 11 năm sau cô gái đó lại nhặt thêm một em bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài nghĩa địa về làm con của mình.
Y Byen còn nhớ như in ngày 10-8-2015 định mệnh đó, ngày mà cô có thêm đứa con thứ hai trong đời. Trong một lần đi hát về ngang qua nghĩa địa, nghe mọi người nói có một bé sơ sinh mình đầy máu me còn nguyên dây rốn, quấn trong chiếc áo mỏng bị bỏ rơi trong nghĩa địa, em đã chạy vào ôm bé lên thoảng thốt: "Đây rồi con ơi… Mẹ đây rồi, hãy về nhà rồi khóc con nhé"… Hay tin con gái bế một đứa bé mới sinh trở về, cha mẹ em bỏ hết nương rẫy, chạy ra tận đầu làng đón. Cha của em nói: "Dù có phải bán gà, bán heo, làm thuê, làm mướn cũng phải nuôi hai đứa trẻ". Bế con về nhà, Y Byen tự tay cắt dây rốn cho con, sau đó bé bị nhiễm trùng phải nằm viện một thời gian, rồi tiếp nối những ngày vất vả gian nan…
Luôn lạc quan, sống có trách nhiệm với trái tim nhân hậu
Nghe câu chuyện của em, tôi cúi mặt xuống cố giấu dòng nước mắt chỉ chực trào ra, vậy mà em lại cứng cỏi động viên: “Đừng khóc chị ơi! Phải mạnh mẽ lên chứ? Em cũng phải cố gắng mạnh mẽ, đứa con trai đầu em đặt tên cháu là Y Song mang ý nghĩa “chúa trời cho” và cháu sau là Y Sơn có nghĩa là “đứa con của núi rừng”. Em coi hai con là món quà thượng đế đã ban tặng. Giờ đây em đang là bố mẹ của đứa con 16 tuổi và 5 tuổi và là bố mẹ của bố mẹ em nữa" (ý là bố mẹ già rồi, phụ thuộc vào em).
Y Byen tâm sự: “Ông trời thương em lắm, mỗi khi em gần như tuyệt vọng vì khó khăn thì em lại nhận được sự giúp đỡ, con của em nuôi bằng nước gạo là chính, thỉnh thoảng chỉ uống thêm sữa bò nhưng nhờ trời thương các cháu vẫn khôn lớn. Em đi mót mủ cao su để bán, thỉnh thoảng lại được ca mủ cao su đầy người ta bỏ quên ko lấy – chắc ông trời cho sót lại giúp em chị ạ. Có lần con em nằm viện, mẹ cũng nhập viện mổ mắt, em chạy vạy vay tiền thì lại gặp dịp đoàn từ thiện về viện mổ mắt miễn phí. Không còn tiền mua sữa cho con thì lại có người gọi đi hát đám cưới. Em nuôi heo mau lớn lắm, mà em thương heo lắm vì phận nó làm heo nhưng nó cũng có cuộc sống giống người thôi, mỗi lần em tắm hay cho heo ăn là em lại hát cho heo nghe, nó thích lắm, nó thương em nên nó mau lớn. Rồi em được vào công tác tại đoàn văn công, đi thi hát được một số giải, em có đôi bàn tay thì em cũng có thể làm bất cứ việc gì…”
Ba mẹ con Y Beyn hiện tại
Em còn tâm sự: hôm tham gia chương trình “Hát mãi ước mơ”, em và anh bị mù cùng được giải nhất với số tiền 75 triệu chia đôi. Em đã xin Ban giáo khảo rằng em xin nhận giải hai - 25 triệu, nhường giải nhất 50 triệu cho anh mù vì em còn may mắn hơn anh ấy, em còn đôi mắt, đôi bàn tay, nhưng ban giám khảo không đồng ý vì tôn trọng kết quả đánh giá của khán giả. Vậy là em có số tiền 37.500.000 đồng, em chỉ nhận 30 triệu còn 7.500.000 đồng em xin gửi lại cho chương trình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn em. Với số tiền 30 triệu em quyết định mua cho các con 2 con bò, cố gắng chăm lớn để dành sau này các con có tiền ăn học. Nhờ trời thương nên 2 con bò nay đều đã mang bầu, đến cuối năm mẹ con em đã có thêm 2 con bê, rồi chị ơi biết đâu trời thương năm sau em lại có thêm 2 con bê nữa…
Hỏi Y Byen chắc có nhiều người yêu thương em lắm? Em lắc đầu, rơm rớm nước mắt: "Không chị ạ, thấy em nuôi hai con nhỏ nên không ai dám. Em cũng như mọi người cũng cần có tình cảm, ngày trước em cũng có người yêu rồi, người yêu bảo gửi hai con cho ông bà nuôi rồi cưới, nhưng em không thể, em đã nhận nuôi các con thì phải có trách nhiệm với con, em có thể hy sinh bản thân em chứ không thể làm cho các con khổ nữa. Cu lớn nay đã biết rồi, hay tủi thân lắm, còn cu nhỏ thì lém lỉnh lắm - cả hai đứa lúc nào cũng: “Mẹ béo là đẹp nhất, yêu mẹ béo nhất trên đời”. Y Song, con trai lớn hay tâm sự với mẹ, cháu thường bảo con biết núi rừng nhưng con chưa biết biển, đọc sách thấy biển nhiều nước hơn sông suối, con mong được một lần nhìn thấy biển"…
Cuộc đời ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một lối đi, lối đi đó có thể bằng phẳng và trải đầy hoa hồng, cũng có thể là gập ghềnh sỏi đá, chông gai… Y Byen - người con gái bé nhỏ dân tộc Bana của Tây Nguyên đại ngàn đã chọn cho mình lối đi của tình yêu thương, lòng vị tha, nhân ái dù rằng không kể xiết chông gai. Lựa chọn làm mẹ đơn thân nuôi hai đứa trẻ dẫu chưa một lần sinh nở trong hoàn cảnh đặc biệt ấy đã làm lay động trái tim của biết bao người, để rồi câu chuyện về tình yêu và lòng nhân ái đó sẽ như nguồn cảm hứng lan tỏa trong cộng đồng, khích lệ biết bao việc làm ý nghĩa, thiết thực.
Chia tay Y Byen, cô gái Tây Nguyên có nghị lực kiên cường và trái tim nhân hậu, tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình em. Hẹn một ngày được đón gia đình em tới thăm thành phố biển, để các con tận mắt thấy nước biển mênh mông, biển sâu lắng bao la như lòng mẹ, nghe biển hát tình ca, biển kể tiếp câu chuyện yêu thương...
Đào Tùng