Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, y tế miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã tích cực chi viện cán bộ, góp phần xây dựng ngành Y tế giải phóng tại tiền tuyến lớn miền Nam. Chúng tôi xin giới thiệu hồi ức của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tức Hằng Ngôn, Nhà giáo nhân dân Ngành Y tế về những ngày đầu đầy gian khổ, hy sinh xây dựng ngành Y tế giải phóng
Bộ trưởng Y tế - hy sinh để xây dựng ngành Y tế giải phóng
Khi nói đến sự trưởng thành của ngành Y tế giải phóng ở miền Nam, chúng ta ghi nhớ công sức đóng góp của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Tên tuổi của bác sĩ không xa lạ gì đối với nhân dân Nam Bộ nói chung và nhân dân Thành phố Sài Gòn nói riêng.
Từng là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong thời Cách mạng Tháng 8, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Sài Gòn - Chợ Lớn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bác sĩ đã được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với gánh nặng hai vai, vừa lo xây dựng ngành Y tế miền Bắc, vừa lo tìm cách xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất cho Y tế giải phóng miền Nam, bác sĩ đã có công lớn trong những năm chăm lo cho ngành nói chung và cho tiền tuyến lớn miền Nam nói riêng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ cho miền Nam, kể cả việc học tập trong nước và gửi cán bộ đi nâng cao trình độ ở nước ngoài. Khi yêu cầu của miền Nam đòi hỏi cấp bách, bác sĩ có kế hoạch bồi dưỡng cấp tốc cán bộ dân y với chương trình rủt gọn, nhưng đáp ứng được yêu cầu của chiến trường và vùng nông thôn rộng lớn của miền Nam.
Với tư cách Bộ trưởng, bác sĩ quan tâm cử nhiều cán bộ y tế có tài, có đức về phục vụ ở miền Nam như bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Nguyễn An Trạch (Sáu Tấn), Nguyễn Duy Liêm (Tư Hiếu), Trần Ngọc Đăng (Chín Hưng), Bùi sĩ Hùng (Hai Bùi), Trần Hữu Nghiệp, Thúy Ba, dược sĩ Nguyễn Kim Phát (ba Hùng), bác sĩ Võ Tố, người cộng sự thân cận của Bộ trưởng được cử về Khu 5 để chỉ đạo ngành y tế của khu.
Có lúc với tình cảm thắm thiết đối với miền Nam, bác sĩ đã từ Hà Nội lái xe vào tận trạm giao liên cuối cùng trên mảnh đất Quảng Bình để chia tay và dặn dò anh chị em trong đoàn dân y thứ hai được cử vào miền Nam. Anh ôm hôn từng cán bộ của mình và đứng nhìn họ ra đi với hai hàng nước mắt. Cũng vì thế, anh chị em như được tăng thêm quyết tâm và sức mạnh vượt Trường Sơn vào mặt trận.
Bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch
Để trực tiếp đóng góp vào công việc của ngành tại chiến trường miền Nam, tháng 8 /1968, bác sĩ Bộ trưởng đã bí mật vào Nam Bộ. Tháng 9/1968, tại Hội nghị y tế ở R (Căn cứ Trung ương Cục miền Nam), vừa chủ tọa hội nghị, vừa lên cơn sốt, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã lâm bệnh nặng.
Đầu tiên là viêm túi mật cấp tính, tiếp theo là sốt rét ác tính kháng thuốc. Là đứa con của Sài Gòn đi tập kết, anh đã trút hơi thở cuối cùng tại chiến trường Nam Bộ đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, ngày 7/11/1968. Anh được bí mật an táng bên sông Vàm Cỏ Đông và sau giải phóng, đã được cải táng về nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.
Tại tang lễ của ông được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định “Phạm Ngọc Thạch đã nêu một tấm gương về cách nhìn, cách nghĩ, cách nghiên cứu để giải quyết một cách sáng tạo và độc đáo những vấn đề khó khǎn và phức tạp của việc thanh toán những bệnh tật do chế độ cũ để lại, trong việc vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân và đồng chí đã thành công trong nhiều công trình nghiên cứu quan trọng”.
Những đoàn cán bộ y tế đầu tiên chi viện miền Nam
Đường Trường Sơn được mở, các đoàn cán bộ y tế từ hậu phương lớn lần lượt leo núi vượt đèo vào miền Nam, trong đó có rất nhiều người là con em cán bộ miền Nam tập kết, được gọi là “Tân binh C”.
Đoàn thứ nhất của dân y đã lên đường vào Nam cuối mùa mưa tháng 9/1961 và đến căn cứ Trung ương Cục vào tháng 1/1962. Đoàn này có bốn bác sĩ và 9 y sĩ (sau này có hai bác sĩ và 4 y sĩ hy sinh: Bác sĩ Nguyễn Thành Hiệp chết ở miền Đông do sốt rét ác tính, bác sĩ Nguyễn Tấn Vui hi sinh ở miền Tây Nam Bộ). Các anh em y sĩ còn lại đều được đào tạo thành bác sĩ.
Đoàn thứ hai đông hơn, gồm 63 người, trong đó có 29 bác sĩ, 26 y sĩ cao cấp, 4 dược sĩ trung cấp lên đường đầu mùa khô năm 1962 và đến căn cứ Trung ương Cục đầu năm 1963, được phân công tỏa đi khắp chiến trường Nam Bộ.
Người nữ bác sĩ đầu tiên trở Về Nam Bộ vốn là cô y tá Đoàn Hồng Hoa ở Ban Y tế tiếp quản Thị xã Cà Mau năm 1954, đi tập kết, được đào tạo trở thành bác sĩ Thúy Ba, Nguyên là thứ trưởng Bộ Y tế. Sự trở về của cô lúc đó có tác dụng động viên đối với nữ cán bộ y tế đang công tác ở miền Nam. Sự có mặt của cô ở chiến trường miền Nam được Nhà báo Pháp Madelaine Riffaud và nhà vào Ba Lan Valensa nhắc đến trong các bài báo về “Những chiếc áo trắng trong rừng xanh”.
Lực lượng tăng cường từ hậu phương lớn vào khá đông, trong đó có những cán bộ lãnh đạo để hình thành một bộ máy tổ chức hữu hiệu. Giữa năm 1963, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ nguyên Phó Giám đốc sở y tế quân dân Nam Bộ thời kỳ chống Pháp cũng lên đường vào Nam. Bữa cơm thân mật tiễn đưa bác sĩ có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự với những nơi căn dặn và tình cảm tha thiết với miền Nam.
Sản xuất vắc xin ngừa bệnh tả tại Chí Phèn, khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1971 (Ảnh tư liệu)
Về tới Trung ương Cục năm 1964, bác sĩ Thủ được cử làm Trưởng Ban Dân y, đồng chí Phạm Văn Thuận (Ba Thu) làm Phó Ban, sau đó bác sĩ Võ Cương cũng được cử làm Phó Ban. Các ủy viên là một số bác sĩ đã kinh qua Trưởng ty Y tế ngoài miền Bắc như Hồ Văn Cung (Năm Trung), Nguyễn Thành Hóa (Tám Văn)... Các ban dân y ở cấp khu, tỉnh và ở nhiều huyện xã cũng được thành lập.
Cùng với Ban Dân y các cấp đã hình thành các bệnh viện, những trung tâm bào chế thuốc và cả những bộ phận nghiên cứu khoa học.
Ở khu căn cứ có bệnh viện cán bộ trung cao Hoàng Lê Kha và Bệnh viện đa khoa, có xưởng bào chế tân dược và đông y, có phòng chống sốt rét, hoạt động dưới bom đạn địch.
Năm 1966, sau Tết Nguyên Đán bốn ngày, bệnh viện Trung ương đóng ở khu rừng gần xóm Rẫy (Tân Biên, Tây Ninh) bị chín đợt bom B52 rải thảm. Nhờ có hầm hào công sự kiên cố nên chỉ có hai cán bộ y tế hy sinh. Rất may mắn là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ từng điều trị ở bệnh viện và vừa xuất viện trước đó một tuần. Sau đó, bệnh viện đa khoa ở Sóc Hùa lại bị ném bom và nữ y sĩ Tuyết hy sinh.
Tuy có nhiều khó khăn nhưng ngành y tế đã cố gắng tổ chức bào chế vắcxin chống bệnh ở miền Đông do Bác sĩ Tư Liêm (tức Hiếu) và bác sĩ Cao Chí Mới (tức Minh Tân) phụ trách. Ở miền Tây do bác sĩ Sĩ (tức Hai Thanh) phụ trách.
Các cán bộ y tế còn tổ chức nghiên cứu khoa học. Bác sĩ chuyên khoa vi trùng học Phạm Văn Chí còn rất trẻ đã hi sinh vì trúng mìn trong lúc đi tìm bắt thú rừng về thực nghiệm.
Khách nước ngoài được mời đến khu căn cứ đã không tiếc lời khen ngợi hoạt động của ngành Y tế giải phóng.
Năm 1965, đoàn quay phim, nhiếp ảnh Trung Quốc đến thăm các cơ sở điều trị và sản xuất thuốc ở Căn cứ Trung ương Cục. Nhà báo Úc William Burset đã được đưa đi xem các cơ sở thu dung thương bệnh binh, xuống Thạnh An (Bến Cát) xem cách khai thác và điều chế thuốc nam.
Năm 1968, đoàn y tế Pháp với giáo sư Kahn, đảng Xã hội và bác sĩ Grinville, Đảng Cộng sản, phóng viên truyền hình Roger Pick đã đến thăm các cơ sở sản xuất vắc xin, bệnh viện đa khoa và trường chuyển cấp y sĩ ở Căn cứ Trung ương Cục.
Số cán bộ y tế được chi viện từ miền Bắc cùng với anh, chị em tại chỗ đã được tổ chức lại và hình thành một mạng lưới y tế giải phóng, đáp ứng được yêu cầu của cuộc kháng chiến. Vì vậy, vấn đề đào tạo cán bộ đã trở nên hết sức cấp thiết trong quá trình kháng chiến, sự triển khai công tác này thật khó khăn và phải được coi là một mặt trận đúng với nghĩa của nó.
Quỳnh Chi