Thông qua cuộc thi, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh và các tầng lớp Nhân dân địa phương hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nằm bên Quốc lộ 8A (xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), trường PTTH Trần Phú, ngôi trường mang tên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là niềm tự hào của lớp lớp người dân Đức Thọ. Bên cạnh việc học chữ, rèn người, các học sinh của trường còn tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích khác, như tìm hiểu lịch sử; sinh hoạt chính trị, thăm viếng địa chỉ đỏ…. đặc biệt là tìm hiểu về thân thế sự nghiệp Tổng Bí thư Trần Phú – người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, của quê hương Đức Thọ.
Bạn Phùng Thị Phương Anh, học sinh lớp 10A7 Trường PTTH Trần Phú chia sẻ, khi bước chân vào ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Trần Phú, em cũng như nhiều học sinh khác đều rất tự hào: "Khi được học tập trên ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Trần Phú và trên quê hương Đức Thọ em cảm thấy tự hào. Qua những việc Bác đã làm mình phải cố gắng học tập, giữ vững chí khí về lòng dũng cảm, trong cuộc sống phải đứng lên học tập, mọi việc thấy khó khăn thì phải cố gắng không nản lòng, phải làm được điều đó".
Tự hào về ngôi trường mang tên Người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, nên ngay khi cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú được phát động, các học sinh của trường đã tích cực, hào hứng tham gia. Em Phan Thị Châu, học sinh lớp 10A5, là 1 trong số 10 học sinh có bài dự thi xuất sắc nhất chia sẻ, qua tham gia cuộc thi, càng cảm nhận rõ hơn về tấm gương kiên cường, bất khuất, ý chí vượt khó đi lên của cố Tổng Bí thư Trần Phú và sẽ ra sức học tập, rèn luyện để noi gương Người.
Em Phan Thị Châu cho biết: "Khi học tại ngôi trường này, em tự hào vì mang tên cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Từ khi vào đây em năng động hơn và có nhiều trải nghiệm hơn. Em biết thêm nhiều kiến thức lịch sử, ngưỡng mộ, em thấy chí khí, dũng cảm chiến đấu. Như câu triệu hiệu thiêng liêng của Bác là “hãy giữ vững chí khí chiến đấu” thì em sẽ cố gắng nỗ lực phấn đấu, học tập và có định hướng để phát triển bản thân hơn nữa".
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” (câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Trần Phú trước lúc hy sinh), được đặt ở vị trí trang trọng của ngôi trường mang tên Người, như là một lời nhắc nhở lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay hãy sống bằng chí khí, khát vọng và niềm tin. Thầy Lê Thế Long, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Trần Phú Hà Tĩnh cho biết, các thầy giáo và học sinh của trường đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho cuộc thi này. Tổng cộng cả trường đã có hơn 1200 bài viết bằng tay tham dự cuộc thi, có những bài trên 200 trang được thầy trò nhà trường thực hiện như là sự bày tỏ niềm kính trọng thiêng liêng đối với người chiến sỹ Cộng sản kiên trung, người con của quê hương Đức Thọ – Tổng Bí thư Trần Phú.
Thầy Lê Thế Long cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, thêm 1 lần nữa được khắc sâu, hiểu biết thêm về thân thế, sự nghiệp của Người. Mỗi 1 thế hệ học sinh lớp 10 vào đây thì được trường tổ chức tìm hiểu qua phòng truyền thống, khu lưu niệm, lăng mộ ở xã Tùng Ảnh để thắp hương và tìm hiểu thực tế tại địa chỉ đỏ, để hiểu về cố Tổng Bí thư Trần Phú. Câu nói nổi tiếng của Người “hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn luôn hiện hữu trước mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường, noi theo tấm gương của Người để cùng cố gắng phát huy xây dựng nhà trường và cá nhân".
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đức Thọ cho biết, không chỉ các thầy giáo và học sinh trường PTTH Trần Phú, cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú đã nhận được sự tham gia rất tích cực của đông đảo học sinh, cán bộ, đảng viên và người dân địa phương, với tổng số bài dự thi lên đến hơn 21.600 bài. Đáng chú ý trong đó có cả những học sinh đang học lớp 2, có nhiều đảng viên, người dân đã trên 70 tuổi cũng viết bài tham dự cuộc thi. Nhiều bài dự thi viết tay từ 100 đến 200 trang giấy, được đầu tư công sức và trình bày, hình thức thẩm mỹ.
Ông Trần Quốc Dũng nhấn mạnh: "Có thể nói là thành công về công tác tuyên truyền. Toàn huyện Đức Thọ đã phát động và hiện nay có hơn 21 nghìn bài dự thi, trong đó có trên 300 bài được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức. Và sức lan toả rộng cả trong và ngoài huyện, các tầng lớp nhân dân, đảng viên, giáo viên, học sinh. Có những em học sinh lớp 2 nhưng có bài dự thi viết tay 100 trang dự thi, đảng viên cao tuổi viết tay…. Đó là ý nghĩa và tạo sự lan toả".
Tổng Bí thư Trần Phú là người cộng sản mẫu mực, kiên cường, bất khuất, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của đảng và của nhân dân, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thủy chung, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của đảng, của giai cấp và của dân tộc, lạc quan tin tưởng vào tương lai và sự tất thắng của cách mạng… những phẩm chất tốt đẹp đó, cùng tình yêu thương đồng chí, đồng bào, chí khí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hà Văn Hùng, khi mới 6 tuổi, đồng chí Trần Phú đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống tự lập, vất vả từ tuổi ấu thơ. Thế nhưng, khác với những người đỗ đạt đương thời, đồng chí Trần Phú đã chọn cho mình một lý tưởng sống hết sức cao đẹp là chấp nhận gian khổ, hy sinh. Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, đồng chí Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc.
Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hà Văn Hùng cho biết: "Điểm khác biệt giữa thầy giáo Trần Phú với các thầy giáo cùng thời chính là không coi học trò thi cử đậu đạt cao, làm quan to là vinh hiển của người thầy mà mục đích chính là góp phần đào tạo ra lớp người có chí hướng, làm những việc có ích cho dân, cho nước. Ngoài việc dạy học trò, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vũ Quang; thăm núi Dũng Quyết, nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung Đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh… Qua đó đã truyền cho trò ngọn lửa tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Nhiều học trò của Trần Phú sau này đã trưởng thành, có những đóng góp xuất sắc cho cách mạng, tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai."
Cùng với việc tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng”; dịp này huyện Đức Thọ cũng phát động phong trào “Thi đua 120 ngày cao điểm” tại các địa phương, đơn vị trong toàn huyện; tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng, các giải thi đấu thể thao; tổ chức Hội thảo “Ý chí Trần Phú - Khát vọng Đức Thọ”. Cùng với đó, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị thông qua các diễn đàn, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề “Đảng ta thật là vĩ đại”; “Tổng Bí thư Trần Phú - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”...
Thông qua cuộc thi, các phong trào thi đua đã góp phần giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh và các tầng lớp Nhân dân địa phương hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.