Chiều 7/10, tại TP.HCM, Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học về hai cuốn sách “Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” và “Đoàn kết, vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong nước, các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên của Học viện ở các đầu cầu trực tuyến.
Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp rất quan trọng vào hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở 180 bài phát biểu, bài viết, bài trả lời phỏng vấn quan trọng trong thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2021 của Tổng Bí thư, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã chọn lọc 40 bài đưa vào 2 cuốn sách này. Cả hai tác phẩm đều đi sâu định hướng, phân tích, chỉ đạo 4 vấn đề lớn là: Công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Hội nhập và hợp tác quốc tế.
Các nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia tọa đàm thống nhất đánh giá rằng, nội dung hai cuốn sách một lần nữa phân tích sâu sắc và mạch lạc 4 nội dung lớn nêu trên. Từ đó, các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi cán bộ, nhân dân thấy rõ tầm nhìn, quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược, đánh giá mới trước mỗi vấn đề của Đảng và của đất nước qua từng giai đoạn. Đồng thời, thấy được những trăn trở, tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề quan trọng.
Hai cuốn sách thể hiện sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn trong đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thạc sĩ Trần Nhật Minh, giảng viên Khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, các đột phá chiến lược được Tổng Bí thư nêu lên là đột phá về thể chế, về nguồn nhân lực chất lượng cao, về hệ thống kết cầu hạ tầng. Việc làm tốt các đột phá chiến lược này phù hợp với yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới hiện nay. Trước hết đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội./.
Minh Hạnh/VOV-TPHCM