"3 tại chỗ" trong doanh nghiệp nghĩa là công nhân thực hiện ăn - ở - sản xuất ngay tại chỗ để tạo các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì việc làm cho người lao động.
Thực tế, thời gian qua mô hình này đã được áp dụng tương đối hiệu quả ở 2 tỉnh đầu tiên triển khai là Bắc Giang và Bắc Ninh. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mô hình "3 tại chỗ" cũng đã được chính quyền và doanh nghiệp ở Hải Dương tính đến. Nhà máy Hoàng Dương - Chi nhánh Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình (cụm công nghiệp Lương Điền, Cẩm Giàng) cũng đã từng cho 89 công nhân ăn ở tại nhà máy khi phát hiện một trường hợp F0 (không phải công nhân công ty) có liên quan đến số người này. Công ty TNHH Babeeni Việt Nam (Tứ Kỳ) đã trang bị hơn 200 lều bạt đặt tại nhà xưởng và nhà ăn để làm chỗ ngủ cho công nhân nếu dịch bệnh xảy ra...
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là đã có doanh nghiệp ở các địa phương phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương khi áp dụng mô hình này đã bị đổ vỡ. Cũng chính vì "3 tại chỗ" cho nên khi doanh nghiệp xuất hiện ca F0 thì dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan khiến cả chính quyền và doanh nghiệp trở tay không kịp. Không ít người tỏ ra hoài nghi về hiệu quả và thiệt hại mà "3 tại chỗ" mang lại.
Đây là bài học buộc chúng ta phải tính toán đến việc làm thế nào để áp dụng mô hình này hiệu quả. Đó là đặt ra yêu cầu, tiêu chí cụ thể đối với những doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Chỉ nên áp dụng ở những nơi dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi nguồn lây lan trong cộng đồng được khoanh vùng hoặc đã dập tắt, bảo đảm nguồn nhân lực "sạch" cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp ở địa phương dịch chưa bùng phát nhưng căn cứ vào tình hình sản xuất, nắm bắt nhu cầu của công nhân lao động cũng có thể thiết lập phương án "3 tại chỗ" để tạo ra "vùng xanh" an toàn cho đơn vị mình.
Về phía chính quyền chỉ nên cho những doanh nghiệp bảo đảm được nhu cầu ăn ở cho công nhân mới được phép tổ chức "3 tại chỗ". Tại Hải Dương chỉ đếm được trên đầu ngón tay số doanh nghiệp có xây dựng nhà ở cho công nhân. Có nơi xây thì cũng chỉ đáp ứng số lượng ít người ở. Nếu cơ sở vật chất không đủ đáp ứng việc ăn ở tại chỗ cho người lao động sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt trường hợp không bảo đảm đủ khoảng cách phòng chống dịch nếu xuất hiện ca F0 thì hậu quả sẽ khôn lường. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" cũng phải tính toán kỹ mọi yếu tố phát sinh khác khiến chi phí có thể đội lên như chế độ bồi dưỡng cho công nhân làm việc trực tiếp, những công nhân phải nghỉ ở nhà...
Trường hợp không có mặt bằng để bố trí công nhân ăn ở tại chỗ, doanh nghiệp có thể tính đến phương án thuê địa điểm tập trung ở ngoài cho công nhân. Với phương án này phải bảo đảm tính biệt lập của nơi ở, để công nhân không tiếp xúc với người lạ. Doanh nghiệp cần bố trí xe đưa đón công nhân bảo đảm nguyên tắc "1 cung đường, 2 điểm đến". Trong các trường hợp, doanh nghiệp đều phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động theo đúng quy định để tầm soát nguy cơ.
Công nhân tham gia mô hình "3 tại chỗ" của doanh nghiệp phải có ý thức cao, trung thực trong khai báo y tế để doanh nghiệp sàng lọc, loại bỏ mọi yếu tố, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Trong suốt quá trình thực hiện đều phải tuân thủ nghiêm mọi quy định về phòng chống dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Một yếu tố quan trọng nữa, đó là chính quyền cần hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng chu đáo kịch bản ứng phó với trường hợp xấu nhất khi xuất hiện F0. Trong đó then chốt nhất là sử dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly hợp lý để dịch bệnh không phát tán, lây lan nhanh như đã từng xảy ra ở một số doanh nghiệp phía Nam./.
Theo HaiDuongonline