Trong đó, Pháp cùng các đối tác sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển các sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu. Đây là chia sẻ của Đại sứ Olivier Brochet trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều nay 3/10.
Theo Đại sứ Olivier Brochet, năm 2023 là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. Bắt đầu đảm nhiệm vị trí Đại sứ Pháp tại Việt Nam ở thời điểm quan trọng này, Đại sứ Olivier Brochet cho biết sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên: Thứ nhất là hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu với trọng tâm là ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại các hội nghị chống biến đổi khí hậu (COP); Thứ hai là hỗ trợ Việt Nam vừa phát triển kinh tế, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về xã hội, về pháp lý, về môi trường, trên cơ sở đó tận dụng được các khuôn khổ hợp tác mới như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU); Thứ ba là thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước và cuối cùng là tăng cường hợp tác trên trường quốc tế thông qua các diễn đàn đa phương, để cùng chia sẻ các giá trị như tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia…
Về vấn đề được các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm hiện nay là khả năng tiếp cận thị trường châu Âu, Đại sứ Olivier Brochet chia sẻ: "Cùng với các đối tác của Liên minh châu Âu tại Việt nam sẽ tăng cường trong thời gian tới, đó là hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp để phía Việt Nam hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn của châu Âu cả về xã hội, về môi trường. Nếu không hiểu rõ được các tiêu chuẩn này, các sản phẩm của Việt Nam sẽ rất khó có thể tiếp cận thị trường châu Âu. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để phía Việt Nam không thấy đây là những cản trở khi thâm nhập thị trường."
Đại sứ Olivier Brochet cũng đánh giá quan hệ giữa Pháp và Việt nam đã đạt bước tiến dài trong 30 năm qua với những hoạt động hợp tác thiết thực. Hiện nay, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ hai của châu Âu tại Việt Nam với lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức của Pháp là khoảng 50.000 người. Pháp cũng là một trong số ít quốc gia thiết lập cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ của Pháp tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực là Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Đáng chú ý, Pháp có nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho Việt Nam với nguồn học bổng cấp cho các sinh viên Việt Nam lên tới 1,6 triệu Euro/năm – đứng thứ 3 trong số các đối tác của Pháp.
Đại sứ Olivier Brochet cho biết: "Trong 30 năm qua, đã có hàng vạn sinh viên Việt Nam đã tới Pháp học tập. Các cơ quan nghiên cứu của Pháp cũng có nhiều hoạt động hợp tác với đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, y tế. Các hoạt động này cũng góp phần tạo nên sợi dây kết nối ngày càng gắn bó giữa người Pháp và người Việt Nam".
Năm 2018, Pháp đã công bố một tài liệu quan trong trong chính sách đối ngoại là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong đó, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng giữ vị trí hết sức quan trọng. Theo Đại sứ Olivier Brochet, việc Pháp đặt trọng tâm chính sách đối ngoại ở khu vực cũng là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong thời gian tới.
Thúy Ngọc/VOV1