Ông Lê Hoàng Tài-Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, triển lãm là nơi kết nối doanh nghiệp sản xuất với đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu và đơn vị cung cấp công nghệ mới.
Tại đây, sẽ có 400 doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia với 500 gian hàng, trong đó có nhiều sản phẩm vải hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường và công nghệ dệt may kỹ thuật và vải không dệt, công nghệ gia công dệt và in…
Đây là dịp để doanh nghiệp trong nước kết nối, giao thương với doanh nghiệp quốc tế, hình thành liên kết chuỗi giá trị từ nguyên phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên liệu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.
“Hội chợ lần này có những doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực dệt may trên thế giới mang công nghệ dệt, sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may… áp dụng công nghệ mới đảm bảo việc xanh hóa, các tiêu chuẩn tuần hoàn bảo vệ mội trường, phát triển bền vững. Doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận công nghệ mới và có thể nâng cao công nghệ hiện nay” - ông Lê Hoàng Tài cho biết thêm.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất ngành dệt may tháng đầu năm của Việt Nam rất khả quan, trong đó dệt tăng hơn 46%, sản xuất trang phục tăng gần 21%. Để chủ động tiếp cận đơn hàng mới, doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng tiêu dùng và ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng tiêu chí xanh.