Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Campuchia, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đã thể hiện bản chất phản động, hiếu chiến, tiến hành đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ nước ta. Với thiện chí hòa bình, Việt Nam đã nhân nhượng, nhiều lần tìm cách đối thoại, nhưng kẻ thù đã khước từ và ngày càng lộ rõ ý đồ xâm lược. Trước tình hình chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc bị xâm phạm, dân tộc Việt Nam buộc phải cầm súng, thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đã 45 năm (7-1-1979 / 7-1-2021) qua đi kể từ ngày nhân dân Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu, lịch sử đã nói lên sự thật chính nghĩa.
Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Campuchia, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari thi hành chính sách dân tộc cực đoan, hẹp hòi; xác định Việt Nam là kẻ thù, âm mưu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phương châm được họ xác định là mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh đến 10, 15, 20 năm... Thực hiện âm mưu đó, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, thống nhất, Pôn Pốt đã đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc và đảo Thổ Chu, liên tiếp xâm phạm vùng biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh.
Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Thông tin khoa học quân sự, Quân khu 7 cho biết, để giải quyết những xung đột bằng phương pháp hòa bình, chúng ta đã chủ động đề xuất gặp gỡ và thương lượng nhưng mọi nỗ lực của đều không nhận được thái độ hợp tác.
"Năm 1977, tập đoàn phản động Pôn Pốt đánh Việt Nam. Lúc đó, chúng ta vẫn chưa xác định họ kẻ thù. Nhiều đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành đàm phán nhưng tất cả đề nghị và những yêu cầu của Việt Nam, là muốn thương lượng, giải quyết việc xung đột bằng hòa bình... đều bị Pôn Pốt từ chối. Cho nên quyết tâm cao nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam là phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Không được để chủ quyền bị xâm phạm"- Đại tá Hồ Sơn Đài nhớ lại.
Không những mở các cuộc tiến công dọc biên giới Tây Nam, Pôn Pốt đã tiến hành nhiều vụ thảm sát nhân dân ta. Theo thống kê, từ năm 1975 đến năm 1978, Pôn Pốt đã giết hại hơn 5 nghìn dân thường Việt Nam với những phương thức man rợ. Chúng đốt phá trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền, cướp giết trâu bò, hãm hiếp phụ nữ, gây bao đau thương tang tóc cho nhân dân Việt Nam. Thực tế đó đã buộc Đảng ta phải thực hiện quyền tự vệ chính đánh, sử dụng vũ lực để đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nhân dân và chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Ngày 23/12/1978, Pôn Pốt huy động 10 sư đoàn, mở cuộc tiến công trên toàn biên giới Tây Nam Việt Nam. Trước âm mưu và tội ác man rợ của chúng, các đơn vị chủ lực của ta đã mở cuộc tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, đẩy lui kẻ thù ra khỏi biên cương Tổ quốc. Tiếp đó, đáp lời kêu gọi và đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đã chấp nhận hi sinh gian khổ, giúp bạn giải phóng thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 07/1/1979.
Giáo sư sử học Võ Văn Sen cho rằng, hành động của Quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp với pháp lý, đạo lý và chân lý của thời đại: "Có một chân lý là không gì quý hơn độc lập tự do. Mỗi dân tộc, mỗi đất nước đều có quyền thiêng liêng là bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước của mình. Trước nguy cơ đất nước bị xâm lược, bị tiến công thì bất cứ dân tộc nào cũng có quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ độc lập tự do. Trước sự tấn công của bè lũ Pôn Pốt, đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, thì dân tộc Việt Nam chúng ta có quyền giáng trả, có quyền tự vệ để bảo vệ cho được độc lập, tự do của Tổ quốc.
Lịch sử đã nói lên sự thật chính nghĩa. Chúng ta không những giúp dân tộc Campuchia đánh đổ chế độ tàn ác nhất trong lịch sử mà còn ở lại hỗ trợ họ hồi sinh đất nước. Đó là tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không vụ lợi. Trên thế giới hiếm có một đảng nào, một quân đội nào như Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam, đã vượt lên những hi sinh, gian khổ, thậm chí là sự hiểu nhầm của cộng đồng quốc tế, để đi cứu một đất nước, một dân tộc đang bên bờ vực thẳm, thoát khỏi thảm họa diệt vong.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận định: Đó là tinh thần nhân văn cao cả, sự hi sinh to lớn của dân tộc Việt Nam mà chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về điều đó: "Cho đến nay, lịch sử đã trả lời không những cho chúng ta mà nhân dân tiến bộ toàn cầu thấy rằng, Việt Nam làm cuộc chiến tranh mang tính tự vệ, hoàn toàn chính nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mình, đồng thời còn là một người bạn lớn, một "đội quân nhà Phật" - như người Campuchia nói- giúp đỡ họ đánh đổ chế độ diệt chủng và làm một cuộc hồi sinh lịch sử dân tộc mình".
Chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam cách đây 45 năm để lại cho chúng ta bài học. Đó là phải luôn luôn cảnh giác, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, cần có kế sách để kịp thời ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, tránh xung đột, tránh bị đối đầu và không để bị cô lập, phụ thuộc trong cộng đồng quốc tế.
Trường Giang/Phát thanh QĐND