Ngày 29/3, người dân thành phố biển Đà Nẵng hân hoan kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng quê hương. Dịp này, thành phố đón nhiều tin vui. Ngày 15/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Ký quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng – phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Đúng dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng, thành phố Đà Nẵng đón nhận tin vui khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính khu vực. Những chủ trương này được kỳ vọng sẽ đưa Đà Nẵng vươn lên tầm cao mới.
Suốt 3 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã kiên trì xây dựng và trình các cấp thẩm quyền Dự án cảng Liên Chiểu. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - TP Đà Nẵng.
Giai đoạn đầu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và trong khu vực. Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 - 8.000 TEU. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ dự án gần 3000 tỷ đồng; phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương của TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá quyết định chuyển Tiên Sa trở thành cảng du lịch, xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa là đúng. Đây là dự án quan trọng, dự án động lực không chỉ riêng của Đà Nẵng mà của cả vùng.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định, xây dựng thành phố Đà Nẵng thành Trung tâm kinh tế xã hội của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại và tài chính. Cùng với cảng Liên Chiểu, Khu Công viên phần mềm số 2, Khu Công nghệ cao đang được khẩn trương xây dựng, Trung tâm tài chính được kỳ vọng sẽ đưa Đà Nẵng phát triển thành trung tâm kinh tế lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: "Quyết định chủ trương xây dựng bến cảng Liên Chiểu cũng như chủ trương cho phép xây dựng Đề án Trung tâm tài chính có ý nghĩa rất lớn, tạo nền tảng quan trọng để Đà Nẵng tiếp tục thực hiện vai trò động lực, dẫn dắt khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội như mục tiêu Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đặt ra".
Để triển khai các dự án động lực, trọng điểm tạo bước ngoặt cho Đà Nẵng chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai, hiện nay thành phố đã sẵn sàng các thủ tục triển khai theo quy định. Thành phố cũng sẽ tăng cường chất lượng quản lý đất đai, phát triển xây dựng đô thị theo đúng tinh thần Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Thanh Hà/VOV-Miền Trung