Cách đây 47 năm, Quốc kỳ của Việt Nam tung bay trước Trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ). Sự kiện này đánh dấu Việt Nam là thành viên chính thức của LHQ, tổ chức duy nhất có vai trò kiến tạo và duy trì hòa bình thế giới. Tuy gia nhập muộn, do bị các thế lực đế quốc bao vây, cấm vận, nhưng Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, uy tín và vị thế trong cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, với đất nước đã giành độc lập, đã thống nhất sau một cuộc chiến tranh dài và chịu hy sinh lớn nhất trong thế kỷ 20, cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào sự tham gia của Việt Nam trong các sứ mệnh giữ hòa bình.
PV: Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ công hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ. Nhưng do Việt Nam lúc đó chưa được nước nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ không thành hiện thực. Sau khi đất nước giải phóng, năm 1975, phái đoàn Việt Nam đã sang New York (Mỹ) để vận động các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập LHQ. Nhưng cũng phải mất tới 2 năm sau, tại phiên họp lần thứ 32 của Đại hội đồng LHQ ngày 20/9/1977, Việt Nam mới chính thức được công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
Thưa Đại sứ Đặng Đình Quý, tuy gia nhập muộn nhưng Việt Nam đã hai lần được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Ông có cho rằng, sự kiện đã khẳng định vai trò và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong việc góp phần vào hòa bình, ổn định của thế giới?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Đúng vậy, trong các cơ quan LHQ, chỉ có Hội đồng Bảo an (HĐBA) được trao nhiệm vụ giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Cũng chỉ có các quyết định của Hội đồng Bảo an mới có tính ràng buộc với tất cả các thành viên, trong khi, quyết định của cơ quan khác chỉ mang tính chất khuyến nghị, không bắt buộc.
Trên thực tế, hầu hết các nước có đủ năng lực đều muốn đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Bảo an. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2021 vừa qua, chúng ta được bầu với số phiếu cao kỷ lục là 192 phiếu trên 193 nước. Tiếp đó, 2 năm tham gia hoạt động của HĐBA,Việt Nam đã đóng góp tiếng nói rất tích cực vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh thế giới. Đồng thời, làm tốt vai trò Chủ tịch 2 tháng, tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến, chủ trì soạn thảo thông qua hai nghị quyết của HĐBA, ba tuyên bố Chủ tịch HĐBA.
Tất cả những đóng góp đó thì đều được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.
PV: Khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA, tình hình an ninh, chính trị quốc tế nảy sinh, gia tăng nhiều diễn biến căng thẳng, phức tạp, khó lường, trong đó, nổi lên xu thế cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đe dọa tới sự ổn định và phát triển của thế giới. Việt Nam đã thể hiện được vai trò của mình như thế nào trong bối cảnh quốc tế phức tạp như vậy, thưa ông?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Đúng là trong thời gian chúng ta đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA hai năm 2020 - 2021 thì đại dịch COVID-19 đã làm cho xung đột tại các khu vực trở nên phức tạp hơn. Quan hệ giữa các nước lớn đã căng thẳng thì lại căng thẳng hơn. Do dịch bệnh nên HĐBA không thể họp trực tiếp. Thế nhưng các cơ quan khác của LHQ có thể hoãn, có thể dừng họp, nhưng HĐBA không thể dừng được. Bởi vì nếu dừng họp, thì sẽ có chỗ có người chết, có chỗ có người đói không được cứu trợ, người bị thương không được chữa chạy. Điều này ảnh hưởng tới cuộc sống không phải là triệu người mà là hàng trăm triệu người ở khắp các nơi có xung đột.
Để giải quyết việc đó, chúng ta đã nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới. Bản thân phái đoàn đã tích cực đóng góp vào việc hình thành các quy chế làm việc mới của HĐBA, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Nói thì đơn giản như thế, nhưng đằng sau nó có rất nhiều câu chuyện về an ninh đường truyền hay bỏ phiếu như thế nào? Thế thì phải có những nỗ lực đóng góp của tất cả các nước, mà tôi nghĩ Việt Nam là một trong những thành viên rất tích cực.
Do đó, chỉ sau gần hai tuần, HĐBA đã nhất trí quy trình làm việc trực tuyến mới và thực hiện trong suốt 18 tháng đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐBA, đặc biệt là chúng ta đã đưa ra sáng kiến để Đại Hội đồng LHQ họ quyết định lấy ngày 27/12 là ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, LHQ và khắp cả thế giới lại kỷ niệm ngày đó và nhớ đến đây là sáng kiến của Việt Nam.
PV: Trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA, chúng ta đã đưa ra sáng kiến: Thảo luận mở cấp Bộ trưởng về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Đây có được coi là dấu ấn nổi bật của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch HĐBA trong thời gian rất ngắn không, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA được sắp xếp theo thứ tự ABC.. do đó, chúng ta gặp thách thức là vẫn chưa quen công việc. Song điều này cũng tạo cơ hội lhi Chủ tịch có thể sắp xếp được chương trình nghị sự của cả tháng. Đặc biệt, năm LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập, Hiến chương LHQ là luật gốc của hệ thống luật thế giới. Cho nên, chúng ta chọn thảo luận mở với chủ đề thúc đẩy tuân thủ hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, theo đó, đã được hưởng ứng cao của các nước thành viên.
Cuộc thảo luận lần này đã làm nên một kỷ lục trong lịch sử 75 năm LHQ, với 111 bài phát biểu kéo dài trong 3 ngày. Cũng tại cuộc thảo luận này, HĐBA đã đồng thuận để thông qua một tuyên bố Chủ tịch, gọi là thượng tôn hiến chương trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những dấu ấn "rất sâu" Việt Nam để lại trong nhiệm kỳ này.
PV: Vâng, thưa Đại sứ Đặng Đình Quý, khi ông là Trưởng Phái đoàn thường trực đại diện của Việt Nam tại LHQ, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá như thế nào về các hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình thế giới của Việt Nam chúng ta?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Với tất cả các nước, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đều là vinh dự và trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh thế giới. Với Việt Nam, chúng ta đã giành độc lập, đã thống nhất đất nước qua một cuộc chiến tranh vào loại dài nhất và hy sinh lớn nhất trong thế kỷ 20. Cho nên, cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào sự tham gia của Việt Nam trong các sứ mệnh giữ hòa bình.
Trên thực tế 10 năm qua, các chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đã đáp ứng các kỳ vọng đó. Nhân dân và chính quyền sở tại ở các nước như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và mới đây là khu vực Abei giữa Nam và Bắc Sudan đều đánh giá rất cao sự phục vụ của các chiến sĩ Việt Nam, trong đó phải kể đến các y sĩ, bác sĩ tại bệnh viện Dã chiến tại Nam Sudan. Tất cả đã thể hiện hình ảnh rất đẹp về Việt Nam, về Bác Hồ.
Ngoài đảm nhiệm rất tốt nhiệm vụ do Liên Hợp Quốc hội giao phó, các chiến sĩ của chúng ta cũng quan hệ rất tốt với địa phương, với nhân dân địa phương, mang hình ảnh người Việt Nam rất là gần gũi với nhân dân địa phương, mà trước kia họ chỉ biết đến trong sách vở, trong lịch sử thôi.
PV: Như vậy, chúng ta cũng đã truyền cảm hứng cho các dân tộc, nhất là những quốc gia đang còn xung đột, bất ổn để họ có niềm tin, khát vọng phấn đấu cho hòa bình, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Đúng thế, rất nhiều nước coi Việt Nam là tấm gương trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Và rất nhiều nước cho rằng, nhân dân Việt Nam với bao đau thương mất mát trong chiến tranh là dân tộc mà thấu hiểu nhất giá trị của hòa bình. Chính vì vậy mà cộng đồng quốc tế luôn hoan nghênh và đánh giá rất cao, đóng góp của Việt Nam vào gìn giữ hòa bình, an ninh thế giới. Bây giờ thì họ còn mong Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào sự nghiệp này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!