Trước ngày khai màn Chiến dịch Linebacker II, để động viên tinh thần binh lính, Nhà trắng và Lầu Năm Góc đã huênh hoang tuyên bố, B-52 sẽ có một cuộc dạo chơi trên bầu trời miền Bắc. Tổng thống Nixon khi lệnh cho B-52 ném bom miền Bắc xong, đã cùng vợ con đi nghỉ để chờ tin chiến thắng. Thế nhưng, khi xâm phạm bầu trời Việt Nam, chúng đã nhận được hàng trăm, hàng nghìn mũi tên thép lao lên từ mặt đất, cùng với đó, không quân Việt Nam đã chặn ngang, cản đường bay khiến cho những ung dung, thong thả bỗng dưng biến thành nỗi hoang mang tột độ. Tên lửa SAM-2 và Máy bay Tiêm kích MIG-21 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp đón họ bằng những trận đối không ác liệt.
Đúng 19h25' ngày 18/2/1972, Không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của địch. 19h44', quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên – cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.
Phát hiện máy bay B-52 từ hướng Tây bay vào Hà Nội, Trung đoàn 261 phóng 2 quả tên lửa nhưng không diệt được B-52. Tiếp đó, Trung đoàn phóng liền 2 quả đạn, B-52 bốc cháy rơi cách trận địa 7km. Dân quân tự vệ và nhân dân bắt gọn những tên giặc lái khi chúng vừa nhảy dù xuống mặt đất. Những đêm sau, chúng ta càng đánh, càng thắng và thắng liên tục.
Có đêm, chúng ta bắn rơi 7 máy bay B-52. Khi đó Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 57. Ông nhớ lại trận đánh vào đêm 20/12: "Đêm 20, rạng ngày 21, chúng tôi bắn đúng vào một chiếc. Mà đánh ba điểm chứ không phải là nửa góc. Thế nhưng mà bắn như thế đã trúng vào máy bay. Và chỉ bằng 2 quả đạn bắn rơi 2 máy bay B52. Và như thế là hiệu suất chiến đấu cao, vừa tiết kiệm đạn".
Cùng lúc đó, 2h sáng 19/12, 21 lần chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ Mỹ ở Utapao, Thái Lan bay vào đánh Hà Nội, nhằm đánh sập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Đinh Thế Văn ra lệnh cho kíp chiến đấu kiên trì theo dõi và phát hiện được tín hiệu B-52 ở cự ly 28km. Ông quyết định đánh bằng cách bắn vượt trước nửa góc, bám sát bằng chế độ tự động. Với cách đánh đó, ông phát lệnh phóng 2 quả tên lửa. Quả một cự ly 26km, quả 2 cự ly 25km. Hai quả đạn gặp mục tiêu và nổ tung. Chiếc B-52 bốc cháy. Đây là chiếc B-52 thứ hai rơi trong trận đánh đầu tiên.
Nhớ lại sự kiện đó, Đại tá Đinh Thế Văn xúc động: "Chúng tôi bắn rơi nhiều B-52, biến nhiều chiếc B-52 thành sắt vụn trên bầu trời Hà Nội, trên đất Hà Nội. Chưa bao giờ tôi lo bằng khi chuẩn bị để đánh B-52. Nhưng sung sướng thì cũng chưa bao giờ vui và sung sướng bằng khi mình bắn rơi B-52, cả thế giới chưa có nước nào bắn rơi B-52. Ngay cả Quân khu 4, Hải Phòng bắn hàng trăm viên đạn nhưng không có B-52 rơi tại chỗ".
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, trận đánh vào đêm 26/12 là ác liệt nhất và bắn rơi được nhiều máy bay B-52 nhất. Đây là trận then chốt quyết định của Chiến dịch. Mặc dù đã bị thiệt hai 17 chiếc B-52 trước đó, nhưng với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa lực lượng không quân chiến lược gồm 105 chiếc B-52 và gần 100 máy bay cường kích ồ ạt đánh phá, rắp tâm đưa Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá”. Địch thay đổi hướng tiến công, chia 7 mũi vào đánh Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Địch tập trung hỏa lực, đánh từ nhiều hướng, sử dụng nhiều tốp B-52 giả và gây nhiễu rất nặng nhằm bịt mắt radar và chế áp trận địa tên lửa của ta. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của bộ đội Tên lửa Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên khi đó là sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn tên lửa phòng không 57 cho biết: "Ngày 26/12, địch đánh trận quyết chiến cho chiến dịch thì ta đã đánh một trận rất hay. Đêm 26/12, địch thay đổi về hướng đánh, lúc trước đánh chủ yếu từ hướng Bắc, nhưng sau đó họ lấy đường bay Tây Nam, Đông Nam bổ sung thêm vào trong phương án tác chiến. Thế nhưng ta đã có lực lượng chủ động để đánh được cả hướng chủ yếu và các hướng mà địch thay đổi. Cho nên trong ngày 26/12, ta bắn rơi 8 máy bay B-52 của Mỹ trên miền Bắc, trong đó Hà Nội bắn rơi 5 chiếc và có 4 chiếc rơi tại chỗ".
Tham gia vào lực lượng chủ công đánh B-52, không chỉ có bộ đội tên lửa mà có cả bộ đội không quân. Trong điều kiện đánh đêm, nhiễu nặng, lại bị tiêm kích chặn đường, bộ đội Không quân rất nóng lòng muốn lập công. Đêm nào không quân cũng cất cánh, trong 9 đêm đã có 4 phi công hạ cánh vào hố bom, vì tất cả các sân bay đều bị đánh hỏng.
Nhiều phi công như Đinh Tôn, Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Rạng, Trần Cung phát hiện thấy đèn của B-52 nhưng không có thời cơ công kích, khi bám được B52 thì lại tiếp cận vào vùng hỏa lực của tên lửa, buộc phải bay ra ngoài. Phi công Trần Việt, một mình không chiến với hàng chục máy bay F4 và bắn rơi một chiếc. Đêm 27/12, phi công Phạm Tuân được lệnh xuất kích từ sân bay Yên Bái, phát hiện B-52 ở cự ly 10km, liền tăng tốc vượt qua các tốp F4, bám sát B-52 đến cự ly 2km phóng 2 quả đạn và tiêu diệt B-52. Bộ đội không quân đã xuất sắc lập công.
Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại chiến công của mình đầy tự hào và oanh liệt: "Đêm 27/12, tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái, gặp rất nhiều F4 nhưng mình đã có kinh nghiệm và đã được trên cho phép, nên là cơ động tránh F4 mà đi. Khi tiếp cận vào bên trong B-52 ở cự ly 4 cây số thì cho phép bắn. Tôi nói là chờ tý. Lệnh thứ 2, bắn thoát ly ngay, sợ là phi công lần đầu tiên gặp B-52 ham quá, lao thẳng vào B-52. Lệnh thứ ba bắn, thoát ly ngay. Lúc bấy giờ tôi bắn 2 quả tên lửa thì thấy tên lửa nổ, một quầng sáng rất lớn. Trận đầu tiên, không quân ta bắn được B-52. Ngay sáng hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện chúc mừng không quân bắn rơi B-52. Tôi rất may mắn là người thực hiện sứ mệnh là không quân bắn B-52. Lúc bấy giờ, mình không nghĩ mình là người bắn B-52, mà chỉ nghĩ là không quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mong ước, đã bắn được B-52".
Tiếp sau đó, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa, phát hiện B-52 liền tổ chức công kích, sau khi phóng 2 quả đạn, do cự ly quá gần, phi công Vũ Xuân Thiều dùng máy bay lao thẳng vào máy bay địch và hy sinh. Như vậy, trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972, bộ đội Tên lửa và bộ đội Không quân đã xuất sắc lập công, đập tan siêu pháo đài bay B-52, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại bàn đàm phán Paris.
Trong cuộc chiến này, ngoài lực lượng chủ công là bộ đội tên lửa và không quân, các lực lượng, các binh chủng của chúng ta đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng tạo nên một thế trận phòng không độc đáo, đặc sắc nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Vậy thế trận đó, chúng ta đã tạo lập như thế nào? Bài viết cuối của loạt phóng sự 4 bài “Cuộc đối đầu trên không” sẽ phân tích rõ hơn về nội dung này./.
Trường Giang – Thanh Tuấn/Phát thanh QĐND