Sau ngày Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, cố vấn Lê Đức Thọ trở lại bàn Hội nghị Paris, chúng tôi không khi nào rời máy thu thanh. Ai cũng nghe các bản tin thời sự, bình luận của đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tối đến, dưới căn nhà hầm của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đóng ở động Mang Chang sôi nổi hẳn lên. Mỗi người nói lại rồi bình về diễn biến hội nghị Paris mỗi kiểu khác nhau. Paris xa xôi mà mặt trận chỉ cách một tiếng súng nổ đầu nòng.
Nhưng đến sáng 28 tháng 1 năm 1973 thì không ai bàn cãi gì nữa, chúng tôi cùng hô vang: Ta thắng rồi.
Sáng ấy lạ lắm. Mưa rừng lất phất, đường đất trơn tuột, nhưng cánh thanh niên chúng tôi hết đi lại chạy, vừa leo lên dốc lại xuống suối, chặt cây, hái hoa rừng để chuẩn bị đón giây phút hòa bình đầu tiên. Chiếc tăng dã chiến được căng lên phủ kín bức tường đất. Chính giữa là ảnh Bác Hồ. Bàn ghế là những cây gỗ được đẽo phẳng, chôn thẳng xuống đất. Mặt bàn bằng cây cau rừng ghép lại, lổn nhổn, gồ ghề. Lọ hoa là vỏ hộp thịt Mỹ từ thời nơi đây là căn cứ hành quân dã ngoại của chúng. Hoa rừng tươi rói đủ màu vàng, đỏ.
Gần ba chục con người xiết vai nhau đứng vòng quanh chiếc bàn dã chiến hướng lên chân dung Bác Hồ đón đợi giây phút hòa bình đầu tiên ở chiến trường.
Im lặng. Không gian mỏng tang. Tôi nghe rõ tiếng tích tắc trên chiếc đồng hồ đeo tay của anh Hiểu, bên Tỉnh đội.
- Đúng 7 giờ sáng. Hòa bình rồi.
Chúng tôi reo to. Không gian vỡ òa.
Chúng tôi, những nhà báo, nhà văn, nhà giáo, huấn học, cán bộ phong trào, cán bộ chính trị từ Huế, Quảng Trị lên, từ Hà Nội vào họp thành đội ngũ thông tin tuyên truyền. O Gái, còn gọi là Kim Cúc cười tươi, nhe chiếc răng “cời” dễ thương:
- Chà, ở bờ sông Hai Nhánh giờ này đi lại tự do nghe. Không sợ rọ, gáo trên đầu nữa.
- Anh em ở trên “trọc” Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy tha hồ mà bay nhảy.
Anh Sự, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy chỉ tay vào chiếc đài bán dẫn đặt ngay ngắn giữa bàn. Mọi người hướng vào. Tiếng phát thanh viên long trọng thông báo: Hà Nội và cả miền Bắc treo cờ Tổ quốc 8 ngày. Việt Khoa đọc lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mọi người nâng cốc chè rừng chào mừng ngày hòa bình đầu tiên. Anh Ngô Kha có biệt tài “ngủ không nhắm mắt” cười to:
- Chao ôi là sướng. Muốn viết thư cho vợ quá.
Anh Quế Lâm chăm chú nghe đài, hý hoáy ghi chép, chợt kêu lên:
- Anh em có nghe gì không? Ông Lê Đức Thọ ký xong Hiệp định Paris liền trao bút cho Kissinger và nói: Ông cầm lấy và nhớ thi hành hiệp định nhé. Khoái thật. Thế mới là ngoại giao chứ.
Thế là câu chuyện xoay sang đại lộ Kleibe giữa Paris tráng lệ. Quế Lâm khịt khịt mũi:
- Này, thằng cha Trần Văn Lắm khi nào cũng phải ký cuối cùng nhé.
- Hứng chịu thất bại mà.
- Chắc là mặt mày ủ rũ lắm.
- Buộc phải ký thôi.
Anh Đoàn Dũng, Phó ban tuyên huấn nhỏ nhẹ:
- Yên mà nghe đài tường thuật kìa. Bà Nguyễn Thị Bình ghê thật. Chữ ký lịch sử nhé, lại là phụ nữ nữa mới oai chứ.
Sợ mất sóng nên chúng tôi mở ba đài một lúc. Tiếng phát thanh viên đang đọc xã luận Báo Nhân Dân, nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền ngoại giao cách mạng. Anh Khiêm, cán bộ huấn học vốn trầm lắng bật khóc. Hòa bình thật rồi, Bác Hồ ơi.
Mưa rừng thêm nặng hạt. Mái lá lao xao rồi xô nhau theo ngọn gió thổi thốc từ đầu suối. Anh Đoàn Dũng trầm ngâm:
- Chà, cái năm 69, sau Mậu Thân, cực da diết, đói lắm quý vị ơi. Ai chớ, anh Sự đây này, ăn một lúc 9 chiếc bánh móng trâu, rồi tháo dạ, đói vẫn hoàn đói.
Anh Sự nhỏ nhẹ:
- Lại còn khát muối nữa chứ. 17 người mới được hai thìa cà phê muối. Đầu gối cứ rũ ra.
Anh Ngô Kha chậm rãi kể lại chuyện anh bộ đội đói quá, khát quá, không đi được nữa. Biết mình không gắng gượng nổi, anh lấy hơi sức cuối cùng cho áo vào quần ngay ngắn rồi nằm lên võng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Có đơn vị bộ đội trước khi vào trận đánh chỉ được phát một khúc sắn luộc. Lệnh của chỉ huy là khi vào hàng rào số một mới được ăn để có sức chiến đấu. Có chiến sỹ khi hy sinh tay vẫn nắm chặt mẩu sắn đẫm máu.
Anh Sự lau nước mắt nhòa hết mặt kính, nghẹn ngào:
- Chúng ta phải trả giá hòa bình quá đắt.
Tiếng máy bay xoẹt qua đầu phá tan không khí trầm lắng. Chúng nó trở mặt rồi đây. Tin điện từ quân khu thông báo rạng sáng 28/1/1973, địch đã vi phạm hiệp định Paris, nống ra đánh chiếm Cửa Việt. Tin khắp nơi điện về, địch đang thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn đất, dành dân.
Tôi được lệnh lên trạm xá Nam khai thác tù binh ngụy vi phạm Hiệp định hòa bình. Tôi hỏi tên tù binh: “Tại sao biết có lệnh đình chiến rồi mà anh vẫn lấn chiếm?”. Anh ta trả lời: “Tôi biết đã có Hiệp định hòa bình. Tôi mừng lắm chứ, nhưng chỉ huy bắt tôi đi bắn giết. Tôi không đi thì chúng sẽ giết hết cả nhà tôi”.
Vậy là Hiệp định Paris đã buộc Mỹ phải rút, để chúng ta đánh cho ngụy nhào, giành toàn thắng./.
Nhà báo Vĩnh Trà/VOV