Cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phối hợp với Chính phủ kháng chiến Lào mở Chiến dịch Thượng Lào và giành thắng lợi. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 đã đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân hai nước tiến tới, tăng cường liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Có nhiều nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953, trong đó việc quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”
Chủ tịch Hồ Chí là người đặt nền móng và có nhiều cống hiến xuất sắc đối với liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Ngay từ rất sớm, để xây dựng liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào ngày càng hiệu quả chống thực dân Pháp xâm lược, việc tìm những đồng chí của Lào có tư chất lãnh đạo, có tinh thần nhiệt huyết cách mạng để lãnh đạo cách mạng Lào phối hợp với cách mạng Việt Nam chống thực dân Pháp là điều rất cần thiết và đồng chí Kaysone Phomvihane là một trong những con người như thế. Cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Kaysone Phomvihane bắt đầu từ năm 1946 khi ông Kaysone Phomvihane tham gia công tác trong Ban Liên lạc Lào - Việt tại Hà Nội. Là những người cùng chung chí hướng, cùng có lý tưởng cao đẹp, trong lần gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Người Việt Nam cũng như người Lào có nhu cầu cấp bách là phải đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước”.
Thắng lợi Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, của quân dân Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến cách mạng Lào. Ngày 16/5/1948, Trung ương Đảng quyết định tổ chức Ban Xung phong Lào Bắc với nhiệm vụ chủ yếu: “Dùng vũ trang tuyên truyền, phát triển sang vùng Thượng Lào, từ dọc sông Mã qua Điện Biên Phủ lên Phong Xa Lỳ… Thiết lập những căn cứ địa cho cách mạng và quân đội Lào độc lập…”. Bên cạnh đó, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo thành lập một hệ thống tổ chức chuyên giúp cách mạng Lào. Thực hiện sự chỉ đạo đó, năm 1948, Liên khu 3, 4, 5 và 10 lần lượt cử nhiều cán bộ sang giúp Lào xây dựng cơ sở, tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang và huấn luyện tác chiến. Sau gần hai năm hoạt động, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành một hệ thống riêng lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”[1]. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; từ đó, quân tình nguyện Việt Nam có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và trực tiếp, làm cho việc giúp cách mạng Lào hiệu quả, thiết thực hơn.
Cuối năm 1952, với thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự hợp đồng tác chiến của quân và dân Lào - Việt Nam. Những căn cứ du kích ở vùng Thượng Lào từ đây có một thế dựa vững vàng vào cả một vùng tự do rộng lớn của Việt Nam. Hơn nữa, giải phóng Tây Bắc, quân dân Việt Nam vừa có một phên dậu bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời còn tạo thế uy hiếp mới đối với quân địch ở vùng Thượng Lào, vì đây là một bàn đạp vững chắc và trực tiếp để Quân đội nhân dân Việt Nam tiến sang phối hợp chiến đấu với Quân đội Lào Ítxala…
Trên cơ sở nhận định, đánh giá của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (1/1953), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bàn vấn đề phối hợp tác chiến ở Thượng Lào với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng thời chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu gấp rút nghiên cứu nắm tình hình địch và binh yếu địa chí Thượng Lào để trình Tổng Quân ủy. Ngày 2/2/1953, Tổng Quân ủy họp và nhất trí mở chiến dịch Xuân Hè 1953 ở Thượng Lào. Chiến dịch Thượng Lào là lần đầu tiên một bộ phận lớn chủ lực Việt Nam sang chiến đấu trên nước bạn Lào, xa hậu cứ, chưa quen địa hình, nên công tác chính trị, tư tưởng được chuẩn bị rất chu đáo. Như vậy, “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” được hình thành và phát triển rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đến Chiến dịch Thượng Lào 1953, tư tưởng này trở thành tư tưởng chủ đạo cho các lực lượng Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào.
Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược
Trong các tỉnh Thượng Lào, địch chọn thị xã Sầm Nưa làm khu vực phòng thủ chủ yếu và tăng cường cho Sầm Nưa hai tiểu đoàn, đưa quân số ở đây lên ba tiểu đoàn, gồm cả quân Pháp và quân nguỵ Lào. Đồng thời, địch cũng tăng cường cho khu vực Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng thêm một tiểu đoàn. Âm mưu của địch là nhằm biến Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” ở Tây Bắc Việt Nam để ngăn chặn các cuộc tiến công của quân chủ lực Việt Nam trên chiến trường Thượng Lào và uy hiếp vùng tự do của cách mạng Việt Nam. Do đó, có đập tan được căn cứ Sầm Nưa, giải phóng Thượng Lào mới có điều kiện giúp Lào xây dựng hậu phương kháng chiến. Do tính chất và ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch Thượng Lào đối với cuộc kháng chiến của hai dân tộc, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh quân đội hai nước Việt Nam - Lào đã thống nhất quyết tâm huy động một lực lượng lớn những đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch.
Ngày 8/4/1953, các đơn vị chủ lực Việt Nam bắt đầu tiến quân sang Lào theo ba hướng. Trên hướng chủ yếu các đại đoàn 308, 312 và một bộ phận của Đại đoàn 316, theo Đường số 6 tiến sang Sầm Nưa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Chiến dịch và Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào cùng hành quân với các đơn vị. Trên hướng thứ hai gồm Đại đoàn 304 từ Nghệ An theo Đường số 7 tiến lên Xiêng Khoảng, nhằm chặn đường rút của địch từ Sầm Nưa xuống. Cùng đi với hướng này về phía Lào có đồng chí Phumi Vôngvichít - đại diện Chính phủ Kháng chiến Lào. Hướng thứ ba gồm Trung đoàn 148 từ Điện Biên Phủ tiến xuống Nậm U, uy hiếp Luông Pha Băng. Các lực lượng quân tình nguyện và các đơn vị vũ trang của Lào đã ở sẵn trên các địa bàn hoạt động và bám sát địch.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Lời kêu gọi” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Chiến dịch, trong các ngày 10, 11 và 12 tháng 4 năm 1953, Trung đoàn 98 đã vượt qua Mường Hung tiến thẳng đến Sầm Nưa, bám sát Trung đoàn 98 là Trung đoàn 102. Bộ Chỉ huy liên quân Lào - Việt lúc này đến bờ sông Mã, qua tin tức nắm được đã điện nhắc nhở các đơn vị đi trước: “Địch có thể rút Sầm Nưa… Không thể bỏ lỡ thời cơ, bộ đội tăng tốc hành quân”[2].
Ngày 12/4/1953, khi các đơn vị đi đầu của ta còn cách Sầm Nưa gần một ngày đường hành quân, tướng Xalăng ra lệnh cho toàn bộ quân lính đồn trú rút khỏi thị xã Sầm Nưa ngay trong đêm. Nhận được tin địch rút khỏi Sầm Nưa, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhanh chóng tổ chức lực lượng truy kích địch. Khi Chiến dịch chuyển sang truy kích, ngày 13/4/953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện gửi các đơn vị có nhiệm vụ truy kích tiêu diệt địch, yêu cầu: “Địch đã bỏ chạy Sầm Nưa. Sầm Nưa đã giải phóng. Nhưng muốn giúp đỡ nhân dân nước bạn củng cố căn cứ địa đó, thì chúng ta phải tiêu diệt cho kỳ được sinh lực của địch... Tiêu diệt được bọn địch rút lui này, chúng ta sẽ thắng một trận vận động lớn, và thắng lợi đó sẽ vang dội khắp chiến trường Việt - Lào và sẽ củng cố được vùng Sầm Nưa giải phóng thành một căn cứ địa kháng chiến của nước bạn (Lào) liền với vùng tự do của ta (Việt Nam). Lúc này, chúng ta càng phải nhớ lời Bác dặn, phải có quyết tâm thật cao, thật bền, thật vững, để làm nhiệm vụ”.
Những chiến thắng liên tiếp của liên quân Lào - Việt trên khắp chiến trường Thượng Lào đẩy quân địch vào thế tan rã hoàn toàn. Ngày 3/5/1953, Chiến dịch Thượng Lào kết thúc.
Tính chung toàn Chiến dịch, liên quân Lào - Việt đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, gồm 2.800 binh lính và sĩ quân địch, chiếm 1/5 tổng số địch ở Lào; giải phóng một vùng rộng lớn khoảng 35.000km2 với hơn 40.000 dân, gồm toàn tỉnh Sầm Nưa, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một phần tỉnh Luông Pha Băng, trong đó có lưu vực sông Nậm U - vùng có tầm chiến lược quan trọng, giàu có nhất ở vùng Tây Bắc Lào.
Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đối với liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và là dấu ấn sâu đậm trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước. Quán triệt sâu sắc đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng Việt Nam tham gia Chiến dịch từ quá trình chuẩn bị, thực hành cho đến khi kết thúc Chiến dịch luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của đường sá, địa hình, thời tiết và vật chất bảo đảm, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên những cương vị, vị trí được phân công, qua đó góp phần vào thành tích chung của Chiến dịch.
Năm tháng trôi qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Chiến dịch Thượng Lào 1953 vẫn sẽ còn mãi. Đặc biệt, tư tưởng chỉ đạo “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch này đã trở thành phương châm hành động trong sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc những năm sau đó và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở hai nước hiện nay. Hơn lúc nào hết, cùng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc vận dụng sáng tạo tư tưởng “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới là vấn đề có giá trị, ý nghĩa lý luận, thực tiễn và tính thời sự sâu sắc, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới./.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu
Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự