Tháng 11 năm 1951, thực dân Pháp huy động binh lực hùng hậu mở cuộc hành quân chiếm đóng Hòa Bình (là vùng tự do, hậu phương của kháng chiến) hòng giành một thắng lợi quyết định để xoay chuyển tình thế. Trước âm mưu và hành động của địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết chỉ đạo quân và dân ta anh dũng chiến đấu, đập tan kế hoạch của quân Pháp, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam. Chiến dịch tiến công Hòa Bình bắt đầu từ ngày 10/12/1951 và kết thúc vào ngày 25/2/1952.
Mở cuộc hành quân chiếm đóng Hòa Bình - Kế hoạch tham vọng của thực dân Pháp
Sau thất bại tại Mặt trận Biên giới 1950, thực dân Pháp vừa đối phó với các cuộc tiến công của quân ta, vừa ra sức phát triển thêm lực lượng, tăng cường mở các cuộc hành quân càn quét, tổ chức xây dựng nhiều phòng tuyến kiểu mới (bằng hệ thống những lô cốt bê-tông kiên cố) nhằm bình định vùng tạm chiếm. Đến cuối năm 1951, tổng số quân địch trên toàn chiến trường Đông Dương là 338.000 tên, trong đó bao gồm 55 tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn pháo binh, 5 trung đoàn cơ giới và đã hình thành được 7 binh đoàn cơ động chiến lược.
Trên cơ sở những kết quả vừa đạt được, từ ngày 14/11/1951, Bộ Tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương huy động 20 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, 7 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp cùng 2 đại đội xe tăng mở cuộc hành quân quy mô lớn đánh chiếm khu vực Thị xã Hòa Bình - sông Đà - Đường số 6 nhằm các mục đích: 1- Kéo chủ lực Việt Minh ra địa bàn chuẩn bị sẵn để tiêu diệt, giành lại quyền chủ động đã mất trên chiến trường Bắc Bộ; 2- Mở rộng khu vực chiếm đóng, nối lại hành lang Đông - Tây, ngăn chặn sự liên lạc vận chuyển giữa Việt Bắc với Liên khu III, IV; 3- Giành thắng lợi quân sự, chính trị để ổn định tinh thần ngụy quân, ngụy quyền, gây tiếng vang để tranh thủ thêm viện trợ của Mỹ.
Do ta không có chủ lực tại chỗ, nên chỉ trong vòng 2 ngày (14 - 15/11/1951), quân Pháp nhanh chóng chiếm đóng các mục tiêu theo kế hoạch. Địch tổ chức phòng ngự thành 2 phân khu: Phân khu sông Đà - Ba Vì (khu Bắc), gồm 5 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 1 trung đội xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh. Phân khu Hòa Bình - Đường số 6 (khu Nam), gồm 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội xe tăng. Lực lượng còn lại làm lực lượng dự bị. Tổ chức phòng ngự của địch gồm 28 cứ điểm. Mỗi cứ điểm có từ 1 - 2 đại đội bộ binh chiếm giữ. Khi bị ta tiến công, địch có thể cơ động lực lượng hỗ trợ, đồng thời huy động cả pháo binh, không quân trực tiếp chi viện.
Ngay khi triển khai cuộc hành quân, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương liền tổ chức họp báo loan tin: “Với trận tiến công Hòa Bình, ta đã gây khó khăn lớn cho đối phương. Tiến công Hòa Bình có nghĩa là chúng ta đã bắt buộc đối phương phải xuất trận. Trận đánh Hòa Bình sẽ có ảnh hưởng quốc tế lớn” (Hồi ký tướng Salan - người trực tiếp được giao chỉ huy cuộc hành quân chiếm đóng Hòa Bình năm 1951).
Đập tan kế hoạch của địch - Bước chuyển quan trọng của cục diện chiến tranh
Về phía ta, sau thắng lợi chiến dịch Biên giới (Thu Đông 1950), từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1951, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở tiếp một số chiến dịch tiến công (Vĩnh Yên, Đường số 18, Hà Nam Ninh,...) nhưng hiệu quả thấp; ta bị tiêu hao một phần lực lượng. Trong khi đó, tại vùng địch tạm chiếm và vùng du kích, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn. Trước sự càn quét, đánh phá quyết liệt của kẻ thù, nhiều cơ sở chính trị, vũ trang địa phương bị vỡ, phải bật khỏi căn cứ rút ra vùng tự do. Tổng quân số của ta lúc này có hơn 253.000 quân. Chất lượng chiến đấu đã được củng cố một bước, nhưng chưa đồng đều. Để khắc phục tình hình, tháng 10 năm 1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua kế hoạch hoạt động Đông Xuân 1951 - 1952, chủ trương đưa một số đại đoàn về hoạt động vùng sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, trọng điểm là vùng hữu ngạn sông Hồng. Thời gian hoạt động dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 12 năm 1951.
Trong lúc bộ đội ta đang tích cực chuẩn bị chiến trường ở đồng bằng Bắc Bộ, thì nhận được tin thực dân Pháp mở cuộc hành quân lớn chiếm đóng Hòa Bình. Trung ương Đảng họp bàn nhận định: Quân Pháp tiến ra Hòa Bình, lực lượng sẽ bị phân tán, công sự chưa vững chắc, địa hình không thuận lợi, đây là cơ hội tốt cho ta tiêu diệt sinh lực của chúng. Hơn nữa, việc địch tập trung lực lượng vào mặt trận Hòa Bình sẽ tạo nên những sơ hở ở vùng đồng bằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta”!
Từ nhận định trên, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng 3 đại đoàn chủ lực (308, 312, 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351 cùng lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch tiến công Hòa Bình; đồng thời sử dụng 2 đại đoàn chủ lực (320, 316) phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương mở đợt hoạt động đánh phá thủ đoạn bình định của địch ở đồng bằng Bắc Bộ ngay vùng sau lưng địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị phân công làm Tư lệnh, phụ trách Bí thư Đảng ủy chiến dịch Hòa Bình. Phương châm tác chủ yếu của chiến dịch là “đánh điểm, diệt viện”.
Chiến dịch tiến công Hòa Bình bắt đầu từ ngày 10/12/1951 và kết thúc vào ngày 25/2/1952. Trong gần 3 tháng, bộ đội ta liên tiếp tấn công địch ở tuyến sông Đà và Đường số 6, vây hãm địch ở Thị xã Hòa Bình. Phối hợp với mặt trận chính diện (Hòa Bình), trên chiến trường vùng sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, các đơn vị chủ lực ta phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương kết hợp tác chiến với nổi dậy phá tề trừ gian, phát triển chiến tranh du kích, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khôi phục và mở rộng nhiều căn cứ du kích, trong đó có cả ở những vùng sâu địch tạm chiếm. Trước tình thế khó khăn và nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23/2/1952, quân Pháp buộc phả rút khỏi Hòa Bình.
Chiến dịch tiến công Hòa Bình kết thúc thắng lợi. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 địch, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu, xuồng, phá hủy 12 khẩu pháo, hàng trăm xe vận tải, thu 24 khẩu pháo, gần 800 súng các loại...; giải phóng khu vực Hòa Bình - Sông Đà, giữ vững đường giao thông liên lạc giữa căn cứ địa Việt Bắc với các liên khu III, IV, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của thực dân Pháp. Riêng tại mặt trận vùng sau lưng địch, ta đã diệt 15.000 tên, tiêu diệt, bức hàng, bức rút hơn 1.000 đồn bốt. Đây là thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược, góp phần làm xoay chuyển cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho cách mạng. Chiến dịch lịch sử này đồng thời cũng là cuộc tập dượt lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị cho chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954; góp phần khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh rất độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng.
Đối với thực dân Pháp, thất bại tại mặt trận Hòa Bình (Đông Xuân 1951 - 1952) càng đẩy chúng lún sâu hơn vào thế bị động về chiến lược. Trong hồi ký của mình, tướng Nava - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (1953 - 1954) sau này thừa nhận: “Chúng ta (Pháp) đã bị thiệt hại nặng nề về chiến lược, không thu được một kết quả quyết định nào. Chiến dịch Hòa Bình đã giam chân các binh đoàn chủ lực cơ động tinh nhuệ của ta ở xa đồng bằng trong một thời gian dài. Do đó đã tạo thế lợi cho đối phương (Việt Minh) đưa được các binh đoàn chủ lực lọt vào đồng bằng hoạt động. Đối phương đã giành được thắng lợi quan trọng”./.
Thiếu tá, TS Trần Hữu Huy - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam