Cách đây 70 năm, ngày 12/12/1952, dù bị tra tấn, giam cầm trong điều kiện nhà tù vô cùng khắc nghiệt, dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy Nhà tù Côn Đảo, với ý chí tự giải phóng, những tù nhân cộng sản đã tìm mọi cách vượt ngục trở về đất liền hoạt động cách mạng. Cuộc vượt ngục mặc dù không thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thể hiện ý chí kiên cường, khát vọng sống và tiếp tục cống hiến cho Đảng của những người tù Côn Đảo
Côn Đảo là một nhà tù lớn do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862 để giam cầm, đày ải những chiến sỹ yêu nước và cách mạng. Với 113 năm tồn tại, Nhà tù Côn Đảo trở thành nhà tù lớn nhất, dã man nhất của thực dân Pháp. Nơi đây ghi dấu những tội ác tàn bạo của kẻ thù, đồng thời là một minh chứng sáng ngời về sự kiên cường, ý chí tự giải phóng mãnh liệt vượt qua song sắt nhà tù trở về hoạt động cách mạng, không khuất phục trước bất cứ thủ đoạn tra tấn nào của thực dân, đế quốc.
Từ năm 1952, trên chiến trường Việt Nam, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, bắt bớ và thực hiện chích sách tù nhân khăc nghiệt, bóp nghẹt những người tù. Tại Nhà tù Côn Đảo, từ tháng 2/1952, thực dân Pháp đày ra Côn Đảo hàng trăm người tù yêu nước và cách mạng.
Trước chế độ nhà tù hà khắc, tù nhân bị đánh đập, bỏ đói, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo chủ trương đấu tranh đòi quyền sống hằng ngày, đòi thực hiện đúng quy chế, đối xử với người tù theo công ước quốc tế. Tư tưởng tự giải phóng được Đảng bộ nhà tù tuyên truyền đến các trại giam và ngày càng thấm sâu trong tư tưởng của mỗi người tù.
Để thực hiện ý tưởng đó, Đảng bộ nhà tù và Liên đoàn tù nhân kháng chiến đẩy mạnh công tác binh vận, địch vận, làm trong sạch đội ngũ tù nhân, tăng cường đoàn kết những người tù với nhau. Phương án bạo động giải thoát là mục tiêu số một được truyền đến đông đảo người tù. Đoàn tù ở căng Đoạn Xá – Hải Phòng do đồng chí Đoàn Duy Thành làm Bí thư Chi bộ đã xây dựng phương án đục tường vượt ngục nhưng chưa thục hiện được. Khi bị đày ra Côn Đảo, anh em tù nhân lại tổ chức lực lượng định cướp tàu địch nhưng không thành công. Từ những ý tưởng nhen nhóm ấy, trong những ngày tháng bị giam cầm trong ngục tù tăm tối, bị tra tấn cực khổ lại càng thôi thúc anh em tù nhân Côn Đảo phải tự trang bị mọi mặt để giải thoát.
Thời cơ cho việc vượt ngục xuất hiện khi tháng 2/1952, Giám đốc nhà tù Jarty cho 2 kíp tù lao động khổ sai để nâng cấp hệ thống giao thông trên đảo từ Sở Đá đến mũi Cá Mập và ra Bến Đầm. Để mở 2 tuyến đường đó, cai tù phải huy động 200 tù nhân, chia thành 2 kíp lao động, ăn ngủ tại chỗ từ sáng đến tối. Chính việc 200 người tù được đưa ra khỏi trại giam đã mở ra một cơ hội lớn cho việc giải thoát tù nhân.
Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đồng (thứ hai từ trái sang) và các chiến sĩ bộ đội địa phương huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng năm 1948. Ông bị bắt và đày ải ra Nhà tù Côn Đảo, tham gia chuyến vượt ngục không thành ngày 12/12/1952 (Ảnh tư liệu)
Trước tình thế đó, Đảo ủy Côn Đảo thảo luận và đi đến khẳng định: “Thời cơ cho một cuộc vượt ngục trên quy mô toàn đảo đã xuất hiện”[1].
Sau khi phân tích tình hình và nắm vững thời cơ thuận lợi đã đến, Đảo ủy nhanh chóng đề ra phương án vũ trang bạo động chiếm đảo.
Về lực lượng, Đảo ủy nhận định tù nhân có lực lượng đông hơn gấp 10 lần bộ máy cai trị nhà tù và có tinh thần tốt, đa số là những người đã vào sinh ra tử, có ý chí cách mạng cao, có tổ chức, kỷ luật, luôn nung nấu ý chí vợt ngục trở về với phong trào. Do đó, Đảo ủy đề ra một phương án vũ trang bạo động chiếm đảo: Kíp làm đường ở Bến Đầm là lực lượng chủ công, có nhiệm vụ bí mật làm thuyền bè và cất giữ, khi có mệnh lệnh thì nhanh chóng bắt sống toàn bộ binh lính tại chỗ, không nổ súng để giữ bí mật, phối hợp với kíp rải đá để tiến hành. Kíp rải đá ở mũi Cá Mập có nhiệm vụ phối hợp hành động cùng với kíp Bến Đầm để bắt sống binh lính. Sau đó, hai kíp sẽ cải trang lên xe ô tô về trung tâm đảo phối hợp với tù án đánh chiếm dinh Chúa Đảo và đài vô tuyến điện, chiếm các phương tiện vận tải. Các đơn vị còn lại có nhiệm vụ tiêu diệt, khống chế cai ngục, binh lính tại chỗ và chi viện các mũi tiến công khác.
Đảo ủy còn dự liệu các tình huống xảy ra như khi cuộc vũ trang chiếm đảo theo đúng kế hoạch thì các phương tiện vận tải tàu thuyền sẽ đưa toàn bộ tù binh về đất liền, trường hợp không đủ phương tiện sẽ đi từng bộ phận. Đảo ủy tiến hành phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí trong Đảo ủy: Đồng chí Lê Văn Hiến (tức Văn) - Bí thư Đảo ủy, chỉ đạo trực tiếp 2 kíp lao động ở Bến Đầm và Mũi Cá Mập; đồng chí Phan Du (cán bộ Quân khu 3) trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang ở Bến Đầm và Mũi Cá mập; đồng chí Hoàng Tiễn – Phó Chỉ huy Bến Đầm, làm Đại đội trưởng Quyết Thắng…
Với kế hoạch được chuẩn bị như vậy, Đảo ủy chỉ đạo tù nhân trong các khám tù tranh thủ mọi thời gian có thể, mọi lúc, mọi nơi, mỗi người một nhiệm vụ tích cực chuẩn bị cho cuộc tự giải phóng. Chỉ bằng các phương tiện thô sơ như khoét đất bằng muôi xúc cơm, bằng những mẩu tôn, chuyển đất lên bằng áo quần, rổ rá tự chế,…suốt những đêm dài ròng rã, cần mẫn, cẩn trọng, mò mẫm trong lòng đất, những người tù đã đào vận chuyển được hàng trăm mét khối đất, đưa vào hàng chục mét khối gỗ để chống hầm. Sự kết tinh công sức ngày đêm của anh em tù nhân đã chế được 5 con thuyền bằng gỗ, cạp phên mây, bọc vải, quét sơn và nhựa đường và được mang đi giấu kín ở những căn hầm bí mật. Việc mua sắm các nguyên liệu trong bối cảnh thiếu thốn trăm bề, có sự đóng góp không nhỏ của Đoàn tù Hải Phòng với 1 lạng vàng, có ý nghĩa quan trọng.
Sau 6 tháng chuẩn bị lực lượng và phương tiện, kế hoạch cuộc vượt ngục được hoàn tất và dự kiến thực hiện vào ngày 12/12/1952.
11 h ngày 12/12/1952, tại Bến Đầm, đồng chí Phan Du chỉ huy đã vung chiếc khăn lệnh màu trắng cùng với tiếng hô xung phong phát lệnh tiến công. Đại đội Quyết Thắng với 28 tổ 3 người nhanh chóng áp sát 28 tên lính, trói gọn chúng. Tại mũi Cá Mập, cuộc nổi dậy diễn ra không đúng kế hoạch, nên Đảo Ủy quyết định dùng phương án 2 chỉ giải thoát một bộ phận nổi dậy là 2 kíp lao động tại Bến Đầm và mũi Cá Mập với 200 tù nhân. Đến 4 giờ chiều, một đoàn thuyền gồm 5 chiếc đã xuất phát, nhưng do bị gió chướng đổi hướng, trong đêm tối, thuyền bị vỡ và ngấm nước, rò rỉ, một số anh em tự nguyện hy sinh lặng lẽ lao xuống biển. Ngày 13/12, máy bay và tàu chiến Pháp truy đuổi bắt lại 117 người, số còn lại 81 người chết và mất tích.
Mặc dù không thành công, nhưng đây là cuộc vượt ngục lớn nhất trong lịch sử nhà tù Côn Đảo, có ý nghĩa to lớn, thể hiện tinh thần tiến công cách mạng, dám nghĩ dám làm trong những điền kiện vô cùng khó khăn khốc liệt cả về con người và thiên nhiên.
Trong đêm tối ngục tù, bị đày ải cả về thể xác và tinh thần, ý chí cách mạng đem sức ta mà tự giải phóng cho ta vẫn được thổi bùng lên trong trái tim của những người tù yêu nước tại nhà tù Côn Đảo. Từ sau cuộc vượt ngục, thực dân Pháp và cai tù phải nới lỏng một số chính sách đối với tù nhân. Cuộc vượt ngục cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý cho anh em tù nhân tại nhà tù Côn Đảo cũng như các nhà tù, trại giam khác trên cả nước.
70 năm đã trôi qua, nhưng lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu quật cường, sẵn sàng hy sinh cao cả vì cách mạng, vì độc lập của Tổ quốc của những người tù cộng sản và yêu nước tại nhà tù Côn Đảo, mãi là bản thiên hùng ca vĩ đại, nhắc nhở thế hệ chúng ta ý chí đấu tranh vì độc lập của dân tộc, thống nhất non sông, dù phải quên mình hy sinh vì quê hương, đất nước.
Minh Dương
[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh –Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr 310.