Dung lượng thị trường nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc dự báo có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, đây là cơ hội lớn xuất khẩu trái sầu riêng của Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Trong số 23 địa phương của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này, Tiền Giang là địa phương có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lớn nhất cả nước, tiếp đến là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước…
Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, ngoài giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng, các nhà vườn, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.
“Với mỗi thị trường nhập khẩu hiện nay đều có các yêu cầu cụ thể về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,… mỗi quốc gia có yêu cầu khác nhau về các thông tin này. Thông tin về nông sản nhập khẩu sẽ được kiểm soát từ khâu sản xuất, kinh doanh, thu hái đến khi xuất khẩu đều phải đưa vào trong hệ thống dữ liệu để quản lý”, ông Đạt nói.