Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý mà nhân dân đặt tên, dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Hiếm có quốc gia, dân tộc nào mà nhân dân lại lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình để đặt tên cho người chiến sĩ như vậy.
Danh hiệu này có ý nghĩa như thế nào đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội. Và mỗi người lính cần phải làm gì để giữ vững danh hiệu cao quý này? Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý mà nhân dân yêu mến, đặt cho cán bộ, chiến sĩ quân đội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, theo ông, việc giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đang đặt ra những yêu cầu gì?
PGS, TS Bùi Đình Phong: Muốn tiếp tục phát huy danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ”, theo tôi, thứ nhất là vẫn phải tiếp tục nghiên cứu cho đầy đủ những giá trị tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách của Bác Hồ. Bởi vì ai cũng biết, Bác Hồ là người sáng lập quân đội nhưng đồng thời Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến quân đội, xây dựng quân đội về chính trị, quân sự, về tổ chức.
Thứ hai, mỗi một cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam cần phải tăng cường tu dưỡng, rèn luyện, học tập cả về mặt chính trị, cả về mặt chuyên môn, về mặt văn hóa và đặc biệt là rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày.
Và một điều tôi cho là rất quan trọng, đã nói đến Bộ đội Cụ Hồ có nghĩa là phải phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phải luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Vì vậy, để tiếp tục phát huy và xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam trên cương vị của mình, đã giao nhiệm vụ gì thì phải làm cho hoàn thành, không những hoàn thành mà phải làm tốt trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, kể cả trong lúc thuận lợi, khó khăn. Chỉ có như vậy chúng ta mới tiếp tục giữ được và phát huy được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, với danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.
PV: Thời gian vừa qua, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã có mặt trên trận tuyến chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, và đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ông có cho rằng, những việc làm đó đã làm sáng ngời thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới?
PGS.TS Bùi Đình Phong: Tôi hoàn toàn đồng tình với đánh giá như trên. Mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi thời kỳ, quân đội có những nhiệm vụ cụ thể, nhưng mối quan hệ quân - dân thì không thay đổi. Quân đội nhân dân thì phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mang lại đời sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thời gian vừa qua khi một số vùng bị thiên tai như lũ lụt, sạt sở đất ở các tỉnh phía Bắc hay lũ lụt ở miền Trung, đúng là Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội nhân dân, bơi giữa lũ lụt, chấp nhận hy sinh để cứu dân. Sự hy sinh đó cũng không kém gì sự hy sinh trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm trước đây. Đó là một hình ảnh rất đẹp, hình ảnh đó mãi mãi khắc sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Có thể nói, quân đội chúng ta là quân đội nhân dân, quân dân như cá với nước. Cho nên chúng ta phải phục vụ nhân dân, để ở đâu có bóng dáng của quân đội là ở đó nhân dân có niềm tin. Qua thực tiễn, hành động, qua tấm gương, qua những việc làm cụ thể như vậy thì chúng ta mới có thể chiến thắng được âm mưu chia rẽ của các lực lượng phản động.
PV: Để chống phá quân đội, một số đối tượng đưa ra quan điểm cho rằng, quân đội chỉ cần trung thành bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân mà không cần phải đặt dưới sự lãnh đạo của bất kỳ một tổ chức nào? Ông có bình luận gì với quan điểm này?
PGS.TS Bùi Đình Phong: Luận điểm này không có gì mới cả. Nếu có chăng thì chỉ là xáo xào lại hoặc là dùng những từ ngữ khác. Chúng ta phải trở lại toàn bộ tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, trước khi Đảng ra đời, cách mạng gần như là đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nhưng bắt đầu dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn, cũng có những lúc tưởng chừng như không vượt qua được.
Ví dụ như thời kỳ 1930 - 1931, thời kỳ 1932 - 1935 bị thoái trào; như thời kỳ ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng phải nói rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với một đường lối chính trị đúng đắn thì chúng ta đã vượt qua các khó khăn đó, và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quân đội chúng ta là do Đảng sáng lập, là quân đội của nhân dân, cho nên không thể nói là quân đội không cần sự lãnh đạo của Đảng, không cần tổ chức gì cả. Đó là những quan điểm nhằm bóp méo, nhằm hướng chúng ta sang một hướng khác mà thôi.
PV: Xin cảm ơn ông.