Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn trên dải đất hình chữ S. Để có được hòa bình, độc lập, tự do hôm nay đã có hơn 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc ngã xuống, hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc và hàng vạn thương binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên những người đã xả thân vì nước.
Hàng năm, không chỉ vào dịp 27/7, các cấp, các ngành đã luôn tổ chức các hoạt động tri ân đền ơn đáp nghĩa tới 9,2 triệu người có công trên khắp cả nước, bao gồm các gia đình liệt sĩ, thương binh, thanh niên xung phong, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta từ ngàn đời nay.
Thế nhưng, một số đối tượng vẫn không ngừng chống phá, xuyên tạc bản chất, ý nghĩa của sự chăm lo đó, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây tổn thương tới các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công.
Phóng viên VOV phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu – nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng về nội dung này.
PV: Qua theo dõi, ông nhận thấy luận điệu mà các đối tượng thường lợi dụng xuyên tạc chống phá về chính sách đối với người có công hiện nay là gì?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Có lẽ thành tính hệ thống xưa nay, cứ mỗi lần vào dịp 27/7, ngày mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ, thì phần tử chống đối, phần tử cơ hội có những hoạt động, luận điệu chống phá trên nhiều mặt.
Họ cho rằng, việc thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công là một gánh nặng cho nền kinh tế.
Tôi cho rằng, đó là luận điệu xấu, mang nặng tư tưởng thù địch, vu khống một cách trắng trợn chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta. Luận điệu đó làm chia rẽ đoàn kết toàn dân và làm chia rẽ mối quan hệ giữa đối tượng chính sách với chính quyền cơ sở, địa phương.
PV: Có luận điệu nói rằng, kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó có gánh nặng chi trả cho người có công. Ông nghĩa sao về điều này?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Sau nhiều năm chiến tranh từ kháng chiến chống Pháp sang kháng chiến chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc, trải qua cuộc trường chinh gian khổ, quân đội ta, nhân dân ta đã có sự hy sinh to lớn. Có thể nói, đi đến vùng quê, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, cũng như có các đối tượng chính sách.
Tỷ lệ thương binh, liệt sĩ trên dân số, có lẽ đất nước này có tỷ lệ cao nhất so với các nước khác. Điều đó là một thực tế. Mặc dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nền kinh tế chưa phát triển, khả năng tài chính còn khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta đã dành một phần kinh phí đáng kể để phục vụ chăm sóc vấn đề này.
Kẻ địch, phần tử cơ hội cho rằng, việc thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công là một gánh nặng cho nền kinh tế, điều đó là không đúng. Chúng ta mặc dù dành một phần lớn chính sách nhằm động viên nhân dân như thế nhưng không bao giờ cho đó là gánh nặng, mà đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với những người có công trong chiến tranh.
Nếu chúng ta không thực hiện tốt chính sách, sẽ khiến bất bình, bất mãn trong đời sống, trong tư tưởng thì sự cản trở đối với nền kinh tế còn lớn hơn. Nếu chúng ta thực hiện không tốt thì đó mới là gánh nặng. Còn thực hiện tốt, động viên được vai trò của các tầng lớp xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế góp sức để chăm sóc đối tượng chính sách tốt hơn thì đó không phải là gánh nặng mà là động lực, góp phần cho nền kinh tế.
PV: Chúng ta cần làm gì để việc tri ân những người có công, gia đình chính sách thật sự phát huy bản chất nhân văn của dân tộc?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Ở địa phương nào đó hay ở thời điểm nào đó, việc tổ chức thực hiện các chính sách không chu đáo, không kịp thời, không nghĩa tình và bản thân người làm công tác chính sách có hiện tượng tiêu cực… làm kẽ hở cho các phần tử cơ hội chính trị, phần tử chống đối xuyên tạc.
Chỉ có cách chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với mọi hiện tượng tiêu cực trong việc tổ chức thực hiện chính sách và trong công tác chính sách. Làm sao để triệt tiêu những tiêu cực như tham nhũng, ăn bớt tiền của đối tượng chính sách, hay hiện tượng thương binh giả - dù ít nhưng vẫn còn xuất hiện.
Về hiện tượng thương binh giả, tôi cho rằng, đây là một biểu hiện tham nhũng cả về chính trị lẫn kinh tế. Về chính trị, đã biến người không có công thành người có công; về kinh tế, chính là ăn cắp tiền của Nhà nước, của nhân dân, làm cho đối tượng chính sách, người có công thật bất bình.
Vì vậy, một mặt chúng ta phải giáo dục, kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện chính sách ở các cấp, không để tiêu cực xảy ra; đồng thời tìm mọi cách ngăn chặn, giảm một cách tối thiểu hiện tượng thương binh giả.
PV: Từng là Cục trưởng Cục chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, ông thấy việc hiện thực hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng chính sách đối với người có công trong những năm qua như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu, Bác đã có thư gửi ngành chính sách và Bác chủ trương chọn ngày 27/7 là ngày Thương binh, Liệt sĩ. Chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công thực chất là kế thừa truyền thống văn hóa “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.
Ngay lúc kháng chiến và sau kháng chiến, Bác luôn quan tâm tới chính sách đối với thương binh, liệt sĩ; Đảng, Nhà nước ta coi đây là chính sách nhất quán trong toàn thể chính sách. Trong mọi hoàn cảnh, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, tài chính còn eo hẹp nhưng Đảng ta vẫn luôn dành nguồn lực để thực hiện chính sách và giáo dục, động viên toàn dân coi việc thực hiện chính sách là đạo lý, nghĩa vụ, quyền lợi, là tình cảm đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với đất nước.
PV: Cùng với nỗ lực của toàn Đảng, Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân trong công tác đền ơn đáp nghĩa, ở một vài nơi vẫn có một số bất cập trong thực hiện chính sách với thương binh, gia đình liệt sĩ. Phải chăng hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi người có công cũng cần được hoàn thiện hơn nữa?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Mọi chính sách đều xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người. Chúng ta từng bước hoàn thiện chính sách nhưng không bao giờ nói rằng chính sách đó đã hoàn thiện đầy đủ. Cho nên việc nghiên cứu chính sách để phù hợp với thực tiễn khách quan, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và phù hợp với việc tổ chức thực hiện ở địa phương là vấn đề cần thường xuyên nghiên cứu, hoàn chỉnh, bổ sung, sửa đổi.
Đồng thời, không để tạo ra những kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, không để kẽ hở cho các hiện tiêu cực. Cho nên, khi còn công tác, tôi thường nhắc anh em khi viết văn bản chính sách bao giờ cũng thực hiện 6 chữ vàng" “chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu”.
Văn bản chính sách khác với các văn bản khác, đòi hỏi chính xác, không phải chỉ là định hướng mà là định lượng. Ngắn gọn là không đa nghĩa, không được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau; dễ hiểu là làm thế nào để từ ông tiến sĩ đến người không biết chữ đều hiểu như nhau.
PV: Trong quá trình thực hiện chính sách, vẫn có những cán bộ thực thi chưa đúng, trở thành những con sâu làm rầu nồi canh. Những trường hợp đó cần kiên quyết xử lý để không làm ảnh hưởng đến chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận của nhân dân về công tác đền ơn đáp nghĩa, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Trong tổ chức thực hiện chính sách, dù ít thôi nhưng vẫn xảy ra hiện tượng tiêu cực. Theo tôi, muốn ngăn cấm việc này thì mọi chính sách phải được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm mọi chính sách của Đảng, Nhà nước và của quân đội phải được tổ chức thực hiện kịp thời, chính xác đến từng đối tượng, từng gia đình.
Đồng thời kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc trường hợp thương binh giả. Bởi vì trong thực tế có trường hợp bị tai nạn lao động, từ người không có công trở thành người có công, không phải thương binh lại thành thương binh, những trường hợp này phải nghiêm khắc xử lý.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!