Dịp Tết Trung thu năm nay thật đặc biệt và cũng trong môi trường đặc biệt tại các bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế thu dung, điều trị cho trẻ mắc COVID-19, các em nhỏ đang điều trị bệnh cũng như đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua đại dịch khi đón nhận Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu:
“Trung thu là dịp các cháu được hoà vào không khí vui tươi đầm ấm, quây quần bên cha mẹ, ông bà, vui chơi phá cỗ, trông trăng. Tuy nhiên, ở một số địa phương trên cả nước, nhiều cháu đón Tết Trung thu trong khu cách ly hay đang cùng gia đình thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch COVID-19. Bác rất xúc động khi nhiều cháu tuổi còn nhỏ nhưng đã trở thành những "chiến sĩ tí hon" dũng cảm, tự lập trong điều kiện xa gia đình để thực hiện cách ly; cha, mẹ, người thân phải tạm xa các cháu để thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Bác cũng rất vui mừng và ngợi khen các cháu đã biết vượt qua khó khăn, chăm ngoan, đạt kết quả tốt trong học tập, xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và xã hội”.
Tết Trung thu năm nay, vì dịch bệnh nên nhiều đứa trẻ tiếc nuối vì không được cùng bố mẹ, người thân, bạn bè đi chợ mua đèn ông sao, đồ chơi, bánh Trung thu... Đường làng, ngõ phố không có tiếng trống múa sư tử, múa lân, rước đèn ông sao rộn ràng như mọi năm. Dẫu vậy, trẻ em vẫn háo hức đón Tết Trung thu trong bối cảnh dịch bệnh. Đâu đó vẫn ngân lên câu hát từng in đậm trong ký ức tuổi thơ và ký ức của bao thế hệ người Việt Nam: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/Em rước đèn đi khắp phố phường...” ấm áp lòng người.
Tại nhiều bệnh viện, cơ sở điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh, dù trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, đèn ông sao, trái cây, bánh kẹo, sữa… được chính quyền địa phương, các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, các nhà hảo tâm trao tận tay các em. Mặc dù phải mang trên mình những bộ đồ bảo hộ và tuân thủ theo nguyên tác 5K, các tình nguyện viên vẫn hăng hái, nhiệt tình tổ chức cho các em một Tết Trung thu thật đặc biệt là đầy ý nghĩa.
Với bàn tay khéo léo của các tình nguyện viên, các y bác sĩ, nhân viên y tế, mâm cỗ Tết Trung thu được trang trí thật vui mắt với những quả bưởi được tỉa thành hình những con vật ngộ nghĩnh, quả dưa hấu được cắt tỉa thành những bông hoa xinh xắn... Các em lại được rước đèn, phá cỗ được nghe kể về sự tích cây đa, về chú cuội, chị Hằng trong không khí Trung thu thật ấm áp.
Những năm trước, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, cứ vào đầu tháng 8 âm lịch hàng năm, từ các phố phường sầm uất, đến các thôn xóm hẻo lánh, đâu đâu cũng bày bánh và đồ chơi Trung thu cho trẻ em. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các cửa hàng bày bán bánh Trung thu và đồ chơi cho trẻ chỉ lác đác tại những địa bàn “vùng xanh”. Tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các em nhỏ không được tập trung để xem múa lân, rước đèn ông sao, phá cỗ, nhưng không vì thế mà làm giảm niềm vui háo hức cũng như sự chờ đợi của trẻ thơ về Tết Trung thu.
TP Hồ Chí Minh, địa phương chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc vẫn dành sự quan tâm cao nhất, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ trẻ em là con em của những người đang ở tuyến đầu chống dịch; trẻ em có cha, mẹ, người nuôi dưỡng mất vì COVID-19; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em là người dân tộc thiểu số; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày. Thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp hỗ trợ, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị nhiễm bệnh, trẻ em phải cách ly y tế, trẻ em không có cha, mẹ và người thân chăm sóc do đại dịch COVID-19...
Dù đã nỗ lực dành sự quan tâm cao nhất cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo khi đại dịch COVID-19 đã đẩy biết bao em nhỏ vào cảnh mồ côi, bị ảnh hưởng tâm lý, tổn thương tinh thần do dịch bệnh kéo dài. Thật đáng lo ngại, nhiều trẻ mồ côi thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, người thân có thể bị những đe dọa khác như thiếu ăn, gián đoạn học tập, dễ bị dụ dỗ... ảnh hưởng đến sự phát triển, an sinh của các em.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 23/QĐ-TTg về hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch, trong đó có đề cập việc hỗ trợ trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế. Vấn đề quan trọng là phải khẩn trương áp dụng các chính sách hỗ trợ này để đảm bảo trẻ em không bị đói khát, thiếu thốn đồ dùng sinh hoạt, học tập. Các tổ chức chính trị, xã hội cơ sở, chính quyền các cấp, ngành lao động và y tế cần phải khẩn trương thống kê đầy đủ, không bỏ sót đối tượng để có chính sách tích cực, khẩn cấp hỗ trợ, chăm sóc cho từng nhóm trẻ.
Phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho các em cả trước mắt và lâu dài, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc những đứa trẻ không có người thân, cần được ưu tiên lúc này. Sự quan tâm sâu sát, kịp thời của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, mặt trận tổ quốc từ Trung ương tới địa phương, sự chung tay của toàn xã hội và các nhà hảo tâm, chính là tiền đề để giúp các em sớm vượt qua nỗi đau mất mát, bắt nhịp với đời sống xã hội.
Nguồn TTXVN