Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp lớp thanh niên Ứng Hòa hăng hái lên đường nhập ngũ, nguyện hiến dâng thanh xuân và cuộc đời mình cho Tổ quốc, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Trong số đó, có những tấm gương chiến đấu tiêu biểu, tô đậm thêm truyền thống anh dũng của quê hương, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận
Anh hùng Trịnh Tố Tâm
Anh hùng Trịnh Tố Tâm sinh ra và lớn lên tại thôn Mỹ Cầu, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà. Năm 1965, khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam, Trịnh Tố Tâm đang là học sinh, đã tình nguyện tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”.
Không lâu sau, chàng trai trẻ Trịnh Tố Tâm viết đơn xin gia nhập quân ngũ, tình nguyện vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam, được điều động vào chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế ác liệt, với nhiệm vụ của chiến sĩ công binh.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, Trịnh Tố Tâm đã cùng với đồng đội phá cầu, chặn đường lật đổ những đoàn tàu địch. Ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ phá cầu, ngăn đoàn tàu địch, anh luôn bám sát dân, lăn lộn với phong trào, tích cực tham gia xây dựng cơ sở quần chúng. Anh cùng với lực lượng vũ trang địa phương, mưu trí, dũng cảm giết giặc lập công. Đặc biệt, với tinh thần của người con quê hương anh hùng, anh luôn tìm ra nhiều cách đánh sáng tạo khiến cho kẻ thù bất ngờ - mà đồng đội anh thường gọi là “Trăm trận đánh, trăm cách thắng”. Đoạn đường bộ và đường sắt từ Phú Lộc qua Thổ Sơn, Lăng Cô rồi vắt qua đèo Hải Vân là đoạn đường huyết mạch của kẻ thù. Thấy được vị trí hiểm yếu và quan trọng nên anh cùng đồng đội tìm cách đánh phá gây khó khăn và sự tổn thất cho phía địch. Năm 1968, có lần Trịnh Tố Tâm đi trinh sát 3 đêm liền về đến Hải Vân, phát hiện giặc Mỹ đi tuần, gần sáng thường co cụm tại một điểm cao cạnh đường nên anh đã dẫn một tổ lên đặt mìn ở đó, tiêu diệt và làm bị thương 60 tên địch. Đầu năm 1970, anh Trịnh Tố Tâm là Đại đội phó, anh đã phán đoán chính xác nơi địch đổ quân và chủ huy đơn vị đặt mìn vào cụm quân Mỹ đổ quân, diệt hai trung đội, phá hủy hai máy bay lên thẳng.
Từ năm 1967 đến năm 1970, Trịnh Tố Tâm tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, anh đã trực tiếp chỉ huy đánh 58 trận, cùng đồng đội tiêu diệt hơn 1.500 tên địch, phá huỷ 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa, đánh sập 28 cầu. Riêng Trịnh Tố Tâm, bằng sự mưu trí, dũng cảm, anh đã tiêu diệt 272 tên địch trong đó có 185 tên Mỹ, bắn rơi và phá huỷ 3 máy bay lên thẳng.
Với những thành tích đó, anh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công giải phóng (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 2 hạng Ba) và 53 lần đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Ngày 20/9/1971, Trịnh Tố Tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình anh mà còn là niềm tự hào của lớp lớp các thế hệ, tô thắm truyền thống anh hùng của quê hương Ứng Hòa.
Quê hương và đất nước mãi tự hào về Anh hùng Trịnh Tố Tâm - người đã cống hiến và hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng quê hương, năm 2020, huyện Ứng Hòa đã tổ chức đúc tượng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm đặt tại trường THPT Ứng Hòa B - như một sự ghi nhớ và trao gửi thông điệp về phát huy truyền thống anh hùng đến các thế hệ trẻ mai sau.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với anh hùng Trịnh Tố Tâm (bên trái) (Ảnh TTXVN)
Anh hùng Nguyễn Trường Xuân
Anh hùng Nguyễn Trường Xuân sinh ra và lớn lên tại xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa. Trước cảnh đất nước bị đế quốc Mỹ xâm lược, anh thanh niên Nguyễn Trưởng Xuân tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ.
Năm 1965, sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh tại Sư đoàn 320, anh được điều về làm nhiệm vụ trắc thủ góc tà thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 66, Trung đoàn Tên lửa 275.
Làm chiến sĩ tân binh được một thời gian ngắn, đến tháng 11/1971, anh chuyển sang làm sĩ quan điều khiển. Đây là tình huống hoàn toàn bất ngờ, bởi lúc đó anh được đơn vị cử làm nhiệm vụ thay thế cho đồng đội của anh đi học ở Liên Xô. Mặc dù chưa được đào tạo bài bản, nhưng với tinh thần và ý chí quyết tâm, ngày đêm kiên trì tự mày mò anh đã nhanh chóng nắm vững kỹ thuật, sử dụng thành thạo trang bị, khí tài. Thậm chí, trong những tình huống phức tạp như: nhiều nhiễu, cùng một lúc máy bay địch bay vào nhiều hướng, nhiều loại, anh vẫn bình tĩnh xử lý.
Sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời của anh hùng Nguyễn Trường Xuân chính là trận đánh máy bay B52 vào rạng ngày 26/4/1972 trên bầu trời Thanh Hóa. Mặc dù lúc đó mới nhận nhiệm vụ và trong tình huống đầy bất ngờ, nhưng Nguyễn Trường Xuân đã cùng với đồng đội hiệp đồng chặt chẽ và bắn rơi được 1 máy bay B52 của Mỹ. Kết thúc trận đánh, anh và đơn vị đã được cấp trên biểu dương vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhờ tinh thần tự học, từ một trắc thủ góc tà, Nguyễn Trường Xuân đã trở thành “sĩ quan” điều khiển có kinh nghiệm. Sau trận đầu thắng lợi, anh còn tham gia nhiều trận đánh khác trên bầu trời Thanh Hóa.
Ngày 16/8/1972, nhiều máy bay địch đánh phá khu vực Hàm Rồng (Thanh Hóa), không may là máy đo phương vị bị hỏng, Nguyễn Trường Xuân đã bình tĩnh, tìm cách nhanh chóng sửa chữa được máy, tiếp tục bám mục tiêu, điều khiển tên lửa và hạ được 01 máy bay A7 của Mỹ.
Tiếp đó, ngày 25/10/1972, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận tải ở Thanh Hóa, anh đã phát hiện được mục tiêu từ xa nên điều khiển tên lửa chính xác và hạ được 01 máy bay A7, bảo vệ an toàn cho đoàn tàu chở hàng vào chiến trường.
Sau đó 01 tháng, Nguyễn Trường Xuân với sự bình tĩnh của một trắc thủ tà, đã cùng với đồng đội của mình điều khiển đạn chính xác và bắn rơi được 01 máy bay AD.06 và “gạt” tên lửa địch ra ngoài trận địa.
Từ thời điểm đó đến hết Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Nguyễn Trường Xuân đã tham gia 46 trận đánh, cùng đồng đội tiêu diệt 16 máy bay Mỹ.
Với những chiến công đạt được, Nguyễn Trường Xuân được tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công hạng nhất, 08 Bằng khen và Giấy khen. Ngày 31/12/1973, anh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tấm gương của anh hùng Nguyễn Trường Xuân mãi là niềm tự hào của quê hương Ứng Hòa nói riêng và của dân tộc nói chung. Quê hương, Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ công ơn của anh và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh.
Đồng chí Nghiêm Đình Tích đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Anh hùng Nghiêm Đình Tích
Anh hùng Nghiêm Đình Tích, sinh năm 1946 ở xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa. Như biết bao thanh niên ở quê hương Ứng Hòa thời điểm đó, tháng 8/1964, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Nghiêm Đình Tích xung phong nhập ngũ và đơn vị công tác đầu tiên là Trung đoàn 260 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Đầu năm 1965, Nghiêm Đinh Tích được cử đi học radar P-35. Tháng 8/1965, Nghiêm Đình Tích được điều về Đại đội 45 radar dẫn đường trực thuộc Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân ở vị trí Đài trưởng.
Năm 1965, Mỹ leo thang chiến tranh, dùng máy bay mở rộng đánh phá miền Bắc. Nhiệm vụ của nhân dân miền Bắc là tập trung sức mạnh để đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ, tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đại đội 45 - đơn vị của Nghiêm Đình Tích có nhiệm vụ chủ yếu là dẫn đường cho bộ đội Không quân đánh máy bay trinh sát có người lái, cường kích, tiêm kích nhỏ.
Năm 1966, Đại đội 45 dẫn đường cho không quân đánh máy bay trinh sát tầm cao, máy bay không người lái. Trong 2 năm 1965-1966, anh đã cùng với đơn vị bảo đảm dẫn đường cho bộ đội Không quân đánh máy bay trinh sát chiến lược U-2 ở độ cao 22km và giành chiến thắng trong nhiều trận đánh khác.
Đặc biệt, ngày 4/3/1966, Nghiêm Đình Tích đã cùng đơn vị phát hiện được 3 máy bay trinh sát không người lái BQM-34A ở độ cao 18km, dẫn đường cho Không quân bắn rơi 01 máy bay và bảo đảm cho bộ đội Tên lửa bắn rơi 01 máy nay.
Năm 1967, đế quốc Mỹ tiến hành 5 đợt đánh lớn vào thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, Nghiêm Đình Tích cùng các trắc thủ đã phát hiện mục tiêu, bảo đảm cho các lực lượng bắn rơi hơn 90 chiếc máy bay địch.
Đáng nhớ nhất trong cuộc đời của người anh hùng Nghiêm Đình Tích là trận đánh ở phía Tây Thanh Hóa vào tháng 11/1967. Với mục tiêu đánh phá và mở cuộc đột kích lớn tiến công vào Hà Nội, không quân Mỹ dùng máy bay EB-66 gây nhiễu nặng từ xa. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã lệnh cho Radar dẫn đường để bộ đội Không quân đánh máy bay EB-66. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi công suất gây nhiễu của EB-66 rất lớn, hơn nữa, loại máy bay này vừa bay vừa gây cả nhiễu tích cực (máy phát nhiễu vô tuyến) và cả nhiễu tiêu cực (máy phóng sợi giấy bạc). Với tinh thần chủ động, sáng tạo, rút kinh nghiệm chiến đấu trong những năm tháng trước đó nên Nghiêm Đình Tích cũng với đồng đội nghiên cứu và xác định được tọa độ của máy bay EB-66 khi nó gây nhiễu. Vì xác định được tọa độ chính xác nên đã trợ giúp sĩ quan dẫn đường cho biên đội MiG-21 bắn rơi máy bay EB-66 ở phía Tây Thanh Hóa.
Cuối năm 1969, đơn vị được lệnh cơ động vào Nghệ An, trực tiếp bảo đảm dẫn đường cho không quân đánh địch, chủ yếu là đánh máy bay B-52 và AC-130 trên chiến trường Quân khu 4. Trong thời gian này, Nghiêm Đình Tích cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm dẫn đường cho phi công Vũ Ngọc Đỉnh bắn rơi 01 chiếc máy bay F-4 và 01 chiếc trực thăng của Mỹ.
Đêm 20/11/1971, anh cùng đơn vị bảo đảm dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương 01 chiếc B-52 của Mỹ ở phía Nam Quân khu 4. Tiếp đó, đêm 22/11/1972, Đại đội 45 trực tiếp bảo đảm tình báo cho Trung đoàn Tên lửa 263 bắn rơi 01 máy bay B-52 ở gần biên giới Lào -Thái Lan. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội tên lửa Việt Nam bắn rơi tại chỗ.
Thành tích nổi bật nhất trong cuộc đời quân ngũ của anh hùng Nghiêm Đình Tích là việc anh đã cùng đồng đội “vạch nhiễu”, tìm B-52 trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng năm 1972. Nghiêm Đình Tích đã cùng đơn vị kịp thời xác định và thông báo các tốp B-52 ở phía Tây Nam Đồi Si, Đô Lương, Nghệ An ở cự ly hơn 200km, báo động sớm cho Hà Nội trước 35 phút, để cho nhân dân sơ tán và các lực lượng phòng không - không quân chuẩn bị đối phó với “pháo đài bay” B-52, góp phần cùng quân và dân miền Bắc làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Với thắng lợi giành được trong chiến dịch này, Đại đội 45 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đài trưởng Nghiêm Đình Tích được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Sau này, khi miền Nam giải phóng, Tổ quốc thống nhất, người lính Nghiêm Đình Tích vẫn tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho Quân đội. Dù ở cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày 30/8/2018, Nghiêm Đình Tích được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh trước những đóng góp to lớn của Nghiêm Đình Tích đối với sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước, tô đậm hơn nữa truyền thống vẻ vang của quê hương Ứng Hòa.
Kim Dung