Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước kỳ vọng sau hội nghị - “Đất đai, lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ được chấn chỉnh và tăng cường, phát huy hiệu quả sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Những năm qua, các quyết sách lớn về đất đai của Đảng đã mở ra những đột phá, mang lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy vậy, lĩnh vực đất đai vẫn chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng. “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất… Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng.
Tại BR-VT, công tác quản lý, sử dụng đất đai ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, lập quy hoạch sử dụng đất đã thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất hàng năm phù hợp với sự biến động của thị trường và quy định của pháp luật. Tích cực triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống người dân bị thu hồi đất, nhằm tạo ra nhiều quỹ đất sạch để thực hiện các dự án trọng điểm.
UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành cùng UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những tiêu cực trong công tác quản lý đất đai, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án.
Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, công tác quản lý và sử dụng đất ở BR-VT vẫn có nhiều bất cập, thiếu sót. Số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều. Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, việc sử dụng đất không đúng mục đích, san lấp mặt bằng và làm đường bê tông trên đất nông nghiệp để phân lô bán nền gây nên tình trạng đầu cơ, sốt đất ảo vẫn đang diễn biến phức tạp…
Tại các kỳ họp Quốc hội, lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri. Những vấn đề được cử tri tập trung phản ánh là tình trạng sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý phân lô, tách thửa không đúng quy định; Quy hoạch sử dụng đất còn manh mún, không đồng bộ, thiếu cơ chế bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề sửa đổi Luật Đất đai cũng được cử tri phản ánh tới các Đoàn ĐBQH với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những “nút thắt”, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước trông đợi sau Hội nghị Trung ương 5, những quyết sách lớn về đất đai sẽ sớm được triển khai, đặc biệt là việc phân tích, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý và sử dụng đất như công tác quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư… để từ đó có những giải pháp hiệu quả.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương khắc phục tình trạng tham nhũng, đầu cơ, sử dụng đất đai lãng phí, hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, vi phạm pháp luật về đất đai, không chỉ vậy còn khai thác giá trị tài nguyên đất một cách bền vững.
Theo Báo Vũng Tàu