Tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay là hai tờ báo Vệ quốc quân và Quân du kích. Ngay từ khi ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho hai tờ báo những tình cảm đặc biệt, góp phần vào sự trưởng thành nhanh chóng của báo chí quân đội nói riêng và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung
Hai tờ báo của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Để phản ánh bức tranh toàn cảnh và đầy sinh động của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phản ánh tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân, Quân ủy Trung ương chỉ đạo thành lập báo Vệ quốc quân[1], số báo đầu tiên phát hành vào 10/3/1947 và báo Quân du kích, số báo đầu tiên phát hành vào 01/4/1948. Hai tờ báo là cơ quan tuyên truyền và giáo dục bộ đội và dân quân của quân đội ta trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ mà hào hùng.
Ngay từ khi thành lập cho đến khi sáp nhập thành báo Quân đội nhân dân vào năm 1950, Bác Hồ luôn quan tâm đến sự phát triển hai tờ báo của lực lượng vũ trang. Trong thời gian hoạt động của hai tờ báo, dù thời gian chỉ hơn ba năm, Bác đã viết và đăng 17 bài trên hai tờ báo[2].
Trong các bài viết của mình, Bác đã phản ánh sinh động cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện với những hình ảnh, minh chứng sự kiện, con người cụ thể, kịp thời gửi thư khen[3], động viên thành tích của các lực lượng vũ trang, các đội du kích và nhân dân. Đặc biệt là khuyến khích và khen ngợi các đội lão thành du kích, phụ nữ du kích, và các cháu nhi đồng giúp việc trong các đội du kích, để “cho thế giới biết rằng: người già, đàn bà và trẻ con Việt Nam đều là những chiến sĩ yêu nước và dũng cảm, tranh đấu hy sinh cho Tổ quốc”[4]. Bác còn xây dựng “Giải thưởng cháu Bác Hồ” để thưởng cho bộ đội Vệ quốc quân và dân quân du kích lập nhiều công nhất ở mặt trận. Và bác đặn dò, Báo Vệ quốc quân và báo Quân du kích có nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng những việc “làm kiểu mẫu” để nhân rộng qua phong trào thi đua yêu nước, thực hiện kháng chiến, kiến quốc.
Nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ, Bác viết “Lời kêu gọi nhân ngày 27-7-1948”, gửi lời thân ái an ủi các anh em thương binh và gia đình tử sĩ và hứa rằng Chính phủ luôn luôn tìm cách săn sóc các bạn – những người con của Tổ quốc “đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào”, chứa đựng đầy lòng sẻ chia, nhân ái.
Đồng thời, Bác nhắc nhở lực lượng vũ trang từ cấp chỉ huy đến bộ đội, đến đội viên cần xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình qua “Thư gửi Quân đội quốc gia Việt Nam nhân dịp Quốc khánh lần thứ hai” (9?1947): “CÁC CẤP CHỈ HUY CẦN PHẢI: a) Biết rõ bộ đội, chăm nom bộ đội. b) Mỗi một cái mệnh lệnh đưa ra, thì cần phải mau chóng và chuyển khắp đến từng đội viên và phải thi hành triệt để. c) Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu. Phải giữ đúng đạo đức của quân nhân. TẤT CẢ CÁC ĐỘI VIÊN CẦN PHẢI: a) Ra sức học tập kinh nghiệm, và cố gắng nghiên cứu kỹ thuật. b) Rèn luyện tinh thần chịu khó, chịu khổ. TOÀN THỂ BỘ ĐỘI CẦN PHẢI: Ra sức thực hành những nghị quyết đã do những hội nghị quân sự toàn quốc ấn định. Phải thực hành cho đến nơi đến chốn”[5].
Hai tờ báo tiền thân của Báo Quân đội nhân dân (Ảnh tư liệu)
Muốn kháng chiến thắng lợi cán bộ phải cho tốt. Theo Bác, một người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật. Trước hết, phải có đạo đức cách mạng, vì “Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng – Liêm”[6]. Và Bác căn dặn lực lượng vũ trang, các đồng chí là một đoàn thể, một gia đình thì phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh. Nếu ta không trọng kỷ luật, thì ta làm cho bộ đội yếu đi, đoàn thể yếu đi.
Định hướng xây dựng tờ báo của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đối với báo Vệ quốc quân, Bác Hồ hai lần gửi thư cho tờ báo (3/1947 và 7/1948), xác định rõ tôn chỉ, mục đích của tờ báo: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội”[7]. Vì vậy, báo Vệ quốc quân phải là người bạn thân thiết của mỗi một chiến sĩ Vệ quốc quân, cần phải đi sát với sự sinh hoạt và sự phát triển của Vệ quốc quân. Mỗi một chiến sĩ Vệ quốc quân phải là một người bạn thân thiết của báo Vệ quốc quân.
Muốn vậy, Bác nêu ra 12 điều, xem đó là những nhiệm vụ chính của báo Vệ quốc quân, là nền tảng thắng lợi trong cuộc kháng chiến, kiến quốc: “1. Mỗi việc đều phải theo mệnh lệnh cấp trên. 2. Tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư. 3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân. 4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ. 5. Nói năng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con. 6. Mua bán phải công bình. 7. Mượn cái gì phải trả tử tế. 8. Hỏng cái gì phải bồi thường. 9. Phải giúp đỡ dân bất kỳ việc to, việc nhỏ. 10. Trong bộ đội từ trên đến dưới phải đồng cam cộng khổ. 11. Chớ ve gái, say sưa, cờ bạc, hút xách. 12. Phải giúp đỡ gia đình chiến sĩ tại nơi mình đóng, phải giúp đỡ việc tăng gia sản xuất”[8].
Trong “Thư gửi báo Quân du kích”(9/1949), Bác nêu rõ nhiệm vụ của tờ báo là “Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sĩ, Mỗi làng xóm là một pháo đài. Làm cho: Quân đội giặc đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt. Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần”[9]. Vì vậy, báo Quân du kích phải nêu cao thành tích về mọi ngành; phổ biến kinh nghiệm về mọi mặt; vạch rõ chủ trương và công tác thống nhất; đảm bảo sự thực hiện chiến thuật du kích.
Báo Quân đội nhân dân đăng tin Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Trong bài viết của mình, Bác còn định hướng phương pháp viết báo để đạt hiệu quả là “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”[10].
Thư gửi báo Vệ quốc quân và Quân du kích của Bác rất ngắn gọn mà gần gũi, dặn dò với cả tình thương yêu của Bác đối với những chiến sĩ xung kích trên mặt trận báo chí. Ở đó còn thể hiện tính định hướng cho các nhà báo chiến sĩ để đạt hiệu quả của bài viết, cần trả lời các câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào?.
Những bài viết của Bác Hồ trên hai tờ báo của quân đội thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ với công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền trong lực lượng vũ trang và nhân dân. Đồng thời, thể hiện sự sát sao, định hướng của Bác Hồ cho các tờ báo quân đội thực hành đúng mục đích phục vụ kháng chiến kiến quốc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội xung kích trong công tác tư tưởng.Vì vậy, Bác quan niệm, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ. Do đó, mỗi bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…
Lời Bác dặn đã trở thành kim chỉ nam không chỉ đối với người làm báo quân đội mà đối với toàn thể những người làm báo cách mạng, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhật Ngọc
[1] Tại Hội nghị Chính trị viên toàn quân lần thứ nhất, ngày 15/2/1947.
[2] Tổng hợp từ Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011.
[3] Bác gửi thư khen lão du kích Đỗ Như Thìn (làng Tuấn Kiệt, phủ Bình Giang, Hải Dương) đã 50 tuổi, nhưng rất hăng hái tham gia du kích, có nhiều sáng kiến, lập được nhiều chiến công; Gửi thư “Đội lão du kích huyện Yên Dũng, Bắc Giang”, hay thư gửi cụ Chí Tài (huyện Hải Hậu, Nam Định) khi nghe tin cụ đã quyên góp cho du kích 100 thùng thóc…
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr.564
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.236-237
[6] Theo Bác Hồ: Trí: Là sáng suốt, biết địch biết mình, biết người tốt thì nâng đỡ, biết người xấu thì không dùng, biết cái tốt của mình mà phát triển lên, biết cái xấu của mình để mà tránh. Tín: Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin - cho bộ đội tin ở mình. Nhân: Là phải có lòng bác ái - yêu nước, yêu đồng bào, yêu bộ đội của mình. Dũng: Là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều. Phải có kế hoạch, rồi kiên quyết làm ngay. Nguy hiểm cũng phải làm. Nghĩa là phải có lòng dũng cảm trong công việc. Liêm: Là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.259
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.135
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.135
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr.165
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr.165