Khu nhà màng có diện tích 1.200m2 sản xuất dưa lưới cao cấp và măng tây xanh tại thôn Hoài Trung, xã Liên Bão (Tiên Du) của chàng cử nhân công nghệ thông tin Nguyễn Quốc Vượng là minh chứng cho sự đổi mới phương thức canh tác đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, sau khi nắm bắt về xu thế nông sản trong nước, thế giới, anh huy động các nguồn vay vốn hỗ trợ đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trang trại áp dụng công nghệ số đầu tiên ở đồng đất nơi đây.
Anh Vượng chia sẻ: “Nếu cứ loay hoay mãi với cây lúa, cây rau thông thường thì khó mà làm giàu được. Thực sự phải tìm ra được loại cây trồng mới, có giá trị, dù nó khó tính với điều kiện thời tiết bản địa, nhưng điều đó hoàn toàn có thể xử lý được với việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến”.
Anh Vượng tìm hiểu và đặt hàng đơn vị viết phần mềm tích hợp hệ thống, lắp đặt các cảm biến tại khu nhà màng để có thể điều khiển từ xa theo nhu cầu của cây về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Chia trang trại thành các phân khu nhỏ để trồng rau, dưa gối vụ. Nhờ ứng dụng tốt công nghệ, anh sớm làm chủ quy trình trồng dưa lưới, măng tây xanh cho năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường, đến nay ký kết cung ứng ổn định cho hệ thống chuỗi siêu thị của thành phố Hà Nội.
Rau được trồng trong nhà kính của Cty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Dabaco. Ảnh: internet
Có thể nhận diện rõ, các hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn thời gian qua luôn bám sát chủ trương cụ thể của tỉnh về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCCP), từ đó, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… 5 năm qua, toàn tỉnh triển khai 69 đề tài, dự án khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, gồm 63 đề tài, dự án cấp tỉnh; 6 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi với tổng nguồn vốn huy động gần 93 tỷ đồng.
Về trồng trọt, nhiều mô hình khảo nghiệm ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học, các biện pháp lai tạo, gây đột biến gen và nuôi cấy mô, sử dụng các loại phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, các biện pháp điều tiết sinh trưởng góp phần chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ diện tích lúa năng suất, chất lượng cao, giảm tẻ thường như BC15, TBR225, Thiên ưu 8, Đài thơm 8...
Về rau màu có một số giống dễ tiêu thụ như khoai tây Marabel, Atlantic, dưa chuột baby, dưa lưới ruột vàng, ruột xanh... được sản xuất đại trà. Nhiều cơ sở, hộ nông dân làm chủ công nghệ trồng hoa cao cấp như hoa lily, lan hồ điệp trong nhà màng công nghệ cao thu nhập từ 500 triệu-1 tỷ đồng/ha/vụ. Cơ giới hóa được ứng dụng trên tất cả các khâu, việc ứng dụng các tiến bộ trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch như bảo quản lạnh, sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng... nhằm kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm ra thị trường hoặc cung cấp trái vụ, lệch vụ cũng từng bước được triển khai.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thuận Thành. Ảnh: internet
Toàn tỉnh hình thành và phát triển được 56 vùng/cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 213,5 ha. Sản phẩm rau, củ quả an toàn đạt 3.000 ha, sản lượng ước đạt 72.750 tấn, trong đó diện tích được chứng nhận VietGap hoặc tương đương đạt 91,2 ha, sản lượng khoảng hơn 3.000 tấn.
Về chăn nuôi, các ứng dụng công nghệ di truyền, thụ tinh nhân tạo giúp cải tạo đàn nuôi để hình thành nhiều lứa lợn cao sản Yorshire, Landrace, bò lai Zêbu, bò sữa cao sản HF, bò thịt cao sản Red Angus, BBB, gà JDabaco… Nhiều giống bản địa như gà Mía, gà Hồ, gà Chọi, gà ri, lợn rừng... được nuôi giữ, nhân giống, góp phần bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm, đa dạng hóa sản phẩm. Công nghệ chăn nuôi chuồng kín, làm mát, điều khiển nhiệt độ, máng ăn và nước uống tự động, công nghệ thông tin trong quản lý và theo dõi đàn giống, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi; công nghệ Elisa, PCR trong chẩn đoán bệnh động vật... nâng cao năng suất, chất lượng đàn nuôi.
Toàn tỉnh có 57 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động, trong đó có 2 cơ sở chăn nuôi tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 4 cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống.
Về thủy sản, công nghệ sản xuất cá giống bằng đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây, giúp các doanh nghiệp, hộ dân chủ động được nguồn cá giống, cung cấp khoảng 230 triệu cá bột, cá hương mỗi năm. Sau khi phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, nhiều giống cá như rô phi đơn tính, nheo mỹ, cá lăng, điêu hồng, chép giòn, cá chiên... được đưa vào sản xuất thay thế các giống cá truyền thống. 85% các hộ nuôi trồng thủy sản trong ao đất sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước, máy phun thức ăn tự động…
Nhờ những tiến bộ kỹ thuật hiệu quả đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đạt 8.543,43 tỷ đồng, tỷ lệ diện tích được sản xuất theo quy trình tốt (GAP) đạt 16,9% cao hơn 6,9% so với tiêu chí của vùng. Quan trọng hơn, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới dần trở nên phổ biến, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của người dân cũng như thị trường chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: Thực hiện mục tiêu từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp,nông thôn, thời gian tới, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chuyển giao các loại giống cây trồng hiệu quả; đầu tư đổi mới trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng nghiên cứu cải tạo, đột biến giống; tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp; đổi mới quy trình thiết bị sản xuất… để từ đó, tiếp sức cho hoạt động chuyển đổi, tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu./.
Theo Báo Bắc Ninh