Huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) được thành lập năm 1992. Từ một hòn đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc bộ, không điện, không nước ngọt thì đến nay, huyện đảo đã có hệ thống hạ tầng khá đồng bộ với hệ thống cung cấp nước ngọt, đường xá, cầu cảng... Và để huyện đảo phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có, thành phố Hải Phòng đang đẩy mạnh đầu tư để đưa Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm du lịch, hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.
Năm 2014, chị Nguyễn Hà Giang (đang sinh sống tại huyện Kiến An) cùng chồng đến định cư trên đảo Bạch Long Vĩ. Khi đó quyết định của hai vợ chồng có thể coi là liều lĩnh, nhưng sau gần chục năm gắn bó với quê hương mới, chính chị cũng bất ngờ khi chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của Bạch Long Vĩ. Từ một hòn đảo chỉ có xương rồng, cát trắng... đến nay Bạch Long Vĩ đã mang dáng dấp của một đô thị giữa biển khơi với những ngôi nhà cao tầng, trường học, trung tâm y tế, những khu dân cư cùng các công trình hạ tầng khang trang.
“Lúc tôi ra đây, điện, nước vô cùng khó khăn. Điện chạy máy phát, 1 ngày chỉ giới hạn có vài tiếng, nước phải tự cung tự cấp, phải chờ nước mưa. Năm 2017 chúng tôi cũng phải trải qua đợt hạn hán lịch sử, 10 tháng không có mưa, phải đợi nước trong đất liền chở ra. Đã nghĩ đến phải bỏ đảo rồi nhưng vẫn cố vượt qua khó khăn nhờ tình yêu, sự gắn bó với đảo. Giờ đây hòn đảo rất đẹp, không khí trong lành, cuộc sống dễ chịu, chính quyền địa phương quan tâm, người dân thì vô cùng thân thiện"- Chị Nguyễn Hà Giang nói.
Những năm trước đây, trên đảo Bạch Long Vĩ có 4 khó khăn chính là tuyến giao thông kết nối từ đất liền ra đảo, nước ngọt, điện sinh hoạt và thông tin liên lạc. Khoảng tháng 7/2020, tàu Hoa Phượng Đỏ (trọng tải 220 tấn, chiều dài hơn 52m) chính thức hoạt động miễn phí để vận chuyển hành khách, hàng hóa ra đảo rút ngắn thời gian từ đất liền ra đảo chỉ còn 6 giờ đồng hồ. Trên đảo giờ cũng đã có hồ nước ngọt cung cấp nước sạch; Nguồn điện lấy từ hệ thống máy phát chạy bằng sức gió, pin mặt trời và tổ hợp điện diesel để cung cấp suốt ngày đêm cho cuộc sống người dân trên đảo.
Chị Vũ Thị Oanh, đã có 23 năm sinh sống trên đảo cho biết, chị ra đảo từ năm 2001, đảo hoang sơ vắng vẻ. Giờ đây đảo đã thay đổi rất nhiều về điện, về nước, cuộc sống sinh hoạt của bà con được nâng cao nhiều so với trước. Có đầy đủ điện nước, bà con có điều kiện phát triển kinh tế nhiều hơn như buôn bán hải sản, mua tủ cấp đông, cuộc sống ổn định hơn, đỡ vất vả hơn. Chị Oanh cho rằng, cuộc sống ở đảo nhẹ nhàng, yên bình hơn, quân dân gắn bó, đoàn kết...”
Quân dân gắn kết, đồng lòng xây dựng, phát triển Bạch Long Vĩ và bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Đại úy Bùi Quang Đông, Chính trị viên phó Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vỹ cho biết: Nhiều khi thời tiết xấu, cán bộ chiến sỹ có việc gia đình như người thân đau ốm, qua đời... không về được thì giữa tiếng gió, tiếng sóng mênh mông, sự đồng cảm, sẻ chia của đồng đội và những người dân trên đảo là sự động viên to lớn giúp vơi đi nỗi đau, mất mát.
“Phát huy truyền thống từ lâu nay, chúng tôi luôn phối hợp giúp đỡ nhân dân, cử lực lượng xuống để chằng chéo nhà cửa, nóc nhà, hỗ trợ bà con vận chuyển thuyền nan tránh trú bão; hỗ trợ bà con về thực phẩm như rau xanh, thịt bò, thịt lợn. Dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhiều trường hợp người thân đau ốm không thể về được, chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên trực tiếp các đồng chí, bản thân họ cũng đều xác định rõ về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đảo khi ra đây công tác nên anh em đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ"- Đại úy Bùi Quang Đông nói
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện đảo Bạch Long Vỹ ước hơn 494 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch. Huyện đã tập trung đầu tư các dự án, công trình hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân như Dự án đầu tư xây dựng Cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ (giai đoạn I); Dự án Xây dựng Trạm cứu hộ động vật hoang dã và sản xuất giống hải sản phục vụ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong khu bảo tồn biển và chương trình số hóa, cải thiện chất lượng công tác y tế, giáo dục và các hoạt động văn hoá; đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an sinh xã hội...
Ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ đề xuất là cần phải có hỗ trợ nhất định đối với những người ngư dân để họ có thể sống được bằng nghề đi biển, để đó không chỉ là cuộc sống riêng của họ mà còn để giữ biển vì bây giờ các ngư dân đều tương đối khó khăn. Để xây dựng huyện thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, thời gian tới huyện đang đón nhiều nhà đầu tư nghiên cứu phát triển thêm về điện gió, qua đó đáp ứng về nước, lương thực... phục vụ mảng hậu cần. Hiện Bộ Quốc phòng đã thành lập Trạm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên đảo có đầy đủ cơ cấu tổ chức, có bộ phận xe, y tế... Đây là nền tảng ban đầu để tiếp tục đầu tư thời gian tới, dự kiến mô hình sẽ có tàu kéo cứu hộ, đội sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân, máy móc thiết bị kết nối thông tin với cả nước...”
Với diện tích khoảng 6,5 km2, đảo Bạch Long Vĩ có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng ở Vịnh Bắc Bộ. Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng, Nghị quyết 36 về chiến lược kinh tế biển, Thành phố Hải Phòng khẳng định mục tiêu xây dựng huyện đảo Bạch Long Vỹ phát triển bền vững về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng và an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; từng bước hình thành các hoạt động du lịch biển và lễ hội văn hóa, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Duy Thái/VOV-Đông Bắc