Ông Trần Văn Trường ở xã Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) giới thiệu vườn sầu riêng sai trĩu quả của gia đình được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Hầu hết các giải pháp phát triển nông thôn nói chung, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân nói riêng đều được đề cập, nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, việc liên kết nông dân lại với nhau sẽ giúp người nông dân mạnh mẽ và tập trung được thông tin các thị trường đến người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, để nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà tích hợp nhiều lĩnh vực, cộng hưởng đa giá trị.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Liên kết sản xuất không còn là chuyện lạ của những người nông dân. Xuất phát từ việc phát triển sản xuất thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nông dân Đồng Tháp nói riêng đã hình thành nên những tập thể liên kết cùng ngành hàng, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cũng như nhưng thông tin thực tiễn của thị trường. Từ đó, người người, nhà nhà làm nông đã đưa sản phẩm của mình được tiêu thụ tốt hơn.
Đến Đồng Tháp chắc hẳn ai cũng được nghe đến Hợp tác xã xoài Mỹ Xương ở huyện Cao Lãnh với mô hình "cây xoài nhà tôi", vừa giúp nông dân thu nhập từ sản phẩm xoài, vừa gia tăng giá trị kinh tế trên vườn xoài qua kết hợp du lịch trải nghiệm. Ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) tham gia mô hình "Cây xoài nhà tôi" sản xuất xoài an toàn và dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại xã Mỹ Xương từ năm 2016. Ông luôn thể hiện là người tiên phong thực hiện, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế cho gia đình. Hiện vườn xoài của ông có 15 cây (giá bán 6 - 7 triệu đồng/cây) tham gia cung ứng dịch vụ "Cây xoài nhà tôi".
Để có thể phát triển mô hình này, đồng thời giúp những người quan tâm đến sản phẩm xoài có thể nắm bắt thông tin nhanh nhất về món hàng đã mua - cây xoài nhà tôi, ông Mách tiên phong ứng dụng nhật ký điện tử trong dịch vụ "Cây xoài nhà tôi" trên phần mềm Facefarm, giúp khách hàng có thể thấy được trực tiếp hình ảnh người nông dân đang canh tác trên cây xoài mà họ sở hữu qua mã QR, có thể bán trực tiếp cây xoài qua mạng, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.
Còn ông Nguyễn Văn Ba (ngụ xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành) thành công với mô hình trồng nhãn theo quy trình VietGAP. Ông Ba hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn theo quy trình VietGAP, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận. Qua 23 năm sinh hoạt tập thể, ông đã học hỏi nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản xuất theo quy mô từ thấp đến cao bền vững. Từ thực tiễn sản xuất, ông đã giúp nông dân, nhà vườn trau dồi kiến thức, kỹ năng thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, ông giúp bà con xây dựng lịch thời vụ né dịch bệnh, né thời tiết khắc nghiệt, khó ra hoa đậu trái mang lại năng suất cao, trúng mùa, được giá. Áp dụng mô hình luân canh, xen canh, đưa cây màu xuống đồng ruộng, cách ly mùa vụ, vận dụng sáng tạo Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tiết kiệm chi phí sản xuất.
Khẳng định vị thế
Bằng những nỗ lực để có thể tiếp cận với thị trường tiến bộ hiện nay, nhiều nông dân của Đồng Tháp đã trang bị cho mình nhiều kiến thức về sản xuất, phòng ngừa sâu bệnh.
Gần đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều kế hoạch xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Theo đó, mục tiêu chung của đề án là phát triển nông nghiệp tỉnh theo hướng sinh thái, ứng dụng đồng bộ công nghệ số, khoa học, công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn chế biến giá trị gia tăng, ít phát thải,... Bên cạnh đó, đề án hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, chăm chỉ, tự lực, hợp tác, nghĩa tình, năng động sáng tạo, chuyên nghiệp...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, Đồng Tháp đang hướng ngành nông nghiệp đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương; đẩy mạnh chuyển tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp".
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, công bố nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chiến lược phát triển và định hướng tái cơ cấu ngành hàng chủ lực và ngành hàng tiềm năng của các địa phương; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm.
Điển hình cho hướng đi này, anh Huỳnh Ngọc Thái, nông dân sản xuất giỏi ở xã An Nhơn huyện Châu Thành cho biết, để trở thành một nông dân giỏi, chuyển đổi tư duy không khó. Tất cả các quy trình, cũng như tiêu chuẩn sản xuất đều được ngành nông nghiệp Đồng Tháp tập huấn kĩ lưỡng, theo từng bước. Nông dân chỉ cần học tập từng bước thật tốt, đúng trình tự đều có thể áp dụng tốt vào sản xuất. Đặc biệt, nông dân không nên bảo thủ với những kinh nghiệm hiện có, mà phải biết chắt lọc kinh nghiệm kết hợp với các bài học mới sẽ nhanh chóng thành công.
Nguồn TTXVN