Giải quyết và tìm ra phương hướng cho thực trạng này, từ đó phát huy hơn nữa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - giai cấp lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, nền tảng của khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, càng trở nên cấp thiết trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực tổng kết thực tiễn, chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng - kỳ Đại hội của những dấu mốc quan trọng sau gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030…
Đề cao các “tổ chức đại diện cho NLĐ độc lập”, coi đó là tổ chức mới của NLĐ; kêu gọi biểu tình, đình công với động cơ xấu độc về chính trị; xuyên tạc, bóp méo vai trò của tổ chức Công đoàn… là những nội dung chính trong dòng “chủ lưu xuyên tạc” được các thế lực thù địch ráo riết thực hiện thời gian qua, với cao điểm chống phá là tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - sự kiện chính trị quan trọng thể hiện cho ý chí, sức mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 12-2023 tại Thủ đô Hà Nội.
Nhức nhối các hoạt động lôi kéo công nhân lao động
Với bề dày truyền thống 95 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã và đang phát huy vai trò, sứ mệnh của mình, là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Với hashtag “Công đoàn”, “Công đoàn độc lập”, “NLĐ Việt Nam”…, fanpage của V. cũng như nhiều trang mạng xã hội khác thường xuyên đăng tải những thông tin xuyên tạc cực kỳ nguy hiểm, mang màu sắc chống phá, phản cách mạng, vu cáo trắng trợn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức: “không đại diện cho quyền lợi của NLĐ, chỉ phục vụ lợi ích của giới chủ”; “kiểm soát lực lượng công nhân, chứ không giải quyết các vấn đề của công nhân”.
Một “công thức” rất quen thuộc là các thế lực thù địch rất nhanh nhạy nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn ở cơ sở, nhất là mâu thuẫn giữa NLĐ với người sử dụng lao động liên quan đến các vấn đề: tiền lương, giờ làm, áp lực công việc, thưởng Tết, nợ bảo hiểm xã hội, các khoản phụ cấp... Từ đó, chúng trà trộn vào kích động NLĐ tụ tập đông người, kéo đi khiếu kiện, đình công...
Như ngày 7-1-2021, hàng trăm lao động tại một DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở phường Hóa An (thành phố Biên Hòa) với sự kích động của một số đối tượng lạ đã đình công vì tiền thưởng Tết thấp, trong khi đây là thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. Các cơ quan chức năng phải tuyên truyền cho công nhân và cùng lãnh đạo công ty tổ chức thương lượng với công nhân để “tháo ngòi” mâu thuẫn.
Tại Hội nghị Giao ban các ngành nghề do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức vào cuối năm 2023, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, NLĐ vẫn thường xuyên nhận tin nhắn của các đối tượng lạ gửi đến thông tin xuyên tạc chế độ chính sách của Nhà nước, Công đoàn, DN hoặc lôi kéo công nhân nghỉ việc để giới thiệu việc làm hấp dẫn, vay “tín dụng đen”.
Lợi dụng các hiệp định thương mại tự do
Các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bên cạnh những quy định về kinh tế, thương mại, đầu tư, còn có những điều khoản về giá trị xã hội, “phi thương mại” mà bên tham gia phải tuân thủ.
Các FTA không chỉ tác động về mặt kinh tế, mà còn ít nhiều có ảnh hưởng đến các lĩnh vực chính trị, xã hội, ngoại giao… của các nước thành viên. Đó là các quy định về thương mại và quyền con người, thương mại và an ninh, thương mại và văn hóa, bảo vệ NLĐ trong thương mại quốc tế… Một trong những điều khoản đáng chú ý nhất là quyền thành lập tổ chức đại diện NLĐ ngoài tổ chức Công đoàn.
Lợi dụng điều này, không ít nhóm phản cách mạng ở hải ngoại đã âm mưu thành lập, kêu gọi NLĐ tham gia các tổ chức “Công đoàn độc lập” khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Từ việc đánh tráo khái niệm, chúng hô hào, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền trên nhiều mặt trận và tìm mọi cách để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các tổ chức phi pháp này cung cấp các “bánh vẽ” là sẽ có các chế độ hợp lý, đảm bảo quyền lợi hơn cho NLĐ, song ẩn chứa đằng sau đó là những âm mưu thâm độc về chính trị.
Qua theo dõi trang “Chương trình Hội luận thứ năm” vào ngày 29-2 của V. với đề tài thảo luận chính là: “Việt Nam vận động tái cử Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và có thể phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về tự do Công đoàn”, chúng tôi nhận thấy các thế lực thù địch tìm hiểu kỹ tình hình lao động việc làm ở Việt Nam. Đồng thời, qua lời của các đối tượng thì được biết, thời gian qua, chúng đã có những “bước đi, hành động cụ thể” như: thành lập tổ chức, có người đứng đầu, tiến hành khảo sát trong công nhân lao động…
Trong livestream kéo dài hơn 1 giờ 18 phút này, người được giới thiệu là “nhà báo T.A. (Paris, Pháp)” thông tin: “Ngày 1-7-2020, có một tổ chức Công đoàn độc lập ra đời mang tên Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam. Đó là một tổ chức không chính thức, sợ sự đàn áp của chính quyền Việt Nam nên hoạt động trong âm thầm”. Nội dung chính của buổi livestream này, 5 đối tượng ra sức phân tích, luận bàn, tìm phương hướng phát triển “Công đoàn độc lập” ở Việt Nam, đồng thời bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ ta, vu cáo Việt Nam một cách trắng trợn trên lĩnh vực quyền con người.
Tránh sa vào bẫy của đối tượng xấu
Trong khi các chính sách liên tục được Nhà nước ban hành để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn thì các thế lực thù địch chống phá cho rằng “công nhân bị bỏ rơi giữa lúc khó khăn”, “các chính sách hỗ trợ không đến tay NLĐ”. Mục đích của những luận điệu xuyên tạc này hòng đánh lạc hướng tư tưởng phần lớn lao động, lôi kéo họ tham gia tổ chức “Công đoàn độc lập” với những “hứa hẹn” về quyền lợi, chính sách đảm bảo hơn.
Thực tế tại Đồng Nai, đã có nhiều bài học NLĐ vì khó khăn nhất thời trong cuộc sống và hiểu biết pháp luật còn hạn chế đã nghe lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu. Từ những vụ, việc nhỏ lẻ như: sập bẫy “tín dụng đen”, làm “việc nhẹ lương cao” và có cả vụ việc trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Điển hình như vụ việc xảy ra năm 2014, lợi dụng việc NLĐ tuần hành phản đối việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các đối tượng xấu đã trà trộn kích động công nhân đập phá, chống người thi hành công vụ; thậm chí cho công nhân tiền để lôi kéo đập phá tài sản của DN; bịa đặt “Đảng, Nhà nước Việt Nam đứng đằng sau các cuộc biểu tình”…
Cũng dưới vỏ bọc nhân quyền, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, khi Nhà nước quy định giãn cách xã hội để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, NLĐ trong bối cảnh chưa có vaccine phòng bệnh, các đối tượng thù địch đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc là vi phạm quyền con người, đàn áp các quyền tự do cơ bản của người dân, không bảo đảm quyền của NLĐ…
Theo Báo Đông Nai