Ông Minh (giữa), xã Phú Đức (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), giới thiệu kỹ thuật bọc trái xoài để tránh động vật phá hoại. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Đưa công nghệ đến với nông dân
Ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất vốn đã được nhiều nông dân Đồng Tháp áp dụng và lan tỏa. Đặc biệt những năm gần đây, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân ở Đồng Tháp đã đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào các máy móc, công nghệ thiết bị tự động mang lại hiệu quả thiết thực như: thiết bị giám sát sâu rầy, thiết bị tưới tự động khi ứng dụng công nghệ IoT vào thiết bị…
Hiện nay, đã có nhiều nông dân tại huyện Tam Nông ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa sinh thái. Ông Lê Thanh Nguyên, một nông dân 62 tuổi, sinh ra và lớn lên ở huyện Tam Nông hiện đã sử dụng máy bay không người lái XAG để canh tác lúa trên đồng lúa rộng 7 ha của mình. Suốt hơn 40 năm qua, kể từ khi 15 tuổi, ông đã làm nông nghiệp theo cách truyền thống. Mặc dù vậy, ông rất nhiệt tình hiểu về công nghệ mới. Ông là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng máy bay không người lái nông nghiệp trong sản xuất lúa gạo và chuyên tâm tìm hiểu về các giải pháp máy bay không người lái.
Ông Lê Thanh Nguyên cho biết, máy bay không người lái giảm bớt gánh nặng và cải thiện hiệu quả đáng kể. Trước đây, ông Nguyên phải thuê 4 nhân công để rải 1 tấn phân trên ruộng. Họ phải làm việc vất vả từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Bây giờ, với máy bay không người lái nông nghiệp XAG P100 mới nhất, việc bón một tấn phân chỉ mất một giờ đồng hồ để hoàn tất và đạt được sự đồng đều.
Áp dụng công nghệ bay không người lái vào canh tác là cắt giảm chi phí cho nông dân, với 1ha ruộng chỉ cần 120kg hạt gieo nếu sử dụng máy bay không người lái nhưng lại cần đến 150-200kg hạt gieo nếu sử dụng lao động chân tay. Việc gieo bằng tay hoặc bằng máy gieo hạt truyền thống dễ làm hỏng cây trồng và lãng phí hạt giống, dẫn đến giảm năng suất cũng như lợi nhuận. Bằng cách sử dụng máy bay không người lái nông nghiệp XAG để gieo hạt trên không, vấn đề này sẽ được cải thiện đáng kể, ông Nguyên chia sẻ thêm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, sử dụng máy bay không người lái giúp nông dân giảm 50% lượng phân bón; 75% công bón phân; 50% lượng rác thải khí nhà kính; tăng 30% năng suất; thu nhập của bà con tăng ít nhất 20%. Nhờ đó, chất lượng nông sản từng bước đáp ứng yêu cầu đối với hàng hóa tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.
Tạo nhiều cơ chế thoáng
Để có thể thúc đẩy nông dân thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân về kĩ thuật, cũng như tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo bền vững, ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, có thể nhận định rằng chất lượng và sản lượng nền nông nghiệp Đồng Tháp đã và đang dần được cải thiện và có xu hướng phát triển đi lên. Để có được thành tựu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, trong cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng định hướng phát triển nông nghiệp theo ngành, lĩnh vực như: tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất quan trọng góp phần cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, quy hoạch cụ thể vùng chuyên canh lúa để đảm bảo an ninh lương thực; đẩy mạnh phát triển mã số vùng trồng gắn với áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.
Với chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Trình độ chăn nuôi từng bước được hiện đại hóa. Chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn hướng dẫn nông dân quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Kiên quyết di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng nâng cao năng lực cho nông dân, phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn bằng các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nông dân từng bước tiến đến chuyên nghiệp trong tổ chức quản lý sản xuất và phát triển kinh tế nông hộ. Cùng với phát triển nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập tăng thêm, xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp.
Nguồn TTXVN