Ứng dụng rộng rãi trong thực tế
Cuối năm 2022, Công ty công nghệ OpenAI cho ra mắt công cụ ChatGPT, một ứng dụng chatbot có thể trả lời các câu hỏi người dùng đưa ra dựa trên dữ liệu lớn, và tạo nên “cơn sốt” về AI.
Nói về tiện ích của AI qua ChatGPT, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA cho biết: “AI viết email giới thiệu sản phẩm nhanh gấp 36 lần trước đây, từ 180 phút xuống còn 5 phút. AI cũng giúp thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh gấp 24 lần, từ 8 giờ xuống còn 20 phút. AI cũng hỗ trợ lập trình giao diện website nhanh hơn 10 lần so với con người”.
Sử dụng công nghệ AI trong chẩn đoán hình ảnh.
“Từ tính tiện ích đó, đơn vị cũng đưa trợ lý ảo MISA AVA vào hệ thống nền tảng giúp tiết kiệm 70% thời gian và giảm thiểu sai sót nhờ tự động hóa quy trình”, ông Lê Hồng Quang cho biết.
Dễ nhận thấy, việc ứng dụng AI cũng được sử dụng ở những công việc lặp đi lặp lại. Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud cho biết: Với những đơn vị công nghệ, AI không phải là mới. FPT có đầu tư chính thức cho AI từ năm 2013. Đến năm 2017, đơn vị cho ra đời sản phẩm FPT AI. Đơn vị xác định đưa AI vào mọi hoạt động, sản phẩm của tập đoàn. Việc xây dựng, ứng dụng AI theo mô hình ngôn ngữ lớn tương tự Chat GPT nhưng quy mô nhỏ hơn, tập trung vào những lĩnh vực nhất định như ngân hàng, tài chính, bán lẻ…
Một ví dụ điển hình khác cho việc áp dụng công nghệ AI cho hoạt động sản xuất, đơn cử như Cricket One - nhà sản xuất đạm dế lớn nhất Đông Nam Á có trang trại Bình Phước - bắt đầu tìm cách dùng AI từ 2019. Công ty này bỏ vốn vào một dự án startup để phát triển nền tảng AI dùng trong nuôi loài côn trùng này. Nền tảng bắt đầu được công ty thử nghiệm áp dụng từ 2020 tại trại nuôi lớn nhất. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh Nguyễn Hồng Ngọc Bích (Bicky Nguyen) cho biết, nền tảng đang trong giai đoạn máy học (machine learning) và đưa ra các khuyến nghị cảnh báo có tỷ lệ chuẩn xác cao.
Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ AI - một mũi nhọn, được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá trong tương lai. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng AI đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro. Năm 2024, Bộ TT&TT xác định là năm ứng dụng AI diện hẹp. Đây là ứng dụng AI chuyên biệt và tập trung. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và đào tạo cho một nhiệm vụ cụ thể hoặc một nhóm nhiệm vụ hẹp. Chúng có hiệu quả cao trong phạm vi được xác định từ trước và sẵn sàng để áp dụng rộng rãi.
Hiện các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, Vingroup, CMC… chú trọng và đầu tư xây dựng trung tâm AI, tập trung nguồn lực phát triển trong lĩnh vực này. Theo dự báo, trong tương lai, các đơn vị sẽ cần đến số lượng lớn nguồn lực chất lượng. Hiện nay, một nhóm trường đại học lớn ở Việt Nam có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy các ngành này như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa…
Nhận thấy công nghệ AI đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Việt Nam cũng đã có những chủ trương, chính sách để bắt kịp xu thế. Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: “Trí tuệ nhân tạo AI tại Việt Nam không còn là vấn đề mới. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 50 của Chính phủ hay Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp, trong đó nhấn mạnh khai thác trí tuệ nhân tạo.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Quyết định số 38/2020 của Bộ KH&CN xác định đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ đứng đầu danh sách, nhấn mạnh tính ưu tiên và phát triển. Bộ KH&CN cũng đã trình Chính phủ Quyết định số 2117/2020 về danh mục công nghệ cần ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiềm năng đi đôi với rủi ro
Trong 1 năm trở lại đây, nhiều cảnh báo được đưa ra về các mối nguy hiểm đến từ AI khi bị hacker lợi dụng tấn công mạng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết: “AI đang định hình lại gần như mọi ngành công nghiệp, và an toàn thông tin mạng cũng không ngoại lệ. AI đang góp phần cách mạng hóa lĩnh vực an toàn thông tin, trên cả hai “chiến tuyến”: Tấn công mạng và phòng thủ hệ thống. Bên cạnh lợi ích mang lại, công nghệ AI đang bị tội phạm mạng sử dụng để dễ dàng chế tạo ra các phần mềm độc hại mới, tạo ra các cuộc tấn công lừa đảo mới, tinh vi, với nhiều kịch bản tấn công đa dạng, hay sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện các chiến dịch tấn công lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng…
Lừa đảo qua gọi video giả bằng Deepfake có dấu hiệu ngày càng tăng và tinh vi.
Trong các bản tin cảnh báo từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) hoặc từ Hiệp hội an ninh mạng dẫn chứng ra rất nhiều vụ việc lừa đảo được ghi nhận dùng công nghệ AI. Đơn cử như chị Nguyễn Thanh T - một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, trong một lần trò chuyện với bạn qua Facebook Messenger, người bạn đã chào và kết thúc câu chuyện nhưng đột nhiên quay lại nhắn tin, hỏi vay tiền và đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng. Dù tên tài khoản trùng khớp với tên bạn mình, chị T nghi ngờ nên yêu cầu gọi video để xác thực. Người bạn đồng ý ngay nhưng cuộc gọi chỉ kéo dài vài giây do “mạng chập chờn”, theo giải thích của người bạn.
Đã thấy mặt bạn mình trong cuộc gọi video, giọng nói cũng đúng nên chị T đã chuyển tiền. Tuy nhiên, chỉ sau khi chuyển tiền thành công, chị mới biết mình đã mắc bẫy của hacker.
Không chỉ chị T, nhiều nạn nhân khác là bạn bè, người thân của người dùng cũng bị lừa theo cách tương tự. Số tiền kẻ xấu lừa được từ việc giả mạo bằng công cụ Deepfake, giọng nói đã lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT): Hacker sử dụng AI để tối ưu hóa các cuộc tấn công mạng, phát triển các phần mềm độc hại và đặc biệt là mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware...
Trong giai đoạn hiện nay, biện pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn và cách thức để nhận biết, đối phó với hình thức giả mạo tinh vi này giúp làm giảm và hạn chế tác động của deepfake tới các hoạt động trên không gian mạng. Chủ động đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi có những diễn biến, hình thức lừa đảo mới.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cũng cho rằng AI đang mang đến nhiều rủi ro và thách thức về cả xã hội, pháp lý và an ninh mạng. Các thách thức an ninh mạng từ AI có thể kể đến như tấn công thông qua tệp tin độc hại được hỗ trợ bởi AI, hacker dùng các công nghệ đặc biệt của AI để mô phỏng hệ thống nhằm tìm điểm yếu, hay việc đối tượng lừa đảo sử dụng AI khiến nhiều người dân khó nhận biết...
Trong năm 2023, ước tính các cuộc tấn công mạng trên thế giới gây thiệt hại tới 8.000 tỷ USD bởi (tương đương gần 21 tỷ USD mỗi ngày), con số đó dự kiến sẽ tăng lên 9.500 tỷ USD vào năm 2024. Cứ sau 11 giây lại có một tổ chức trên toàn cầu bị tấn công bằng ransomware. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), con số thiệt hại lên tới 8.000 đến 10.000 tỷ đồng.
Sớm có quy định quản lý AI
Qua thực tế quản trị, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn đề xuất sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về AI, ban hành văn bản quy định về đạo đức trong quá trình phát triển, sản xuất, ứng dụng AI như bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân, quyền con người của các đơn vị trong và ngoài nước.
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam đã có Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng việc áp dụng thực tế chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu. Do đó, ông đề xuất có luật dữ liệu hoặc luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, nên quy định rõ ràng hơn các hành vi phạm tội bằng AI, có quy chuẩn cụ thể về nền tảng kết nối, chia sẻ, trao đổi liên quan đến AI.
AI do con người tạo ra, là sản phẩm của tri thức nên sẽ có biến thể “AI tốt” và “AI xấu”. Để ngăn cản sự phát triển của AI, có thể dùng chính AI.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết: “Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi về trí tuệ nhân tạo AI, nhưng phải đảm bảo hai yếu tố: Việt Nam phải xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nghiên cứu, ứng dụng vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Việt Nam cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển, đi trước theo hướng có trách nhiệm, phù hợp với văn hóa Việt Nam và tránh thiệt hại. Phát triển công nghệ số phải song hành cùng trách nhiệm và đạo đức”.
Nguồn Báo tin tức