Ngày 20/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hòa Kỳ đã công bố Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022, trong đó nêu một số quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, đã "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống".
Đáng chú ý, báo cáo này đề cập nhiều nội dung liên quan đến chế độ cải tạo, giam giữ trong các trại giam ở Việt Nam với những cụm từ nặng nề như “trừng phạt dã man, vô nhân đạo” hay “tước đoạt sinh mạng tùy tiện” vì “động cơ chính trị”.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng: “Luật cho phép người nhà đến thăm phạm nhân mỗi tháng từ 1-3 giờ và gọi mỗi tháng 4 cuộc điện thoại, mỗi cuộc dài 10 phút. Tuy nhiên, nhà chức trách thường giới hạn mỗi phạm nhân chỉ được gặp gia đình mỗi tháng 1 lần không quá 1 giờ. Người nhà phạm nhân cho biết, nhà chức trách trại giam thường hạn chế mỗi phạm nhân chính trị chỉ được gọi 2 cuộc điện thoại mỗi tháng, mỗi cuộc dài 5 đến 7 phút”.
Đây là những thông tin hoàn toàn sai lệch về chế độ của phạm nhân ở Việt Nam. Điều 52, Luật Thi hành án hình sự 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua ghi rõ: “Phạm nhân được thăm thân 01 lần/tháng, mỗi lần không quá 01 giờ. Trường hợp kết quả chấp hành án tốt, trại giam mới quyết định kéo dài thời gian gặp không quá 03 giờ; phạm nhân lập công hoặc được khen thưởng mới được thăm gặp thêm 01 lần/tháng. Điều 54 Luật Thi hành án hình sự quy định: Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không quá 10 phút, trừ trường hợp cấp bách”.
Rõ ràng, các trại giam ở Việt Nam đang thực hiện đúng những điều luật quy định và không có cụm từ nào liên quan “phạm nhân chính trị” để phân biệt đối xử.
Đề cập việc quản lý trại giam ở Việt Nam, Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng: “Không có hệ thống thanh tra trại giam nào hoạt động để phạm nhân có thể nộp đơn khiếu nại. Bộ Công an cho biết, các phạm nhân có thể nộp đơn khiếu nại chính thức cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, đơn khiếu nại trước hết phải nộp cho các cán bộ quản trại mà những người này thường là đối tượng bị khiếu nại, nên hầu hết các quan sát viên cho rằng, quy trình này có khiếm khuyết".
Đối chiếu Điều 184, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cho thấy, đây là những thông tin không chính xác. Luật quy định “trong thời hạn 24h kể từ khi tiếp nhận, Giám thị trại giam phải chuyển ngay khiếu nại cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền”.
Về những trường hợp phạm nhân cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc “nhà hoạt động chính trị Lê Anh Hùng bị tạm giam 4 năm trước khi xét xử” và cho rằng, thời gian tạm giam như vậy là quá dài.
Trên thực tế, đây là phạm nhân phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong thời gian tạm giam.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Lê Anh Hùng sinh năm 1973. HKTT: phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 05/7/2018, Cơ quan ANĐT Công an Tp. Hà Nội đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở của Lê Anh Hùng. Quá trình tố tụng đảm bảo theo các quy định, trình tự của pháp luật. Cơ quan chức năng có đủ căn cứ để kết luận: Lê Anh Hùng đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt ý kiến, lợi dụng công nghệ thông tin để in, treo, phát tán các biểu ngữ và bài viết có nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Lê Anh Hùng là có căn cứ. Sau khi quá trình điều tra kết thúc, do nghi ngờ năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, Cơ quan ANĐT đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Lê Anh Hùng. Ngày 24/4/2019, Viện pháp y tâm thần trung ương kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, bị can Lê Anh Hùng có bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng. Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội, bệnh ở giai đoạn tái phát, bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Áp dụng Điều 449 – BLTTHS, ngày 03/5/2019, các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Lê Anh Hùng và đề nghị hủy biện pháp tạm giam.
Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt quan tâm đến 6 trường hợp chết trong khi giam giữ, cho rằng, có việc “tước đoạt sinh mạng tùy tiện” hoặc “trái pháp luật”. Về những cáo buộc này, cơ quan chức năng ở Việt Nam đã có những thông tin rõ ràng, cụ thể.
Chẳng hạn như trường hợp phạm nhân Nguyễn Danh Thi ở Thái Bình. Nguyễn Danh Thi sinh năm 1978; quê quán: Xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, bị Cơ quan cản sát điều tra Công an huyện Đông Hưng bắt quả tang và ra quyết định tạm giữ hình sự về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy” ngày 27/3/2022. Nguyễn Danh Thi được Nhà tạm giữ Công an huyện Đông Hưng tiếp nhận, bố trí tạm giữ một mình trong buồng tạm giữ số 2. Nhà tạm giữ đã tiến hành khám sức khỏe ghi nhận Nguyễn Danh Thi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không có thương tích, không có biểu hiện tâm lý bất thường. Khoảng 01h14 phút ngày 29/3/2022, cán bộ Nhà tạm giữ phát hiện Nguyễn Danh Thi treo cổ, nên tiến hành sơ cứu và đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng cấp cứu.
Tuy nhiên, kết quả cấp cứu xác định Nguyễn Danh Thi đã tử vong. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng, chính quyền địa phương và đại diện gia đình tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết, đồng thời bàn giao thi thể cho gia đình về mai táng theo quy định. Căn cứ kết quả khám nghiệm, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kết luận: “Việc Nguyễn Danh Thi chết là do tự sát, không có yếu tố tác động từ bên ngoài, không có dấu hiệu tội phạm xảy ra”.
Ngày 23/3 vừa qua, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".
Nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên tục đưa ra các báo cáo nhân quyền thường niên quốc gia với những nội dung không chính xác về tình hình dân chủ, nhân quyền tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bản báo cáo năm 2022, một lần nữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại thể hiện cái nhìn phiến diện, sai lệch. Những thông tin đó bị ảnh hưởng bởi quan điểm, định kiến cá nhân, không dựa trên các sự kiện, dữ liệu và chứng cứ khách quan thu thập được.
Sau 10 thăm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, Việt Nam và Hoa Kỳ duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. Mối quan hệ giữa hai quốc gia phát triển một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá, giao lưu nhân dân…
Việt Nam sẵn sàng đối thoại, trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ nhằm thu hẹp những khác biệt trên một số lĩnh vực, trong đó có vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo…/.
Quốc Phong/VOV.VN