Ngày giỗ lần thứ 38 của nhà báo Xuân Thuỷ (18-6-1985/18-6-2023) là dịp để các thế hệ nhà báo Việt Nam cùng nhìn lại những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968. Ảnh tư liệu |
Khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng bằng nghề báo
90 năm trước, người thanh niên Xuân Thuỷ đã khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình bằng nghề báo: Cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như Trung Bắc tân văn, Hà Thành ngọ báo ... Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Từng bước, báo chí trong tay ông như “thanh gươm” được mài sắc trên hành trình làm cách mạng.
Năm 1941, bị Pháp cầm tù, ông vẫn tạc được một “dấu son” của báo chí trong tù với tờ báo mang tên Suối Reo. “Việc xuất bản và lưu hành tờ Suối Reo trong một thời gian dài chứng tỏ trình độ tổ chức và hoạt động của những người cộng sản trong tù rất vững vàng, dày dặn kinh nghiệm. Suối Reo là một di sản đặc biệt quý giá của báo chí cách mạng Việt Nam”, Viện Mác- Lênin đã đánh giá rất cao tờ báo này trong cuốn Ngục Sơn La như vậy.
Nhà báo Xuân Thủy. Ảnh tư liệu |
Từ năm 1944, ông làm chủ nhiệm, chủ bút Báo Cứu Quốc của Việt Minh, vừa lãnh đạo báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như: Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng… Điều quan trọng cần phải khẳng định ở đây là trong những thời điểm then chốt của cách mạng, báo Cứu Quốc đã tỏ rõ tính dự báo chính xác, tính chiến đấu cao với sức hô gọi, lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ.
Dưới sự lãnh đạo của nhà báo Xuân Thuỷ, Cứu Quốc trở thành một tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trong cả nước lúc bấy giờ. Uy tín, ảnh hưởng của báo Cứu Quốc gắn liền với tài năng viết báo, tổ chức làm báo và tập hợp người tài của Xuân Thủy. Nhiều tên tuổi của Báo Cứu Quốc đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng như: Nguyễn Ngọc Kha, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Thành Lê cùng một đội ngũ cộng tác viên cự phách bao gồm: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Văn Cẩn, Thép Mới...
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985). |
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Tháng 7-1950, Ðại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó chủ tịch OIJ năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này. Từ tháng 5-1968, Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Theo nhà báo Nguyễn Thành Lê, Cố vấn kiêm Người phát ngôn của Đoàn đàm phán Hội nghị Paris về Việt Nam, mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam lúc đó đã kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú, trong đó có hình thức đấu tranh trong các cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn các nhà báo.
"Có thể nói, báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thủy dành trọn sự say mê và gắn bó nhất, cho đến phút giây cuối cùng. Chiều 18-6-1985, ngay trước những trang bản thảo “Những chặng đường báo Cứu Quốc” dở dang trên bàn viết tại nhà riêng, Xuân Thủy đã lặng lẽ bước sang cõi khác trong cơn mưa tầm tã" , nhà báo Lê Quốc Minh bày tỏ.
Nhà báo Hồng Hà, nguyên phóng viên Báo Cứu Quốc kể rằng: “Phóng viên báo Cứu Quốc chạy từ sáng đến tối... Anh Xuân Thủy luôn nhắc chúng tôi ở Hà Nội có hàng chục tờ báo chống cộng; báo Việt Minh phải viết đúng nhất, hay nhất, nhanh nhất, có sức chiến đấu và thuyết phục nhất. Mỗi cây bút phải là một chiến sĩ kiên cường bảo vệ cách mạng, là người hướng dẫn tin cậy sự suy nghĩ và hành động của nhân dân”.
Theo GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, báo Suối Reo “phát hành” bằng miệng trong các phòng giam bằng cách từng nhóm tù nhân truyền tay nhau đọc, xong rồi chuyển cho nhóm khác hay cho phòng giam khác. Tờ báo trở thành một món ăn tinh thần, một nguồn sinh lực vô cùng quý báu cho những người cách mạng đang bị đày ải trong tù. Sự xuất hiện của tờ báo như một sự khẳng định rằng, cách mạng vẫn đang tiến lên, tổ chức Đảng vẫn luôn luôn đồng hành cùng với họ. Cũng do hiểu được tầm quan trọng của tờ báo mà Xuân Thủy cùng với đồng chí, đồng đội của ông đã tìm mọi cách phát hành được báo Suối Reo trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Báo Suối Reo phát hành ngay cả khi bọn cai ngục lục soát, tra khảo gắt gao nhất. Trong hồi ký “Suối Reo năm ấy”, Xuân Thủy kể lại rằng, để “xuất bản” báo Suối Reo, ông và đồng đội phải khéo léo mắc một ngọn đèn điện nhỏ vào góc nhà xa cửa ra vào, bịt kín lại chỉ để một lỗ nhỏ cho ánh sáng hắt xuống các trang giấy viết. Một người tù phải phục ngay cạnh cửa để sẵn sàng báo động nếu có bọn gác ngục đi tới. Cả chủ bút, người viết, người trình bày phải hì hục làm việc đến 3 giờ sáng.
GS, TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua bao thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút “xoay vần thời thế”, đến khi trở thành nhà lãnh đạo chính trị từng trải, luôn “kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”, Xuân Thủy luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Người đặt nền móng cho nền báo chí Việt Nam
Nói về tài năng của nhà báo Xuân Thủy, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Nói về Xuân Thủy, nhiều người cả trong và ngoài nước đều ca ngợi ông là nhà chính trị tài ba, mẫn tiệp, nhà ngoại giao xuất chúng, hội đủ tinh hoa kim, cổ, Đông, Tây, đặc sắc của Việt Nam. Sẽ còn nhiều người, còn nhiều năm sau nữa nói như vậy và còn hơn thế.
PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu về tài năng của nhà báo Xuân Thủy. |
“Ngục tù tàn ác, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề nhưng Xuân Thủy cùng các đồng chí của mình luôn giữ vững và nâng cao chí khí, tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng: “Sơn La những núi cùng non/Dù cho đá lở vẫn còn Suối Reo/ Hôm nay rừng nặng sương chiều/ Ngày mai nắng sớm lưng đèo nở hoa”, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ viết.
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu: Trong suốt cuộc đời cầm bút để hoạt động cách mạng, Xuân Thủy với vai trò vừa là nhà lãnh đạo - cây bút chủ lực của báo Cứu Quốc, vừa là nhà quản lý - giáo viên đào tạo báo chí, đồng thời là nhà tổ chức thành lập các cơ quan báo quan trọng của nước nhà. Dù ở cương vị nào, ông vẫn nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp báo chí. Cho đến thời điểm nhắm mắt xuôi tay, đó cũng là lúc ông đang viết dở những trang về chặng đường phát triển của báo Cứu Quốc.
Báo Cứu quốc trưng bày tại Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985). |
Các nhà báo, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền xem các hiện vật của nhà báo Xuân Thủy. |
Là thế hệ trẻ hằng ngày được đọc, tiếp xúc với rất nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật của các nhà báo lão thành, trong đó có nhà báo Xuân Thủy, anh Nguyễn Ba (Bảo tàng Báo chí Việt Nam) cho biết: Nhà báo Xuân Thủy có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Với tài năng lãnh đạo đầy kinh nghiệm, uy tín và đặc biệt là đức độ, khiêm nhường, ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. Hình ảnh một nhà báo với nụ cười đôn hậu luôn hiện hữu sẽ sống mãi trong tiềm thức của mọi người, là niềm tự hào và trở thành tấm gương sáng cho thế hệ nhà báo trẻ noi theo.
Suốt cuộc đời mình, nhà báo Xuân Thuỷ đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận... và luôn có những cống hiến xuất sắc trong các công tác ngoại giao, báo chí, trong phong trào bảo vệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế... Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nguồn QĐND