Ngôi nhà với tên gọi “Nhà bom của kỷ vật- Ký ức chiến tranh” nằm bên đường Hồ Chí Minh, ngay sát cổng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Công Chức, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Gần 20 năm qua, ông đã đi nhiều nơi để sưu tầm những kỷ vật chiến trường, đặc biệt là hàng trăm vỏ bom, đạn để dựng nên ngôi nhà này. Đây còn là điểm dừng chân của du khách mỗi lần ngang qua đường Hồ Chí Minh. Mọi người có thể dừng chân bên đồi Bến Tắt, dâng hương nghĩa trang liệt sĩ rồi ghé lại ngôi nhà này, nhâm nhi ly cà phê, nhìn ngắm những kỷ vật, ôn lại ký ức một thời chiến tranh bi tráng để thấy được giá trị của hòa bình hôm nay.
Vết tích chiến tranh không chỉ được tìm thấy trong những phận đời hay một vài câu chuyện mà còn tồn tại trực quan qua những kỷ vật. Ngôi nhà của ông chức được xây dựng từ hàng trăm vỏ bom, mảnh đạn. Ông Chức làm ngôi nhà này bên đường Hồ Chí Minh, gần Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn để các cựu chiến binh và du khách khi về đây có thể ghé thăm, ôn lại ký ức một thời chiến tranh đau thương trên mảnh đất Quảng Trị.
“Tôi đi sưu tầm những kỷ vật này khoảng 20 năm nay, tôi muốn đưa các kỷ vật này về trưng bày gần Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn để các cựu chiến binh, các cháu học sinh khi về viếng nghĩa trang tri ân, có thể đến trải nghiệm nhà bom. Hôm nay, tôi thấy các cựu chiến binh ở mọi miền quê, những người từng sống qua 2 cuộc chiến tranh về đây thăm, động viên, tôi rất mừng và rất tự hào khi đã làm được điều này”, ông Trần Công Chức chia sẻ.
Ông Chức đã đi nhiều nơi, sưu tập những vỏ bom đạn, những kỷ vật chiến tranh, tư trang bộ đội... Ông bỏ nhiều thời gian, công sức từ đánh bóng vết hoen rỉ, tỉ mỉ hàn, gò, chắp, nối các vỏ bom lớn nhỏ lại với nhau để làm thành ngôi nhà.
Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Quảng Trị được ví như túi bom, là vùng “đất lửa”. Mỗi người dân Quảng Trị ngày ấy phải gánh chịu nhiều tấn bom, đạn trút xuống từ quân địch. Ông Nguyễn Hồng Hào, cựu chiến binh ở tỉnh Nam Định đến thăm ngôi "nhà bom" này gợi nhớ trong ông những ký ức về một thời mất mát, khốc liệt của chiến tranh. Ngôi "nhà bom" này để nhắc nhở các thế hệ không bao giờ quên giá trị của hòa bình: “Khi tham quan, nhìn thấy những kỷ vật này, tôi có thể cảm nhận được những giá trị của hòa bình, những hậu quả đau thương của chiến tranh mà nhân dân Việt Nam gánh chịu”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Linh lũy thép, ông Trần Công Chức thấm thía nỗi đau tận cùng của chiến tranh khi 6 người thân trong gia đình đã mất vì bom, đạn. Đã có hàng nghìn hiện vật chiến tranh được ông Trần Công Chức sưu tầm từ các vùng núi sâu, dòng sông hay từ những cửa hàng thu mua phế liệu. Bên trong "nhà bom", ông Chức đã trưng bày rất nhiều các loại bom, pháo, đạn cối mà quân Mỹ đã rải xuống vùng đất Quảng Trị, nơi được ví là vùng "đất thép, đất lửa".
Ông Chức xây dựng ngôi "nhà bom" trên diện tích gần 200 mét vuông, theo lối kiến trúc cổ xưa, 4 mái 18 cột. Mỗi cột được kết cấu bởi 4 quả bom các loại có kích thước từ lớn đến nhỏ, được kết nối, hàn gắn lại, cao gần 6 mét, nặng gần 2 tấn. Theo thiết kế, ngôi "nhà bom" này nằm trong quần thể Khu du lịch ký ức Trường Sơn do ông Chức và một số người bạn tham gia đầu tư. Trong khuôn viên "nhà bom" còn có thêm kiến trúc bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến, có công dụng làm loãng khói trong lúc nấu ăn nhằm tránh máy bay do thám từ trên cao.
Ông Nguyễn Văn Quảng, ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho rằng, ngôi "nhà bom" trên đất lửa Quảng Trị giúp thế hệ sau biết và hiểu hơn sự kinh hoàng của chiến tranh, sự mất mát của dân tộc Việt Nam để đổi lấy hòa bình. Sau gần 50 năm, những mầm xanh cũng đang vươn chồi trên những mảnh vỡ chiến tranh như cách ngôi "nhà bom" tái hiện: “Một người con của quê hương Quảng Trị đã có suy nghĩ rất ý nghĩa để rồi đi sưu tầm, xây dựng công trình “Nhà bom - Ký ức Trường Sơn”. Đây cũng là niềm tự hào trên quê hương, trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng này”.
“Nhà bom của kỷ vật - Ký ức chiến tranh” là một trong những điểm nhấn trong hành trình du lịch tâm linh trên đất lửa Quảng Trị. Đây là một địa chỉ để các cựu chiến binh ghé lại khi về Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn viếng đồng đội, nhớ về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Với thế hệ trẻ, khi đến thăm "nhà bom" cũng chính là hành trình về nơi lưu giữ ký ức chiến tranh để thêm hiểu và trân quý hơn giá trị của hòa bình.
Một số hình ảnh bên trong “Nhà bom của kỷ vật - Ký ức chiến tranh”: