Bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm chính thức có cơ sở pháp lý khi Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 73) quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nghị định 73 được ban hành trong bối cảnh thời gian qua, ở nhiều nơi có tình trạng cán bộ, công chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy vì sợ phải chịu trách nhiệm.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xây dựng luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.
Việc ban hành Nghị định 73 là bước cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Vậy đâu là những điểm đáng chú ý trong Nghị định 73/? Những cơ sở pháp lý quy định trong Nghị định có đảm bảo khuyến khích, bảo vệ được những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Phóng viên VOV trao đổi với Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Quy định "không xử lý" hay "loại trừ" có thể gây khó khăn khi áp dụng
PV: Tròn 2 năm sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Chính phủ đã ban hành nghị định triển khai. Ông thấy những điểm đáng chú ý nào trong Nghị định 73?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta thấy đây là nghị định khá mới so với các quy định của Luật Cán bộ công chức hiện hành. So với tiêu đề của Kết luận 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, tiêu đề của Nghị định 73 có phạm vi hẹp hơn. Tiêu đề của Kết luận 14 còn quy định bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong tiêu đề của Nghị định 73 chỉ đặt vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Trong Luật Cán bộ, công chức, tại Khoản 5 Điều 11 quy định cán bộ công chức được pháp luật bảo vệ trong khi thi hành công vụ. Quy định này mang tính chung chung, không chỉ ra các yếu tố, các phẩm chất như trong Kết luận 14 cũng như Nghị định 73, nên cũng khiến những người nghiên cứu về pháp luật như chúng tôi khá băn khoăn.
PV: Còn khung khổ pháp lý, cơ chế bảo vệ trong Nghị định 73, ông thấy có gì đáng chú ý?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Vấn đề bảo vệ cán bộ trong Nghị định 73 có hẹp hơn ở Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Nghị định 73 xác định đối tượng bảo vệ là cán bộ công chức lãnh đạo quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. Nếu áp đối tượng này vào Luật Cán bộ công chức thì nhiều đối tượng khác có những phẩm chất này nhưng không được bảo vệ. Liệu còn quy định khác nữa không? Đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND lại phải có quy định riêng của UBTV Quốc hội hay nghị quyết của Quốc hội về vấn đề bảo vệ?
Nhà nước ta lãnh đạo thống nhất thì phải làm sao để khi tất cả các văn bản, các quy định ra đời phải đảm bảo các đối tượng đều được thụ hưởng như nhau, đều phải quy định trách nhiệm như nhau và các cơ quan đều có thẩm quyền xử lý trong cùng một thời điểm để đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể theo đúng quy định của Hiến pháp.
PV: Theo quy định mới nhất của Chính phủ, những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Có ý kiến cho rằng, quy định này sẽ góp phần gỡ bỏ trong lòng nhiều cán bộ nỗi ám ảnh về việc có thể bị xử lý trách nhiệm rất nặng nề nếu chẳng may vô tình mắc phải một sai sót nào đó trong quản lý, điều hành?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Nghị định 73 có quy định 3 mức. Khoản 1 Điều 11 quy định nếu cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan (hình sự, dân sự, trách nhiệm bồi thường…).
Khoản 2 Điều 11 quy định được loại trừ trách nhiệm đó, nghĩa là có trách nhiệm nhưng được loại trừ.
Khoản 3 Điều 11 quy định được xem xét miễn hoặc giảm.
Theo tôi 3 mức này có thể chấp nhận. Nhưng theo khoản 1 và khoản 2 quy định "không bị xử lý" và "loại trừ", trong khi hiểu theo ngôn ngữ pháp lý, loại trừ là không xử lý. Quy định 2 hình thức có nghĩa gần như nhau như thế sẽ gây ra sự khó hiểu, khi áp dụng dễ dẫn đến tranh luận, trường hợp nào được loại trừ, trường hợp nào không xử lý. Vì xét cho cùng, loại trừ tức là không xử lý.
Cán bộ vì lợi ích chung, người ta sẵn sàng xả thân
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, vị trí cán bộ quản lý nhà nước hiện nay như một chiếc "ghế nóng" khi những áp lực cho công tác phát triển đặt ra hết sức quyết liệt. Nếu cán bộ không dám nghĩ, dám làm, không dám theo đuổi ủng hộ những cái mới, những cái chưa có sẵn trong thực tiễn, có thể sẽ không thể theo kịp được yêu cầu phát triển. Vậy yếu tố và dấu hiệu nào để nhận biết cán bộ dám nghĩ, dám làm?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Ở góc độ đánh giá, chúng ta phải có tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bình thường người ta cũng có thể đánh giá được cán bộ nào là dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những yếu tố đó được thể hiện rất rõ trong công việc. Khi người ta được giao nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ, người ta dám đề xuất, dám lên tiếng, dám bảo vệ cái đúng, dám phê phán cái sai trong các cuộc họp hay trong quá trình làm việc… Thực tế có những cán bộ như thế và cũng chính vì thực tế đã có những cán bộ như thế nhưng không được bảo vệ, thậm chí còn bị trù dập, nên mới xuất hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung. Cán bộ nào mà vì lợi ích chung, người ta sẵn sàng xả thân, nhưng trước đây chúng ta thiếu cơ chế bảo vệ thực sự, vì thế mới cần những quy định cụ thể như thế này.
PV: Nghị định 73 xác nhận quan điểm bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là điều rất nhiều người mong đợi. Cũng có ý kiến đề nghị nên luật hóa cơ chế. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật bảo vệ người dám nghĩ dám làm để giải quyết những vấn đề chưa từng có hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Những vấn đề đặt ra như thế là hết sức nghiêm túc. Chúng ta cũng biết là đôi khi trong một cơ quan, một số cán bộ cũng có tinh thần trách nhiệm cao, có sức làm việc rất mạnh mẽ, quyết liệt nhưng lại không được bảo vệ đến nơi đến chốn. Điều này tùy thuộc vào vai trò của người đứng đầu, hoặc tập thể đó đoàn kết, biết bảo vệ cái đúng, dám đấu tranh với sai trái, bảo vệ cán bộ của mình, chứ không phải bao che, câu chuyện này là có, nhưng rõ ràng là cần một thể chế pháp lý.
Tôi không cho rằng Kết luận 14 của Bộ Chính trị cũng như Nghị định 73 sẽ là phương thuốc thần cho vấn đề này, nhưng theo nhiều ý kiến cử tri, nó cũng tạo ra sự yên tâm, tạo một sự phấn khởi nhất định và cũng tạo ra một động lực cho những con người có năng lực, phẩm chất, những cán bộ chân chính dám đấu tranh, dám hy sinh vì lợi ích chung, lợi ích của tập thể, người ta cũng sẵn sàng đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa làm băng hoại đạo đức công vụ hiện nay.
Rất cần có những quy định cụ thể để tránh lạm dụng
PV: Nghị định 73 đặt thẳng vấn đề khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám chọn cách giải quyết vấn đề, "điểm nghẽn" thực tiễn, "nút thắt" cơ chế chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được những chuyển biến mạnh mẽ. Nhưng nhiều ý kiến lại băn khoăn, cách đặt thẳng vấn đề này tuy có thể giúp tháo gỡ những tình huống trước mắt nhưng về căn bản thì cần cân nhắc khía cạnh siêu pháp luật như khuyến khích những việc làm chưa được quy định trong văn bản pháp luật?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cũng rất băn khoăn, bởi theo các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, cán bộ công chức nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép, khác hẳn với phía người dân, doanh nghiệp được làm những việc pháp luật không cấm. Hai thái cực này hoàn toàn khác nhau. Cho nên rất nhiều người băn khoăn, thứ nhất là ở khía cạnh như tôi vừa nói. Thứ hai băn khoăn không biết những quy định này ra đời có thật sự gỡ được vướng mắc như trong thời gian vừa qua hay không. Bởi nếu làm đúng, thì rất đáng mừng, nhưng nếu làm sai, nếu lợi dụng, thì rất đáng lo ngại. Các tổ chức, tập thể có thể bao che cho cán bộ “cánh hẩu” trong địa phương, cơ quan của họ.
PV: Xác định một việc gì đó mang lại hiệu quả thiết thực hay tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ thường không dễ dàng, nhất là hiệu quả thiết thực và chuyển biến mạnh mẽ thường có độ trễ, nhiều khi ngày một ngày hai chưa kịp nhìn thấy, nhưng sinh mệnh chính trị của những cán bộ liên quan có thể đã được kết luận. Ông nghĩ sao về lo ngại này?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Lo ngại này theo tôi là có cơ sở. Quay trở lại một ý tôi nói ban đầu, nếu người lãnh đạo, người đứng đầu thực sự có trách nhiệm, có tầm nhìn, thì trong quá trình cán bộ của họ thực hiện đề xuất sáng tạo nhưng chưa đạt đỉnh điểm hoặc đang đi dở quãng đường, mà anh vì lý do nào đó dừng lại, kiểm điểm người ta, gạt người ta ra, theo tôi đó là thảm họa. Còn người có tầm nhìn sẽ giữ thái độ bình tĩnh để cho cán bộ làm và yêu cầu báo cáo, như thế sẽ đạt được kết quả nhất định.
PV: Như vậy, chúng ta rất cần có sự phản biện, đóng góp ý kiến và cũng cần thêm những hướng dẫn thi hành cụ thể để Nghị định không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà thực sự là một công cụ, là động lực thúc đẩy sự phát triển, ủng hộ cái đúng, cái tốt và cái mới?
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng: Nghị định ra đời là điều tốt nhưng chúng ta rất cần có sự hướng dẫn cụ thể, một sự thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì thế, rất cần có những quy định cụ thể về định lượng, về tiêu chuẩn để tránh tình trạng lúng túng hoặc tùy tiện, lạm dụng, lợi dụng các quy định để làm những việc không tốt, thậm chí có hại cho Đảng, cho đất nước và cho chính cán bộ.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ.