Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 trong tổng số hơn 200 quốc gia trên thế giới. Thông qua con đường ngoại giao, chúng ta đã xây dựng được lòng tin chiến lược, thu hẹp khoảng cách, rút ngắn thời gian, hóa giải mẫu thuẫn, giảm thiểu bất đồng trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc. Cũng thông qua con đường đối ngoại, chúng ta đã thiết lập được một vành đai bao quanh đất nước, bảo vệ Tổ quốc trước những sóng gió phức tạp của thời cuộc. Một phên dậu bảo vệ Tổ quốc được hình thành ngay từ bên ngoài lãnh thổ. Đây cũng chính là nội dung bài viết cuối trong loạt 4 bài “Bảo vệ Tổ quốc, giữ nước từ sớm, từ xa”.
Những tràng pháo tay chúc mừng dành cho Việt Nam, sau khi Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Csaba Korosi thông báo Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào một trong những cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc.
Thành công của Việt Nam đã chứng tỏ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì mục đích hòa bình của Việt Nam là đúng đắn và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Với sự kiện này, ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn ra gay gắt, thậm chí đối đầu với nhau, nhưng Việt Nam vẫn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Sự kiện này, đã xác lập được vị thế mới của Việt Nam trong Liên Hợp Quốc. Nhờ đó, Việt Nam sẽ tranh thủ được nhiều hơn tiếng nói và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
"Việt Nam lần thứ hai tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thực sự là một cơ hội mới đối với chúng ta. Đó là cơ hội để chúng ta tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các nước trên thế giới. Trong đó có cả các lĩnh vực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến rất phức tạp, rất nhiều vấn đề nguy cơ bất ổn, việc Việt Nam tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ, đoàn kết của số đông các nước trên thế giới là vô cùng quan trọng", ông Lê Văn Nghiêm nhấn mạnh.
Góp phần vào thành công của sự kiện này, chúng ta đã triển khai một loạt các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương. Chủ động đối thoại với các nước để tìm ra mẫu số chung, giải quyết những vấn đề còn khác biệt về nhận thức. Trong tổng thể các hoạt động ngoại giao đó, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hoà bình) cho rằng, việc Việt Nam đưa lực lượng quân đội tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, được coi là một điểm cộng cho Việt Nam. Thông qua các hoạt động của đội quân mũ nồi xanh Việt Nam, chính phủ các nước sở tại và sĩ quan ở các phái bộ Liên Hợp Quốc biết đến Việt Nam nhiều hơn. Họ thấy được ở Việt Nam tinh thần yêu chuộng hòa bình. Vì vậy, họ luôn ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế.
"Trước tình hình thế giới ngày nay, Việt Nam đưa các lực lượng ra bên ngoài dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc, để khẳng định lại là Việt Nam mong muốn hòa bình. Sau một thời gian dài Việt Nam đã phải chịu nhiều đau thương, gian khổ, mất mát để có được một nền độc lập như ngày nay. Để có một nền hòa bình bền vững như ngày nay, Việt Nam cũng mong muốn kiến tạo và chung tay kiến tạo với nhân loại một nền hòa bình bền vững trên toàn thế giới", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng khẳng định.
Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo đất nước. Trong bối cảnh đó, đối ngoại của Đảng cũng liên tục được mở rộng. Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Theo ông Ngô Lê Văn, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, hầu hết tất cả các quốc gia và các chính đảng trên thế giới đều thừa nhận và cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, mong muốn được quan hệ, hợp tác, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Đối ngoại Đảng là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, tạo ra thế ba chân kiềng vững chắc và tạo thành ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại. Vì thế, việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó, ta cũng tranh thủ được sự hậu thuẫn chính trị của bạn bè quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động đối ngoại của Đảng đã góp phần gia tăng vị thế, uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế là nâng cao tính chính danh và nhận thức đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Góp phần làm tăng thêm tiềm lực, sức mạnh cho mũi tiến công ngoại giao, đối ngoại quốc phòng cũng được triển khai tích cực và chủ động. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, chúng ta đã triển khai hàng loạt các hoạt động như: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; chủ trì đăng cai và tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng; tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế tại Việt Nam và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thông qua các hoạt động đó, các nhà cầm quân, chỉ huy quân đội các nước có dịp trực tiếp được gặp gỡ, trao đổi, đối thoại để tháo nút thắt trong các vấn đề liên quan đến quốc phòng, chung tay kiến tạo cho hòa bình được vững chắc hơn.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích: "Người ta hay nói rằng, khi các nhà quân sự mà cụng cốc với nhau thì tiếng súng im. Như vậy là đối ngoại quốc phòng đã làm cho môi trường hòa bình, ổn định hơn, lòng tin cậy giữa các quốc gia tốt hơn. Và từ đó, nó hỗ trợ cho vị thế của đất nước. Tức là khi mà mình tạo lòng tin, là đã tạo nên một nhân tố rất quan trọng, làm cho đất nước yên bình. Ngoại giao có thắng hay không như Bác Hồ nói thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn. Thực lực của đất nước tạo nền tảng cho ngoại giao. Ngược lại ngoại giao làm cho tiếng chuông vang xa hơn".
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 quốc gia, thiết lập Tùy viên quốc phòng tại hơn 30 nước và đã có hơn 40 nước thiết lập Tùy viên quốc phòng tại Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực thi đường lối đối ngoại quốc phòng là: Việt Nam không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng nhận định, với quan điểm, chủ trương 4 không này, Việt Nam đã giữ vững được tinh thần độc lập, tự chủ trong việc bày tỏ quan điểm và giải quyết các vấn đề quốc tế. Từ đó, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định, không làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình.
"Cùng với chính sách quốc phòng 4 không, Việt Nam cũng thực hiện 4 tránh. Một là tránh xung đột quân sự. Hai là tránh bị cô lập về kinh tế. Ba là tránh bị cô lập về ngoại giao. Và 4 là tránh bị lệ thuộc về chính trị. Đây là hệ thống đồng bộ các quan điểm chiến lược của Việt Nam về chính sách quốc phòng và đối ngoại. Nhằm tạo lập và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, góp phần huy động các nguồn lực bên ngoài, để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân thông tin thêm.
Đối nội và đối ngoại được coi là hai vấn đề hệ trọng nhất của một quốc gia. Đối nội giữ cho trong ấm thì đối ngoại giữ cho ngoài êm. Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, ông cha ta cũng đã thực thi chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, vừa xây dựng tinh thần hòa hiếu với các nước láng giềng, vừa vận động tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè yêu chuộng hòa bình thế giới. Như vậy, dù trong thời bình hay chiến tranh, đối ngoại luôn được xác định là một mặt trận, một mũi tiến công tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Từ xưa đến nay, ngoại giao luôn là một mặt trận rất quan trọng để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, chúng ta cũng đã đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định an ninh khu vực và trên trường quốc tế, tạo được sự đan xen lợi ích. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Qua đó thu hút các nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước của chúng ta".
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, khi Tổ quốc lâm nguy, phương châm ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, dĩ bất biến ứng vạn biến, cương nhu đúng lúc sẽ giúp chúng ta biến nghịch thành thuận, biến những khả năng mong manh thành hiện thực có lợi cho đất nước. Đó không chỉ là những bài học kinh nghiệm, mà còn là yếu tố căn bản, tạo nên một véc tơ tổng lực cho mũi tiến công ngoại giao. Qua con đường đối ngoại, phên dậu che chắn, bảo vệ Tổ quốc đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới lãnh thổ, để chúng ta có thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững./.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội